Bạc Hy Lai làm quan, 'cả họ được nhờ'

Người thân của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai sở hữu cổ phần khắp nơi và thích dùng bí danh trong các vụ làm ăn
Người thân của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai sở hữu cổ phần khắp nơi và thích dùng bí danh trong các vụ làm ăn
Chỉ vài tuần trước cú mất chức đột ngột, ông Bạc Hy Lai đã viết mấy câu đề tặng theo lối thư pháp khen ngợi Công ty Quản lý tài sản nước Trùng Khánh, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ cho hoạt động của công ty này.

> 'Bí hiểm' Cốc Khai Lai

Có một điều mà ông Bạc Hy Lai không nói ra là, một quỹ do em trai Bạc Hy Thành của ông điều hành, đã mua lại cổ phần trong chi nhánh của công ty này.

Theo báo New York Times, vào năm 2003, ông Bạc từng có hành động tương tự. Khi còn là tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh, ông tuyên bố tỉnh này sẽ đưa việc hỗ trợ công ty Dalian Daxian - một doanh nghiệp lớn với hoạt động chính là sản xuất hàng điện tử - trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.

Trước đó vài năm, một công ty khác cũng thuộc quyền kiểm soát của người em trai Bạc Hy Thành đã chi 1,2 triệu USD để mua gần 1 triệu cổ phiếu của Dalian Daxian.

“Thiên đường thuế” và bí danh

Không rõ ông Bạc Hy Lai có biết em trai của mình gián tiếp nắm cổ phần trong các công ty nói trên hay không, cũng không rõ em trai ông có được lợi từ các tuyên bố của người anh quyền lực hay không.

Tuy nhiên, sau khi ông Bạc mất chức vì bị tình nghi tham nhũng còn vợ ông, bà Cốc Khai Lai, thị bị cáo buộc đứng sau cái chết của một doanh nhân người Anh, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về việc liệu lúc đương chức Bí thư Trùng Khánh và ủy viên Bộ Chính trị, ông Bạc Hy Lai có dùng quyền lực chính trị để làm “làm tiền” cho bản thân và những người họ hàng thân thiết?

New York Times ước tính, trong thập kỷ qua, khi ông Bạc Hy Lai bận rộn với những nỗ lực thăng quan tiến chức, các anh em trai của ông đã âm thầm tích lũy được số tài sản ước tính lên tới trên 160 triệu USD.

Còn theo hãng tin Bloomberg, tài sản của Cốc Khai Lai cùng 4 người chị em gái ít nhất lên tới 126 triệu USD.

Thậm chí, cậu con trai 24 tuổi của ông Bạc Hy Lai là Bạc Qua Qua, hiện đang học Harvard, vào năm 2010 đã đăng ký thành lập một công ty công nghệ với số vốn ban đầu 320.000 USD.

Dư luận còn quan tâm tới việc làm thế nào mà nhà họ Bạc lại có đủ tiền để gửi cậu quý tử Qua Qua học trường Harrow ở Anh, Oxford cũng ở Anh, rồi Harvard ở Mỹ.

Lương của ông Bạc Hy Lai khi là Bí thư Trùng Khánh chỉ là 10.000 Nhân dân tệ, tương đương chưa đến 1.600 USD/tháng. Báo chí Trung Quốc đã tính tới khả năng nhà họ Bạc đã bí mật chuyển “tiền bẩn” ra nước ngoài.

Một số tờ báo Anh thì cho rằng, doanh nhân người Anh Neil Heywood, người bị cho là thiệt mạng vì bị bà Cốc Khai Lai ra lệnh hạ độc do những mâu thuẫn kinh tế, đã giúp bà này chuyển tổng số 800 triệu Bảng ra nước ngoài.

Theo tin từ Reuters, ngày 24-4, Bạc Qua Qua đã lần đầu tiên lên tiếng kể từ khi ông Bạc Hy Lai mất chức và bà Cốc Khai Lai bị bắt. Trong một tuyên bố gửi đi bằng đường e-mail, Bạc Qua Qua đã trần tình về lối sống và chí phí học hành của bản thân.

