Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Bệnh viện Nhi Hà Nội, trong số các bệnh lý về tai khi bơi lội, bệnh viêm ống tai ngoài rất thường gặp, nhất là khi chúng ta bơi những nơi không đảm bảo vệ sinh.
Viêm tai khi bơi là vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ em, gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. |
Nước bẩn, khi vào trong tai, sẽ mang theo vi khuẩn và nấm. Khi nước này xâm nhập vào tai, đặc biệt là khi tai có sẵn các tổn thương nhỏ, sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển và gây viêm nhiễm. Trường hợp bệnh nhân có nhiều ráy tai, nước sẽ làm ráy tai nở ra, gây bít tắc ống tai đồng thời làm vi khuẩn ứ đọng trong đó và gây nên tình trạng viêm ống tai.
Theo bác sĩ Tuấn, bố mẹ có thể tự phát hiện tình trạng viêm tai của con bằng cách lắng nghe phản ứng của con sau khi bơi. Nếu con kêu đau tai thì bạn không nên bỏ qua dấu hiệu này vì đây là triệu chứng viêm tai giữa phổ biến nhất, thường kèm theo ngứa, rát, cảm giác nóng trong tai. Kế đến, khi soi đèn pin điện thoại vào tai con sẽ thấy ống tai có thể bị sưng đỏ, phù nề. Nặng hơn, tai sẽ bị chảy dịch vàng, trắng hoặc mủ. Trong một số trường hợp, viêm tai có thể ảnh hưởng đến thính lực. Kèm với những triệu chứng này, trẻ có thể bị sốt, nhức đầu, chóng mặt,...
Viêm tai khi bơi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng. Phổ biến nhất là biến chứng viêm tai mãn tính. Viêm tai mãn tính có thể kéo dài dai dẳng, gây ra các triệu chứng khó chịu như đau tai, ngứa rát, chảy dịch mủ, giảm thính lực...
Nếu con kêu đau tai thì bạn không nên bỏ qua dấu hiệu này vì đây là triệu chứng viêm tai giữa phổ biến nhất, thường kèm theo ngứa, rát, cảm giác nóng trong tai. |
Viêm tai khi bơi cũng có thể làm hỏng các tế bào thính giác, dẫn đến giảm thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em, ảnh hưởng đến khả năng học tập và phát triển ngôn ngữ của trẻ. Chưa kể, khi bị viêm tai, màng nhĩ có thể bị tổn thương và thủng, dẫn đến nhiễm trùng tai giữa và các biến chứng nguy hiểm khác. Nếu không được điều trị, viêm tai khi bơi có thể lây lan sang các bộ phận khác xung quanh tai như xương chũm, tuyến mang tai, thậm chí não bộ. Đây là những tình trạng đáng lo ngại, đòi hỏi phải điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật.
Mặc dù hậu quả của viêm tai khi bơi khá nặng nhưng nếu biết cách phòng tránh, bạn hoàn toàn có thể giúp con tận hưởng kỳ nghỉ hè sôi động mà không cần lo lắng về căn bệnh “nhỏ nhưng phiền” này.
“Để phòng ngừa bệnh viêm tai khi đi bơi, thứ nhất là trước mùa bơi, chúng ta nên đi khám tai để nếu thấy ráy tai nhiều, đọng lại thành nút thì nên lấy đi cho đỡ giữ nước bẩn của bể bơi trong tai. Thứ hai, chúng ta không nên có thói quen là ngoáy tai hằng ngày vì chúng ta biết là ráy tai nó được sinh ra và bảo vệ màng nhĩ, nó đã tạo nên môi trường trong cái ống tai để làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Khi chúng ta ngoáy tai hằng ngày sẽ làm mất chức năng đó. Việc ngoáy tai thường xuyên còn có thể đẩy các chất bẩn, vi khuẩn vào sâu trong ống tai, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Thêm nữa tai còn bị kích thích liên tục bị tổn thương lặp đi lặp lại khiến tai dễ viêm hơn. Thay vào đó, hãy sử dụng khăn mềm để lau tai nhẹ nhàng sau khi tắm hoặc bơi”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, sau khi bơi xong, hãy hướng dẫn trẻ nghiêng đầu để nước chảy ra khỏi tai, sau đó dùng khăn mềm lau khô tai ngoài. Tránh sử dụng máy sấy tóc để sấy tai vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương da tai. Để phòng nước vào tai, bạn có thể cho con sử dụng nút bịt tai, đặc biệt khi bơi ở những nơi không đảm bảo vệ sinh. Hạn chế cho trẻ bơi khi đang bị cảm cúm, sổ mũi vì việc bơi trong tình trạng sức khỏe không tốt có thể khiến trẻ dễ bị viêm tai hơn. Tránh để trẻ ở trong môi trường nước quá lâu khiến tai của trẻ bị bí bách, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Việc ngoáy tai thường xuyên có thể đẩy các chất bẩn, vi khuẩn vào sâu trong ống tai, tăng nguy cơ viêm nhiễm. |
Và một điều cũng tối quan trọng, hãy bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất: Vitamin A, C, E và kẽm cho con. Đây là những nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.