Giáo viên cầm tay nắn chữ cho cụ bà |
Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 40km, cứ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, lớp học xóa mù chữ của bản người Mông (ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai) lại sáng đèn.
Lớp học có gần 30 người, người nhỏ tuổi nhất là 24 và người lớn tuổi nhất đã bước sang tuổi 65. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, đều chưa biết chữ, chưa thạo tiếng phổ thông. Có những cặp vợ, chồng địu con nhