Ba tháng làm Phó Chủ tịch xã

Giảng viên trẻ ĐH Duy Tân trình bày tâm tư với Bí thư Nguyễn Bá Thanh
Giảng viên trẻ ĐH Duy Tân trình bày tâm tư với Bí thư Nguyễn Bá Thanh
TP - Hà Giang là tỉnh có số lượng trí thức trẻ (TTT) về làm phó chủ tịch (PCT) xã đông nhất (67) trong số các tỉnh . Sau hơn ba tháng đảm nhiệm chức vụ PCT xã, bên cạnh những băn khoăn, nhiều ý tưởng nảy sinh từ thực tế công tác được các TTT chia sẻ tại diễn đàn "Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững” được Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức tại tỉnh Hà Giang tối 19-9.

> Trí thức trẻ tình nguyện lên biên giới

Tham dự diễn đàn có Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Vương Mí Vàng, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà cùng 67 Phó Chủ tịch xã và các bạn đoàn viên thanh niên của tỉnh Hà Giang.

Từ những khó khăn thực tế

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến được các TTT chia sẻ cởi mở và thẳng thắn.

Phó chủ tịch xã Chế Là (huyện Xí Mần) Tô Xuân Hưng (SN 1981) cho biết: "Những ngày đầu tiên đến với dự án, tôi có nhiều trăn trở, phải làm gì trong khi xuống cơ sở, phải làm sao cho người dân tin tưởng.

Qua 3 tháng công tác tại địa phương, tôi thấy khó khăn lớn nhất là điều kiện giao thông và việc chưa thông thạo ngôn ngữ địa phương khiến công việc chưa được thông suốt.

Tuy nhiên sự quan tâm của các cấp chính quyền, của các đồng nghiệp và tình cảm chân thành của người dân đã giúp tôi vượt qua trở ngại".

"Khi nhận nhiệm vụ, tôi khá tự tin với kiến thức mà mình được học tại trường đại học cũng như những bài học tại chương trình tập huấn. Tuy nhiên trên thực tế mọi kiến thức được học chỉ đáp ứng một phần công việc, vì vậy chúng tôi phải nỗ lực thâm nhập thực tế để có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành” - PCT xã Ngàm Đăng Vài, huyện Hoàng Su Phì Nguyễn Thành Luân (SN 1989, tốt nghiệp ĐH Nông Lâm Thái Nguyên) - chia sẻ.

Tới những ý tưởng giúp đồng bào vượt nghèo

Từ những khó khăn nhưng những tri thức của mình, nhiều TTT đã tìm ra các phương án nhằm phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân.

Với PCT Tô Xuân Hưng, "muốn phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cần phải nâng cao trình độ dân trí, nâng cao nhận thức của người dân về từng chủ trương cụ thể.

Bởi bất kì một chương trình, dự án nào triển khai địa phương cũng phải làm cho người dân hiểu rõ được ý nghĩa của nó", Tô Xuân Hưng chia sẻ kinh nghiệm.

Từ điều kiện thực tế tại Hà Giang, đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng, Nguyễn Thành Luân (SN 1989, tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ sinh học, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên) - PCT xã Ngàm Đăng Vài, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng đề án ủ phân vi sinh hữu cơ từ các phế phụ phẩm nông nghiệp.

Theo Luân, đề án này sẽ tăng cường nguồn dinh dưỡng cho đất và cải thiện môi trường.

Được giao phụ trách mảng văn hóa xã hội tại xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn, Hà Giang, Dương Minh Hải (SN 1987, quê Vĩnh Phúc), luôn trăn trở làm sao để giúp bà con vượt cái nghèo.

Vốn học Đại học Nông nghiệp ra, anh đề xuất ý tưởng "Tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để trồng nấm sò".

Hải cho biết việc trồng nấm sò tương đối dễ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho bà con và dễ truyền đạt kỹ năng tới bà con. Trồng nấm sò có thể giúp bà con tận dụng thời gian nông nhàn cũng như các phế phẩm nông nghiệp như lõi ngô.

Bí thư T.Ư Đoàn TNCS HCM Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ tại diễn đàn: Tôi mong muốn các bạn hãy phát huy những điểm mạnh của mình: đó là trí tuệ, tinh thần xung kích, tình nguyện, nhiệt huyết của tuổi trẻ, để chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các xã nghèo từng bước khắc phục khó khăn, đưa đời sống ngày một nâng lên, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bên cạnh công tác chuyên môn là Phó Chủ tịch UBND xã, tôi mong rằng các bạn sẽ trở thành hạt nhân quan trọng, cùng với tổ chức Đoàn thu hút, đoàn kết thanh thiếu niên địa phương tham gia hưởng ứng các phong trào hành động cách mạng của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ luôn sát cánh cùng các bạn trong suốt thời gian tham gia Dự án.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG