Ba học trò nghèo ở đảo Phú Quý

Ba học trò nghèo ở đảo Phú Quý
Từ giữa trùng khơi, ở đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), mỗi ngày đi học là một ngày các em chống chọi với gian nan.

Ba học trò nghèo ở đảo Phú Quý

> Cô bé chăn trâu ở đảo Lòng Hồ

Từ giữa trùng khơi, ở đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), mỗi ngày đi học là một ngày các em chống chọi với gian nan.

Đỗ Thanh Phong làm việc nhà. Ảnh: Văn Kỳ
Đỗ Thanh Phong làm việc nhà. Ảnh: Văn Kỳ.

Học bổng vì biển đảo quê hương đến với các em chẳng là bao so với khốn khó hằng ngày, nhưng cũng giúp nâng bước các em đến trường.

Những cảnh đời khó khăn

Một gánh hàng rong chỉ gồm những thứ quà vặt bán cho trẻ con, bà Dương Thị Xiếm đã nuôi bốn chị em Phạm Đức Thạch (lớp 10A2 Trường THPT Ngô Quyền, huyện Phú Quý) lớn lên, học tập trong mười năm nay. Năm 1999, trong một chuyến ra khơi cùng bạn ghe, ba của Thạch chẳng may bị trúng gió rồi đột tử ngay trên biển. “Ngày nhận thi thể chồng mấy mẹ con tui đều suy sụp. Nhưng rồi tui nghĩ mình không đứng dậy để làm điểm tựa thì làm sao các con có được tương lai, nên tui cố gắng hết sức để các con được ăn học đàng hoàng”, người mẹ nói.

Không phụ lòng mẹ, Phạm Đức Thạch vượt qua khó khăn thiếu thốn để học giỏi. Thạch nói: “Chuyện nhà hết gạo, không có tiền nộp học phí là thường xuyên, nhưng chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ nghỉ học. Không có tiền đi học thêm thì em tự mày mò đọc sách, không có tiền mua sách tham khảo thì em mượn sách của bạn”.

Còn Đỗ Thanh Phong (lớp 11A1 Trường THPT Ngô Quyền) là con út trong gia đình chín anh chị em, sáu anh chị đã có vợ có chồng. Ba mất vì căn bệnh hiểm nghèo sau một thời gian dài bám biển mưu sinh, mẹ đã gần 70 tuổi mà ngày ngày vẫn phải cặm cụi bám vài sào rẫy. “Mẹ nói với em rằng chỉ sợ con chưa học xong mà mẹ nằm xuống thì lấy ai lo...”, Phong bùi ngùi.

Tuy không mất ba như Thạch và Phong, nhưng ba của Trần Mạnh Hùng (lớp 10A11 Trường THPT Ngô Quyền) lại bị bại liệt khi em mới hơn 1 tuổi do di chứng của những lần lặn biển. Mẹ Hùng, bà Nguyễn Thị Lê, phải lăn lộn từ cảng cá đến chợ chiều, tối tranh thủ bán thêm hột vịt lộn mà vẫn không đủ tiền nuôi hai con ăn học và người chồng đau ốm.

“Tiền kiếm được chỉ đủ trang trải tiền thuốc cho chồng và tiền học cho con. Còn gạo thì anh em hàng xóm cho, thức ăn thì Hùng và em trai ra biển kiếm mấy con cá tầm lao, bù nú về ăn qua bữa”, mẹ Hùng bộc bạch. “Hè năm ngoái em xin theo ghe đánh cá. Sau gần một tháng thì ghe cập cảng, được trả công 1,2 triệu đồng. Cả nhà mừng quýnh...”, Hùng kể.

Phạm Đức Thạch nạo dừa giúp mẹ và Phạm Đức Thạch nạo dừa giúp mẹ. Ảnh: Văn Kỳ
Phạm Đức Thạch nạo dừa giúp mẹ và Phạm Đức Thạch nạo dừa giúp mẹ. Ảnh: Văn Kỳ.

Học khi người nhà đã ngủ

Để có tiền đến lớp, hằng ngày sau giờ học Hùng thường ra chợ phụ mẹ bán cá hoặc ở nhà nạo đu đủ làm đồ chua để bán trứng vịt lộn hay làm bánh flan giúp mẹ. Đối với Hùng đó là những công việc hết sức bình thường, bởi “ba bệnh tật mẹ đã khổ lắm rồi”. Thời gian đi học và phụ giúp mẹ đã kín nên Hùng ôn bài bất cứ lúc nào có thể và thường là học khi mọi người trong nhà đã đi ngủ. Năm nào Hùng cũng là học sinh tiên tiến với học lực nhất nhì trong lớp.

Cũng vậy, khi chúng tôi đến nhà, Thạch đang lúi húi nạo dừa giúp mẹ làm sâm nam bán hàng rong. Thạch tâm sự: “Ngày nào nghe mẹ bảo nạo nhiều dừa là em rất vui, vì nạo thêm một quả dừa mẹ lại có thêm vài nghìn đồng”. Ước mơ của Thạch là trở thành bác sĩ giỏi để về giúp xóm làng chữa bệnh, vì “đảo Phú Quý quá xa đất liền, phương tiện đi lại khó khăn, lại không có bác sĩ giỏi nên nhiều bệnh nhân qua đời vì không kịp vào đất liền chữa trị”.

Còn Phong ngoài giờ học cũng giúp mẹ chăm sóc luống đậu, luống bắp trên rẫy để nuôi ước mơ vượt thoát đói nghèo. Phong cho biết: “Mỗi khi lên rẫy em thường mang theo sách. Em ngồi học thuộc một công thức toán rồi quay ra nhổ cỏ cho đậu, vừa nhổ vừa nhẩm đi nhẩm lại để thuộc chắc hơn.

Thầy Nguyễn Hải Thọ - phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền - tâm sự: “Cuộc sống trên đảo vốn đã khó khăn gấp nhiều lần so với đất liền mà điều kiện kinh tế của gia đình các em còn khó khăn hơn nữa, vì vậy thấy các em cố gắng vươn lên hoàn cảnh để học tốt là chúng tôi mừng lắm. Với những người thầy chúng tôi, học bổng “Sức sống biển đảo” mà báo Tuổi Trẻ trao lần này sẽ là nguồn động viên, khuyến khích quý giá để các em vượt lên khó khăn, tiếp tục vững bước học tập”.

Theo Văn Kỳ
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Thủ tướng, Chủ tịch TPHCM tặng Bằng khen, Thư khen cho gần 60.000 cá nhân tham gia hoạt động ở khu phố, ấp
Thủ tướng, Chủ tịch TPHCM tặng Bằng khen, Thư khen cho gần 60.000 cá nhân tham gia hoạt động ở khu phố, ấp
TPO - Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen cho 33 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong tham gia hoạt động tại khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân qua nhiều năm, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch UBND TPHCM cũng tặng Thư khen cho 57.643 đối với cá nhân đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động ở cấp cơ sở dưới phường, xã.
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn nhận quà Tết
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn nhận quà Tết
TPO - Ngày 11/1, đông đảo ngư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vui mừng đón nhận những món quà Tết ý nghĩa từ Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 3 và các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước.