Babylon là một thành quốc Lưỡng Hà giàu có bậc nhất thời cổ đại được gầy dựng nên từ chính bàn tay và khối óc con người. Là vườn địa đàng hội tụ kho tàng văn hóa và tài sản khổng lồ nhờ việc trở thành trung tâm thương nghiệp hoa lệ tại khu vực Trung Đông thời bấy giờ, Babylon thu hút mọi thương nhân từ khắp nơi đổ về. Sự phồn hoa dễ dàng kéo theo sự suy đồi đạo đức và nhân tính của những nhân vật quyền lực nơi đây. Mượn biểu tượng này, bộ phim Babylon (2022) của đạo diễn Damien Chazelle đã khắc họa sống động và chân thực ngay trong 30 phút đầu về một Hollywood đầy vinh hoa và tủi nhục từ hơn 100 năm trước.
Babylon kể về những khoảnh khắc thăng hoa và trầm lắng đầy đắng cay của những nhân vật lịch sử: ngôi sao điện ảnh Jack Conrad, nữ minh tinh hoang dại Nellie LaRoy, chàng sản xuất phim Manuel có nguồn gốc là người Mexico nhập cư trái phép, nhạc sĩ da màu Sidney Palmer cùng vô số những con người bé nhỏ góp phần gầy dựng nên nền công nghiệp điện ảnh này. Người tự sát vì không chấp nhận nổi sự thật mình đã hết thời, người lóa mắt bởi ánh hào quang mà tự hủy hoại bản thân, còn người thì biết rời bỏ sự cám dỗ của danh tiếng để sống một cuộc đời bình dị. Dù những nhân vật này có sự nghiệp và kết cục khác nhau, họ đều bắt đầu cuộc hành trình của mình bằng một điều vô cùng giản đơn – tình yêu dành cho thứ điện ảnh nhiệm màu.
Đạo diễn Damien Chazelle trên phim trường Babylon |
Trong Babylon, nhân vật Manny đã nói với Nellie rằng anh khao khát được tới phim trường để có thể góp sức vào một điều gì đó to lớn hơn cuộc đời bé nhỏ của anh. Cái chết trở nên vô nghĩa trên màn ảnh bởi vì đó chỉ là những nhân vật bước ra từ trang giấy mà thôi. Nhưng điều này không làm nhẹ đi giá trị của sự sống mà nó còn vượt trên cả cuộc sống vì nó cho ta cơ hội hé nhìn cuộc đời của những người trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Phim ảnh cho ta thoát ly khỏi cuộc sống thường nhật để đắm chìm vào đáy đại dương sâu thẳm nhất cho đến tận cùng của vũ trụ bao la, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Đoạn hội thoại giữa Manny và Nellie tương đồng với một câu thoại trong phim Yi Yi: “Phim ảnh thật giống đời thực, đó là lí do ta yêu chúng… Từ khi loài người phát minh ra điện ảnh, chúng ta đã được sống lâu hơn gấp 3 lần. Nghĩa là phim ảnh đã cho ta gấp đôi những thứ cuộc đời thường ngày đem lại”.
Điện ảnh là loại hình nghệ thuật thứ 7, trước khi nó ra đời loài người cũng đã đi tìm sự bất tử thông qua những bức tranh, câu thơ, giai điệu, những áng văn và những công trình kiến trúc đồ sộ. Song mưu cầu được lưu lại sự tồn tại của chính mình cho nền văn minh tương lai có thể truy từ thuở hồng hoang của loài người, đó là lí do những người tiền sử vẽ và in dấu tay mình lên các hang động. Mặc cho sự mệt mỏi, đói khát và sợ hãi bởi những hiện tượng thiên nhiên họ vẫn chưa thể lý giải lúc bấy giờ, tổ tiên của loài người vẫn cố tìm cách để lại dấu ấn của họ nơi đây, kỳ vọng nó sẽ vượt qua hàng triệu năm để nắm chặt lấy bàn tay chúng ta với mong muốn nói rằng “hãy xem đây, tôi đã ở đây, đã từng thấy những con vật này và tôi muốn mọi người cũng có thể thấy nó. Hãy đừng quên tôi”. Ở thời điểm đó họ chưa nhận thức được tương lai sẽ ra sao, hay thậm chí là sự tồn tại của chính khái niệm thời gian, nhưng họ vẫn muốn trở thành một phần của nó.
Babylon là một đống hỗn loạn của ma túy, nước mắt, tình dục, chết chóc hệt như bản chất của giới nghệ sĩ Hollywood. Song nó vẫn chứa đựng tình yêu thuần khiết dành cho điện ảnh của Damien Chazelle với vai trò là một nhà làm phim. Dù tàn ác nhưng Hollywood vẫn là một vùng đất diệu kỳ đã sinh ra những bộ phim vượt trí tưởng tượng của loài người.
Babylon kết thúc với cảnh Manny, giờ đây đã là người đàn ông trung niên với một cuộc sống bình dị, ngồi trong rạp phim lần đầu sau hàng chục năm trời và bị mê hoặc bởi phân cảnh Gene Kelly hát trong phim Singing in the Rain. Manny từng chứng kiến nhiều bộ phim cách mạng hóa toàn bộ nền điện ảnh khi còn trẻ, và giờ, 25 năm sau, anh lại được chứng kiến điều kì diệu xảy ra một lần nữa với một thế hệ diễn viên mới, một Jack Conrad mới. Trong thoáng chốc, tình yêu và đam mê của anh dành cho điện ảnh đã quay trở lại. Với một đoạn dựng ghép ngắn tổng hợp một số cảnh phim kinh điển từ quá khứ đến tương lai, bộ phim muốn cho ta hiểu rằng mọi sự hi sinh, vinh quang lẫn tủi nhục mà anh cùng với những người trong ngành anh quen biết cuối cùng cũng mang một ý nghĩa vĩ đại cho đại cục. Anh và họ đã thực sự trở thành một phần của thứ gì đó quan trọng và trường tồn tới hàng trăm năm sau và hơn thế nữa.
*
Con người có ước mơ làm ngôi sao điện ảnh vì tiền tài và danh vọng là điều dễ hiểu, nhưng mục tiêu sau cùng của họ là sự “bất tử” khi họ có thể khắc tên tuổi và gương mặt mình lên những thước phim và gửi nó xuyên suốt dòng thời gian đến tay thế hệ tương lai. Tất cả ngôi sao điện ảnh lớn nhất hiện nay cũng sẽ chết đi, cùng số phận tựa như những ngôi sao điện ảnh thời trước. Nhưng những hồn ma này sẽ được hồi sinh mỗi khi bộ phim của họ được bật lên và rồi họ sẽ được tề tựu lại cùng nhau để tiến vào những bữa tiệc, cuộc chiến tranh hay chuyến phiêu lưu bất tận.
Bữa tiệc thác loạn Hollywood trong 30' đầu phim |
Phim ảnh không chỉ đem lại sự bất tử cho những con người tạo ra nó, mà ngành công nghiệp này đã trở thành một thực thể biết lợi dụng loài người để đem lại sự bất tử cho chính nó. Sự phát triển công nghệ làm phim đã thêm từng lớp yếu tố vào các bộ phim, từ phim câm trắng đen cho tới phim có âm thanh, màu sắc, kĩ xảo, CGI, 3D, 4D. Chính những lớp yếu tố hiện đại này đã tạo nên nhu cầu cho những phiên bản làm lại và hậu bản của các bộ phim kinh điển. Hãng phim Disney những năm gần đây chỉ biết chăm chăm sản xuất ra những bộ phim live action của những bộ phim hoạt hình kinh điển của nó (The Lion King, The Little Mermaids, Snow White, v.v.) thay vì thực sự để tâm vào việc tạo ra những bộ phim nguyên bản mới cho thế hệ sau này. Để kiếm tiền một cách lười biếng, những hãng phim lớn này chỉ biết đắp lên những lớp ngoại hình hào nhoáng trên một câu chuyện đã cũ. Nhưng suy cho cùng, đây là một điều không thể tránh khỏi vì bản chất của chính điện ảnh đã là sự tái sinh của thơ ca, văn học, kịch và tranh ảnh. Và chính những loại hình nghệ thuật này cũng được sinh ra từ một cội nguồn – cuộc sống. Chừng nào cuộc sống còn tồn tại và những người sống trong đó còn câu chuyện để kể, điện ảnh sẽ vẫn được sống mãi.
Điện ảnh vĩ đại và trường tồn hơn tất cả chúng ta, hơn mọi vị đạo diễn, biên kịch, diễn viên, nhà phê bình điện ảnh và cả khán giả. Đó là công lao của hàng triệu người, chỉ đơn giản đến từ mong muốn được cống hiến vào một thứ bất tử. Có thể hàng trăm năm nữa con người sẽ sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật thứ 8 vượt xa ngoài khả năng nhận thức của chúng ta hiện nay, tựa như cách tổ tiên ra không hiểu được thứ gọi là ‘hình ảnh chuyển động’ (moving pictures) khi họ lần đầu chứng kiến một đoạn phim ngắn có hình ảnh chiếc tàu hỏa chạy thẳng vào màn hình, khiến khán giả trong rạp lúc đó hoảng loạn mà bỏ chạy.
Tuy nhiên, tôi biết chắc rằng thế hệ sau này cũng sẽ cố gắng tìm kiếm sự tồn tại vĩnh hằng bằng chính loại hình nghệ thuật tương lai đó, như cách tổ tiên họ đã từng in dấu tay lên những hang động.