Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.
Để thực hiện các cam kết của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhằm tuyên truyền các quy định pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm; đồng thời thảo luận và trao đổi các thông tin, giải pháp cho các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp thực hiện mục tiêu đã cam kết. Thời gian qua, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức chuỗi sự kiện “Cộng đồng và doanh nghiệp với quy định giảm phát thải khí nhà kính và cơ chế các-bon” tại Hà Nội.
Chuyên đề I được tổ chức vào ngày 14 tháng 12 năm 2022 tại Hà Nội với tên “Trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. Chuyên đề II cũng được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 12 năm 2022 với chủ đề “Diễn đàn: Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.
Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 diễn ra vào ngày 14/12/2022 |
Theo đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã kiến nghị tới Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số vấn đề như:
Thứ nhất, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu toàn diện và sớm đưa ra các quy định hướng dẫn cụ thể về cách thức triển khai thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính và phát triển thị trường các-bon theo đúng lộ trình tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP;
Thứ hai, nghiên cứu cơ chế hoạt động của thị trường các-bon trên thế giới; chính sách áp thuế các-bon cho các lĩnh vực, loại hàng hóa và triển khai ngay từ năm 2023, sớm hơn so với dự kiến tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP là có sàn các-bon vào năm 2025;
Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm |
Thứ ba, phối hợp với các cơ quan ban, ngành rà soát và khẩn trương ban hành các quy định pháp luật về hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) và thực hiện kiểm kê cấp cơ sở cho năm cơ sở 2022 vào năm 2023 cho các lĩnh vực: công thương, xây dựng, giao thông vận tải, … Phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành danh mục các công nghệ ít phát thải các-bon; định mức phát thải theo từng lĩnh vực, sản phẩm…
Thứ tư, nghiên cứu cơ chế phát triển, xây dựng thị trường các-bon; phát triển thị trường các-bon theo hướng hội nhập quốc tế, dễ dàng mua bán, thương mại tín chỉ các-bon, trao đổi, bù trừ hạn ngạch phát thải khí nhà kính không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng phù hợp với cung cầu thị trường.
Thứ năm, xây dựng chế tài, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng công nghệ xanh, giảm phát thải, năng lượng tái tạo. Đồng thời tăng mức xử phạt khi các tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện đúng và theo các quy định về báo cáo kiểm kê khí nhà kính, kế hoạch giảm nhẹ phát thải.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế khuyến khích các công ty, đơn vị chưa phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tham gia triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính;
Thứ bảy, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ, công cụ đám mây nhằm tính toán tự động, cập nhật và lưu trữ các số liệu, dữ liệu đồng nhất về kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở trên toàn quốc.
Cần xây dựng các cơ chế, hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy thương mại các-bon trong lâm nghiệp với thị trường các-bon trong nước và quốc tế |
Ngoài ra, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cũng có những kiến nghị tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan về vấn đề này.
Phát thải ròng bằng 0 mục tiêu không thể trì hoãn, xu thế không thể đảo ngược. Các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta cần phải đưa thế giới về trạng thái này càng sớm càng tốt, chậm nhất là năm 2050 để hạn chế những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền tới các địa phương, cơ quan, tổ chức, cộng đồng; đồng thời nghiên cứu đề xuất ra các giải pháp, ứng dụng mô hình công nghệ xanh, tuần hoàn nhằm thực hiện giảm phát thải, nỗ lực thực hiện cam kết Net zero vào năm 2050.