Yến non trong tổ |
Nếu thành công, nay mai, ăn yến sào - món ăn của vua chúa ngày xưa - sẽ không còn là điều xa vời với nhiều người.
Vàng trắng
Loài chim yến cho tổ ăn được và bổ dưỡng chỉ có ở Đông Nam Á.
Loài yến ở nước ta thường được gọi là yến hàng, làm tổ trong những hang động ở các núi đá vôi ven bờ biển hoặc trên đảo. Chúng chỉ ăn côn trùng đang bay hoặc còn sống, không ăn mồi chết.
Yến hàng kết từng đôi, làm tổ (yến sào) bằng nước dãi của chúng, đông y gọi là “ngọc dịch” hay “huyền tương”. Yến sào nặng khoảng 7 - 15g, trông như những sợi miến khô kết lại, gắn vào vách đá.
Yến làm tổ |
Yến hàng làm tổ từ giữa tháng Chạp đến đầu tháng 5 âm lịch, sau đó “ngọc dịch” của chúng bị khô, không làm tổ được nữa. Người ta thu hoạch yến sào kỳ thứ nhất vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, buộc yến phải làm lại tổ.
Tổ yến kỳ hai thường nhỏ, mỏng, nhiều tạp chất, chất lượng kém so với kỳ đầu. ở nước ta, những nơi có nhiều hang yến nhất là các đảo ở vịnh Nha Trang và lân cận, Cù Lao Chàm ở Hội An, bán đảo Phương Mai ở Quy Nhơn…
Dựa vào màu sắc, kích thước, yến sào được phân thành 5 loại chính, theo giá trị từ cao xuống thấp là yến huyết (đỏ như máu), yến hồng (đỏ cam), yến quang (trắng ngà, nặng 8 - 10g), yến thiên (màu tối hơn yến quang, nặng 6 - 7g), yến bài (tổ nhỏ, nặng 3 - 5g).
Ngoài ra còn có yến địa (dính rong rêu), yến muối (ngấm hơi nước biển), yến chảy (tổ bị ướt), yến mảnh, yến cám, yến xơ mướp...
Hiện nay, mỗi năm nước ta thu hoạch được hơn 3 tấn yến sào, nhiều nhất là ở Khánh Hoà (xấp xỉ 2 tấn/năm), Hội An chừng 650 kg/năm và Quy Nhơn 450kg/năm.
Giá yến hồng và yến huyết từ 4.000USD/kg đến trên 5.000USD/kg, nhưng Hội An đã không còn 2 loại yến này từ trên 10 năm nay, ở Khánh Hoà cũng chỉ còn rất ít.
Giá bán sỉ yến bài - thiên - quang từ 2.500USD/kg đến 3.500USD/kg tuỳ loại và tuỳ xuất xứ, yến sào Hội An được giá nhất.
Anh Võ Thái Lâm (ảnh nhỏ), Giám đốc Cty TNHH Yến Việt, Ninh Thuận - nơi đã nuôi yến trong nhà thành công. Ảnh: Uyên Viễn |
Nuôi chim yến trong nhà
Yến hàng có một phân loài làm tổ trong nhà, nhỏ hơn và màu lông tối hơn lông yến ở đảo.
Nghề nuôi yến trong nhà hình thành từ cuối thế kỷ 19 ở Indonesia. Những ngôi nhà cho yến làm tổ (nhà yến) có đặc điểm chung là cũ, khoảng không lớn, độ ẩm cao, ít ánh sáng, tường thuận tiện cho yến bám làm tổ...
Vùng nuôi yến nhà là vùng đầm hồ có nhiều cây cối và côn trùng, thông thoáng.
Để dụ yến vào nhà, tường, trần, xà nhà được bôi chất bẩn của yến hoặc hoá chất có mùi hấp dẫn chúng. Trong nhà yến, vào những dịp thích hợp người ta còn mở băng ghi âm tiếng yến tự nhiên gọi bầy, gọi bạn tình...
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 20 ngôi nhà yến tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Hầu hết chủ những ngôi nhà may mắn có yến cư trú không can thiệp vào cuộc sống của đàn yến, chỉ thu hoạch tổ. Những nghiên cứu để chủ động nhân đàn yến chỉ mới bắt đầu gần đây.
Tại thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Cty TNHH Yến Việt thuê dài hạn rạp hát cũ Thanh Bình để giữ đàn yến đã ở đây từ năm 1999. Cty còn mua 3 ngôi nhà nữa, gắn tổ nhân tạo và làm tăng độ ẩm để dụ chim. Nhưng dụ được yến tự nhiên vào nhà mới thành công một nửa.
Không thể tăng nhanh số tổ yến trong nhà nếu chỉ trông chờ sự sinh sản tự nhiên của đàn yến ở đó. Sau nhiều lần cải tiến máy ấp nhập từ Indonesia cho phù hợp môi trường Việt Nam, mấy lứa ấp gần đây của Cty Yến Việt, tỷ lệ chim nở đạt 95%.
Tỷ lệ chim non trưởng thành khoẻ mạnh ở đây đạt 50%, một trong những thức ăn chính mà các nhân viên ngày 3 lần “mớm” cho yến non là trứng kiến.
Gần như cùng lúc với Cty Yến Việt, Cty YSKH cũng nghiên cứu ấp nở và nuôi nhân tạo yến hàng để lấy tổ. Từ ngôi nhà yến đầu tiên ở đường Thống Nhất, Nha Trang được phát hiện và giao cho Cty YSKH quản lý đầu năm 2004, đến nay Cty YSKH đã nhân đàn yến ra 3 nhà, với 282 tổ, 950 con yến.
Dựa vào kết quả nghiên cứu tập tính sinh học của yến hàng và các thử nghiệm nuôi yến hang động, Cty đã chế tạo máy ấp trứng yến. Trong quá trình ấp, các thông số như nhiệt độ, độ ẩm, chu kỳ đảo trứng được điều khiển tự động.
Chim yến được ấp nở nhân tạo ảnh: Uyên Viễn |
Tháng 4/2006, Cty YSKH đã cho ấp 3 đợt trứng yến, tỷ lệ nở đạt 78,4%. Bước đầu, chim non được nuôi trong máy nuôi do Cty chế tạo đạt tỷ lệ khoẻ mạnh 28%, lại giảm được sự vất vả của kỹ thuật viên.
Ông Lê Hữu Hoàng - GĐ Cty YSKH cho biết, Cty đã xây dựng được quy chuẩn dinh dưỡng cho chim yến, từ đó chủng loại, lượng thức ăn và tần suất cho ăn được điều chỉnh phù hợp với từng nhóm yến non. Hàng trăm chim non đã được Cty YSKH ký tổ với quần đàn tự nhiên trong các nhà yến.
“Nuôi thuần dưỡng yến hàng đã là điều trong tầm tay” - anh Võ Thái Lâm - GĐ Cty Yến Việt tự tin nói. Anh cho biết, rất sẵn lòng phổ biến kinh nghiệm, bí quyết ấp nở và nuôi yến hàng trong nhà, để nhiều người cùng làm giàu.
Cty Yến Việt đã bắt đầu thu hoạch những tổ yến đầu tiên để giới thiệu sản phẩm với đối tác. Cty YSKH cũng đang hoàn thiện quy trình ấp và nuôi chim yến, quy trình xây dựng ngôi nhà yến điển hình tại Việt Nam để sớm đưa ra ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Khi nuôi yến trong nhà trở thành nghề phổ biến, cũng không lo thiếu yến non, bởi nguồn trứng yến tự nhiên ở các đảo rất dồi dào, hiện nay vẫn phải đổ bỏ rất nhiều khi gỡ lấy tổ.
- Yến sào có nhiều đạm, acid amin và nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người. Nó có tác dụng kích thích tiêu hoá, tăng cường khả năng hoạt động thể lực và phản xạ thần kinh, điều hoà chức năng các cơ quan phủ tạng bị nhiễm độc, ổn định các chỉ tiêu huyết học, chống lão hóa… Yến sào cũng đang được nghiên cứu để điều trị các bệnh ung thư và HIV/AIDS, vì trong đó có một số hoạt chất sinh học kích thích sinh trưởng tế bào bạch cầu ngoại biên. - Indonesia hiện có hơn 10.000 nhà yến, mỗi năm cho thu hoạch yến sào 4 lần, sản lượng trên 100 tấn. Sản lượng yến sào trong nhà ở mỗi nước Malaysia, Thái Lan cũng đạt khoảng 15 - 10 tấn/năm. Mỗi ngôi nhà yến thành công cho sản lượng bình quân 15-20 kg yến sào/năm, cá biệt lên tới 50 kg/năm. Những ngôi nhà yến còn là những điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách. |