Ba mươi ba ngày của VPF

Ba mươi ba ngày của VPF
TP - Sự xuất hiện của Công ty cổ phần bóng đá VN (VPF) bước đầu đã đem đến những thay đổi tích cực. Super League 2012, mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần thêm thời gian để giải quyết triệt để.

> 'Trọng tài phải là tấm gương sáng'

Sự quyết liệt, hấp dẫn của các trận đấu đã kéo thêm nhiều khán giả tới sân hơn so với mùa trước. Ảnh: VSI
Sự quyết liệt, hấp dẫn của các trận đấu đã kéo thêm nhiều khán giả tới sân hơn so với mùa trước. Ảnh: VSI.

Điểm nhấn đáng kể nhất, tính tới sau lượt trận thứ ba của Super League, là lượng khán giả đã có dấu hiệu nhích lên, nếu so với mùa giải 2011 trước đó. Cụ thể ở mùa giải 2011, tổng số khán giả đến sân sau ba vòng đầu tiên chỉ là 129.000 người thì ba trận đầu Super League 2012, con số này tăng lên 143.000 người.

Cách nào kéo khán giả đến sân cũng chính là bài toán khiến lãnh đạo và BTC VFF trước đây đau đầu. Mặc dù tỷ lệ tăng còn khiêm tốn (khoảng trên 14%), nhưng ít nhiều cũng khiến BTC giải cảm thấy tự tin hơn, đặc biệt trong điều kiện tình hình kinh tế khó khăn hiện nay cũng gây ảnh hưởng tới tâm lý ăn, chơi của người hâm mộ. Chưa kể, 2011 cũng là năm ảm đạm của bóng đá VN với việc U23 VN thất bại toàn diện ở SEA Games 26.

Sự đua tranh quyết liệt của các CLB cũng giúp giải đấu có nhiều trận hấp dẫn hơn, điển hình như trận SLNA-Hà Nội T&T ở vòng ba vừa qua trên sân Vinh. Số lượng khán giả đến sân Vinh cổ vũ cho hai đội thi đấu ở trận này khoảng trên dưới 9.000 người. Các cuộc đụng độ của CLB bóng đá Hà Nội, Hà Nội T&T hay SLNA, Thanh Hóa… cũng thu hút được nhiều sự chú ý hơn.

Theo thống kê, số lượng thẻ vàng sau ba lượt trận của Super League 2012 (98) so với cùng thời điểm năm ngoái (110) cũng giảm. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, bởi các đội năm nay thi đấu vẫn rát như trước nếu không muốn nói quyết liệt hơn. Trận đấu diễn biến nhanh. Theo Trưởng ban trọng tài Dương Vũ Lâm, thì có thể một phần do các trọng tài còn nương nhẹ, chưa thực sự mạnh tay với các hành vi vi phạm.

Trên thực tế, công tác điều hành trận đấu của các ông vua áo đen cũng là vấn đề nổi cộm nhất của Super League dưới sự tổ chức của VPF. Cả ba lượt trận đều ghi nhận tình trạng HLV, cầu thủ các đội bóng phản ứng lại quyết định của trọng tài. Ví dụ tiêu biểu là chuyện HLV trưởng CLB K.Khánh Hòa Hoàng Anh Tuấn tố trọng tài Bùi Quang Thông không đủ tư cách cầm còi ở Super League, có nhiều quyết định không chuẩn xác. Ngay khi được báo tin, Ban trọng tài đã lập tức kiểm tra hồ sơ về trọng tài Thông.

Tuy nhiên, câu chuyện được chú ý nhiều nhất của VPF trong 33 ngày qua vẫn là bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp trong mối quan hệ với Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG). Kết luận thế nào sẽ phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng VPF vào cuộc sự tham gia của AVG ít nhiều đã khiến bản quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp nói chung, Super League 2012 nói riêng lên giá.

Phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên tuyên bố, VPF đã đạt được thỏa thuận và ký kết được các vấn đề mang tính nguyên tắc cho sự hợp tác lâu dài với VTV, dĩ nhiên bằng mức giá hợp lý. Trong khi đó, AVG cũng thể hiện rõ thiện chí khi khẳng định, trong hợp đồng ký kết với VFF có điều khoản cho phép xem lại tùy điều kiện thực tế. Trong lễ ra mắt Quỹ hỗ trợ VĐV được tổ chức ở Hà Nội, AVG cũng tuyên bố sẽ chi 20% lợi nhuận cho VFF, trích thêm 30% khác vào quỹ này.

Nói như Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng, công ty mới thành lập được hơn một tháng nên không thể đòi hỏi thay đổi mọi thứ ngay lập tức. Nhưng vẫn có những tín hiệu để hy vọng sự ra đời của VPF sẽ đúng là bước ngoặt thực sự với bóng đá VN, như tuyên bố của những người trong cuộc trước đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG