Ngày 29-4-1975, sư đoàn chúng tôi đánh một trận ác liệt để đập tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn ở Đồng Dù - Củ Chi. Đây là ngày đáng nhớ nhất với tôi vì ngày đó, dù chỉ cách thời điểm chấm dứt chiến tranh chưa tới 24 giờ nhưng nhiều đồng đội của tôi đã phải hi sinh để mở đường cho cánh quân phía Tây Bắc tiến vào Sài Gòn.
Sau đó các đơn vị bắt đầu tiến công vào nội đô. Dọc đường là các trận đánh địch trong hành tiến ở Cầu Bông, Cầu Sáng, Tân Phú Trung, trung tâm huấn luyện Quang Trung, Ngã tư Bảy Hiền. Khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài Sài Gòn thì có những đơn vị của sư đoàn tôi đã đánh vào Bộ tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất và một bộ phận đã vào tới phía tây dinh Độc Lập. Chúng tôi đã thấy nhân dân đổ ra đường hò reo, vẫy cờ, đón chào quân giải phóng.
Qua 12 giờ trưa tôi vào khu vực hậu dinh của Phủ Tổng thống, thấy anh em chiến sĩ tiểu đoàn 9 đã ở đó và... vẫn đang đào hầm ở mấy cái gò sau dinh. Họ nói với tôi chỉ huy ra lệnh vẫn phải sẵn sàng chiến đấu đề phòng “địch phản kích!". Lính là thế mà. Chúng tôi chưa tin rằng từ nay trở đi sẽ không còn phải đánh nhau nữa.
Nhà văn Tạ Duy Anh |
Nhà văn Tạ Duy Anh: "Đốt pháo ăn mừng"
Khi đó tôi 16 tuổi, đang học lớp 7 (vì tôi học muộn). Những bản tin chiến sự từ tháng Ba đã khiến chúng tôi không sao tập trung học như những ngày thường được.
Vào trưa ngày 29, qua bản tin thời sự, bố tôi bảo với chúng tôi, cứ đà này thì chỉ nội nhật ngày hôm sau là quân ta tiến vào Sài Gòn. Ông bèn bảo tôi tức tốc đạp xe vào cửa hàng huyện cách nhà tôi khoảng 2 cây số mua một bánh pháo kẻo không kịp. Ông dặn tôi không được cho ai biết. Ông muốn chỉ mình ông ăn mừng chiến thắng bằng đốt pháo.
Tôi vào đúng lúc cô phụ trách cửa hàng đã đóng cửa. Nhưng có lẽ thấy tôi nói khẩn khoản gần như van nài nên cô phá lệ bán cho tôi bánh pháo sau khi đã kiểm kê.
Trưa hôm sau, tất cả chúng tôi cùng nhảy lên reo hò khi chiếc loa công cộng loan báo tin chiến thắng. Từ trong sân nhà tôi vang lên tiếng pháo. Bố tôi không sao nói thành lời.
Cho đến hết đời có lẽ tôi cũng không bao giờ hy vọng được sống lần thứ hai trong không khí của một ngày hội lớn lao và tràn ngập cảm xúc như buổi trưa ngày 30-4-1975. Cuộc chiến tưởng sẽ kéo dài mãi, cuối cùng đã chấm dứt - đó là điều quan trọng nhất với đất nước này. Bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy.
Nhà văn Bảo Ninh |
Nhà văn Bảo Ninh: "Lính tăng cũng bỏ xe đi chơi phố..."
Ngày ấy đơn vị tôi đánh sân bay Tân Sơn Nhất, buổi sáng còn giao tranh ác liệt, gần trưa thì nguôi, đến chiều thì ổn hẳn. Chiều hôm ấy Sài Gòn có một không khí rất lạ, ôn hòa, thân thiện trong niềm vui kết thúc cuộc chiến.
Buổi tối, cánh bộ binh chúng tôi kéo nhau đi chơi, thấy cả đoàn tăng đỗ dài ở con phố gần dinh Tổng thống mà không có bất cứ ai.
Hóa ra cánh lính tăng cũng bỏ cả xe để đi “thám hiểm" thành phố. Hôm đó những người chiến thắng không nghiêm khắc, không thù hằn, không khinh thị với kẻ bại trận. Tôi nghĩ đó là một trong những ngày diệu kỳ nhất của dân tộc ta.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai |
Nhà thơ Đỗ Trung Lai: "Ông anh mình sống rồi !"
Khi ấy tôi đang dạy học ở Lạng Sơn. Buổi trưa, nghe hò reo ầm ĩ, không ngủ được vùng dậy chạy ra ngoài thì thấy trên bảng tin của nhà trường có dòng chữ viết rất đậm thông báo miền Nam đã được giải phóng. Ngực tôi nhẹ bẫng, như trút ra được một khối cực nặng trong người. Cuối cùng thì cuộc chiến khốc liệt nhất, gian khổ nhất cũng đến hồi kết thúc.
“Ông anh mình chắc chắn là sống rồi!". Đó là ý nghĩ vụt lên đầu tiên của tôi khi đọc dòng tin chiến thắng trong ngày 30 tháng 4 ấy và nó reo vang suốt phần thời gian còn lại.
Nhà tôi có 5 anh em trai thì cả năm đều đi bộ đội, một anh đã hy sinh năm 1971 tại Tây Nguyên, đến năm 1975 còn một anh trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn.
Trong cái khối cực nặng đè lên người tôi, có một phần nỗi lo canh cánh về ông anh đó. Thời ấy Lạng Sơn cũng nghèo, không có gì để tổ chức ăn mừng, chỉ đi lại, cười nói tưng bừng suông với nhau vậy thôi, nhưng đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là ngày vui nhất.
Nhà thơ Trần Anh Thái |
Nhà thơ Trần Anh Thái: "Giấc ngủ dài nhất và sâu nhất..."
Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, tôi đang nằm dưới giao thông hào ở rừng cao su Trảng Bom (Đồng Nai) gật gà ngủ, thì Linh, quê Thái Nguyên, cùng đại đội thúc mạnh báng súng vào sườn, giật giọng: Đi thôi, chúng nó đang lên xe vào Sài Gòn… Tôi khoác vội ba lô, xách AK chạy đến chỗ tập kết.
Từ xa đã nghe đại đội trưởng oang oang: Cố lên, vài chục cây số nữa là tới Sài Gòn. Trận này sống chết cho xong đi. Bất thần một tiếng nổ long trời lở đất, khói đen bốc cao ngùn ngụt cách chỗ tôi đứng gần 100 mét. Hỏi, thì ra mấy tay lính mới tò te từ Hà Nội vừa được bổ sung, đang xếp đạn B41 trên mui xe, tuột tay đạn rớt xuống đất. Ai đó vừa ở chỗ có tiếng nổ về buồn bã báo tin: Cả trung đội thương vong gần hết …
Hôm đó những người chiến thắng không nghiêm khắc, không thù hằn, không khinh thị với kẻ bại trận. Tôi nghĩ đó là một trong những ngày diệu kỳ nhất của dân tộc ta |
Mờ sáng, chúng tôi theo đường 1 tiến vào Sài Gòn. Xe chạy chậm, nhiều chỗ phải dừng lại đề phòng các ổ phục kích vẫn bất thần xổ đạn về phía chúng tôi.
Dọc đường, từng toán quân địch từ các căn cứ Hố Nai, Lộc Ninh… đi thành hàng dài kéo nhau ra hàng. Họ bước đi ủ rũ bên lề đường, áo quần nhếch nhác, gương mặt mệt mỏi và sợ hãi.
Gần trưa thì chúng tôi được thông báo Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Cả đại đội tôi lặng đi vì xúc động. Thằng Linh quay sang tôi, hỏi: Mày nghĩ gì đấy? Tôi buột miệng: Sắp được về rồi. Thằng Linh nói theo: Tao nhớ bà già quá, mình có được ra Bắc ngay không nhỉ ? Tôi bảo: Được chứ, còn ở đây làm gì…
Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi vào Sài Gòn tiếp quản quân y viện 10, thuộc quận 10. Đêm ấy chúng tôi nhậu một bữa đã đời rồi vớ những chiếc nệm cũ của địch bỏ lại, trải ra đất đánh một giấc cho đến sáng bảnh. Có lẽ đó là giấc ngủ dài nhất và sâu nhất của tôi trước và sau chiến tranh…