Trong buổi làm việc sáng nay, đại diện AVG, VPF và VFF kí vào biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá.
Theo đó, AVG đồng ý thanh lý toàn bộ Hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG giữa AVG và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trên cơ sở cam kết của VPF về việc khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu do VPF được ủy quyền tổ chức với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm, kể từ năm 2013 trở đi để tăng nguồn thu cho Bóng đá Việt Nam.
Ngoài điều khoản mang lại lợi nhuận tối thiểu 50 tỷ đồng/năm từ việc khai thác bản quyền truyền hình, VPF còn có trách nhiệm đàm phán với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) để thực hiện phát sóng rộng rãi phục vụ người hâm mộ cả nước, trên cơ sở tôn trọng thỏa thuận phân chia theo tỷ lệ 40 - 30 - 30 mà AVG ký với VTV - VTC hồi tháng ba (VTV giữ 40%; AVG 30%, VTC 30 %).
Với những thỏa thuận vừa được ký kết, VPF sẽ được VFF - AVG tạo điều kiện khai thác thương quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp kể từ vòng đấu 15 V-League và hạng Nhất (28-4).
Như vậy, VPF không mất một đồng nào để để giành được thương quyền truyền hình các giải bóng đá do họ được ủy quyền tổ chức.
Trước đó, VPF cam kết kiếm được tối thiểu 50 tỷ đồng từ việc khai thác thương quyền truyền hình.
Theo tiết lộ của Chủ tịch VPF, ông Võ Quốc Thắng, công ty này sẽ thành lập Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, bao gồm “những doanh nghiệp lớn, có uy tín xã hội, có tâm với bóng đá Việt Nam".
Những doanh nghiệp này sẽ đầu tư mạnh vào bóng đá và thu lại là quảng cáo với thời lượng lớn trong mỗi trận đấu tại những giải bóng đá mà VPF tổ chức.
Việc AVG bất ngờ nhường thương quyền truyền hình cho VPF được xem là động thái bất ngờ. Trước đó, kể từ khi thành lập, VPF đã lên tiếng phản đối bản hợp đồng của AVG với VFF.
VPF thậm chí đã khiếu nại cả lên Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, yêu cầu làm rõ nhiều điểm trong bản hợp đồng bản quyền truyền hình này.
Khi không được giải quyết ổn thỏa, họ đã khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ và tuyên bố “sẽ làm đến cùng” về vấn đề bản quyền truyền hình.
Cuộc chiến bản quyền được đẩy lên rất căng thẳng khi cả AVG và VPF đều nhất định không chịu nhượng bộ
Tuy nhiên, bằng thỏa thuận vừa kí, AVG đã “nhún nhường” để VPF toàn quyền khai thác thương quyền truyền hình. Tất nhiên, AVG cũng không hoàn toàn thiệt thòi trong việc này.