“Tôi chưa bao giờ lái xe Ferrari… Học phí và chi phí sinh hoạt của tôi ở trường Harrow, Đại học Oxford và Đại học Harvard chỉ đến từ hai nguồn. Thứ nhất là học bổng tự tôi xin được. Thứ hai là tiền mẹ tôi cho từ các khoản tiết kiệm bà dành được sau nhiều năm là một luật sư và tác giả thành công”, Bạc Qua Qua tuyên bố.

Hiện giờ chưa có thành viên nào trong đại gia đình họ Bạc và họ Cốc bị buộc tội vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, những hành động ủng hộ của Bạc Hy Lai dành cho những công ty mà họ hàng thân thích của ông nắm cổ phần cho thấy, rất có thể ông Bạc đã dùng ảnh hưởng của mình giúp họ hàng phất lên.

Theo tài liệu về các doanh nghiệp ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, suốt nhiều năm qua, anh chị em ruột của cả hai vợ chồng ông Bạc Hy Lai đều đã rất tích cực trong việc thành lập các công ty đầu tư và công ty ở nước ngoài.

Hầu hết các công ty này đều đăng ký ở các nơi xa lắc lơ được xem là “thiên đường thuế” của thế giới như quốc đảo Mauritius thuộc Ấn Độ Dương, hay quần đảo British Virgin Islands thuộc vùng Caribbean.

Ngoài ra, nhiều thành viên nhà họ Bạc còn dùng bí danh cho việc nắm giữ cổ phần và điều hành công ty. Điều này khiến việc nắm bắt các phi vụ làm ăn của những người họ Bạc, họ Cốc giống như “mò kim đáy bể”.

Hai người chị gái của bà Cốc Khai Lai là bà Cốc Vọng Giang và Cốc Vương Ninh đã kiếm hàng trăm triệu USD trong lĩnh vực xuất bản, bất động sản và các hoạt động đầu tư khác.

Hai người này sở hữu số cổ phiếu trị giá 120 triệu USD trong công ty TunKong Security Printing Company.

Trang web của công ty này cho biết, công ty có hợp đồng với một vài trong số những doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất và các cơ quan chính phủ Trung Quốc, bao gồm Tổng cục Thuế và Ngân hàng Trung ương nước này.

Bà Cốc Vương Ninh đã giúp cháu trai Bạc Qua Qua mở một công ty công nghệ tại Bắc Kinh vào năm 2010.

Công ty có tên Guagua Technology Company này được giám hộ bởi ông Trương Hiểu Quân, quản gia nhà họ Bạc, người bị nghi cùng bà Cốc Khai Lai lập mưu đầu độc doanh nhân Heywood.

Những vị trí béo bở

Hai trong số 3 người anh em trai của Bạc Hy Lai là những doanh nhân giàu có, quan hệ mật thiết với các công ty quốc doanh.

Người anh trai Bạc Hy Vĩnh, 64 tuổi, đã đầu tư trong nhiều năm qua vào các quỹ đầu tư ở nước ngoài như Advanced Technology and Economic Development. Công ty này thuộc sở hữu một phần của một công ty khác đặt trụ sở ở British Virgin Islands.

Ngoài ra, ông này còn có vốn trong một công ty có tên Far Eastern Industries. Tuy nhiên, đây đều là những công ty “kín như bưng”, chẳng có thông tin nào được công bố bao giờ.

Bạc Hy Vĩnh còn là Phó chủ tịch của China Everbright International, một công ty con của tập đoàn bất động sản quốc doanh khổng lồ Everbright Group. Lương của ông Bạc Hy Vĩnh tại tập đoàn này là 200.000 USD mỗi năm, bên cạnh số cổ phần 10 triệu USD mà ông đã bán.

Chưa kể, ông Bạc Hy Vĩnh còn là thành viên của Hội nghị Tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc, một cơ quan tư vấn của Chính phủ nước này. Cho tới gần đây, ông còn là Phó chủ tịch của HKC Holdings, một công ty Hồng Kông thuộc quyền kiểm soát của gia đình một tỷ phú Indonesia.

Năm 2010, công ty đầu tư TPG khổng lồ của Mỹ đã đầu tư 25 triệu USD vào HKC, công ty chuyên về các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng thay thế ở Trung Quốc, đồng thời đã giành được nhiều hợp đồng lớn của Chính phủ.

Một điều thú vị là Bạc Hy Vĩnh được cho là còn có một tên khác là Lý Học Minh.

Bạc Hy Thành, em trai của Bạc Hy Lai, thì có quan hệ với nhiều công ty hoạt động ở Đại Liên và Trùng Khánh, hai thành phố nơi Bạc Hy Lai làm quan chức cao cấp.

Trong hội đồng quản trị quỹ từ thiện mang tên Beijing Xingda Educational Foundation của ông này có hai sếp lớn của hai công ty bất động sản và ông Weng Zhenjie, CEO của một doanh nghiệp lớn khác ở Trùng Khánh.

Đầu năm nay, ông Zhang Mingyu, một chủ doanh nghiệp ở Trùng Khánh, cáo buộc lực lượng cảnh sát dưới quyền Bạc Hy Lai đe dọa ông và bảo vệ ông Weng. Trước đây, ông Zhang và ông Weng từng làm ăn với nhau và có mâu thuẫn.

Trong số các nhà cố vấn của quỹ từ thiện đã huy động được 20 triệu USD này có hai học giả thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - cơ quan công khai ủng hộ “mô hình Trùng Khánh” về phát triển của Bạc Hy Lai.

Như đã đề cập ở đầu bài viết, quỹ từ thiện này đã mua số cổ phiếu trị giá 2 triệu USD trong Công ty Quản lý tài sản nước Trùng Khánh - doanh nghiệp hiện được định giá ở mức 5 tỷ USD.

Bạc Hy Thành từng góp mặt trong hội đồng quản trị của nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn, bao gồm Citic Securities, một trong những công ty chứng khoán lớn nhất ở Trung Quốc.

Ông này còn là nhà sáng lập của một công ty nhỏ hơn sản xuất bình cứu hỏa và các thiết bị khác có tên Beijing Liuhean Firefighting Science and Technology.

Thiết bị của các công ty này được sử dụng trong các qơ quan chính phủ, khách sạn cao cấp, nhà máy điện và cả ở quản trường Thiên An Môn.

Về các vụ làm ăn của bà Bạc Khai Lai thì có ít thông tin hơn, ngoại trừ việc bà mở một công ty luật riêng có văn phòng ở nhiều quốc gia và còn mở nhiều công ty tư vấn với các doanh nhân nước ngoài.

Một nhân vật khác phải kể đến trong đội ngũ “con ông cháu cha” nhà Bạc Hy Lai là Lý Vọng Tri, con trai của cựu Bí thư Trùng Khánh với người vợ đã ly hôn của ông là Lý Đan Vũ.

Theo hãng tin Bloomberg, năm nay 34 tuổi, Lý Vọng Tri có chức vụ trong tập đoàn năng lượng China Everbright International Ltd.

Tốt nghiệp Đại học Columbia danh giá của Mỹ, Lý Vọng Tri từng làm trong lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân và tại ngân hàng Citigroup. Anh này có đầu tư vào các công ty ở Đại Liên, nơi trước đây Bạc Hy Lai làm thị trưởng.

Ngoài cái tên Lý Vọng Tri, anh này còn có những cái tên khác như Bạc Vọng Tri, Brendan Lý và Lý Tiểu Bạch. Đây là những cái tên được Lý Vọng Tri dùng để điều hành các công ty thành lập ở nước ngoài.

New York Times bình luận, không rõ liệu ông Bạc Hy Lai có biết về các phi vụ làm ăn của người thân hay không. Nhưng có một điều đang ngày càng trở nên rõ ràng là các công ty ở Trung Quốc rất thích dùng người là người thân của các quan chức cao cấp.

“Con ông cháu cha rất được các công ty ưa chuộng, xem như một dạng của trung gian quyền lực. Với tư cách là con cái của quan chức cao cấp nào đó, khi đi thăm các tỉnh, họ sẽ được lãnh đạo ở đó đón tiếp nồng hậu.

Các chủ doanh nghiệp nơi các cậu ấm cô chiêu này làm việc nhờ đó cũng thơm lây”, ông Laurence Brahm, một cựu luật sư từng viết sách về kinh tế và chính trị Trung Quốc nhận xét.

Theo vneconomy.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.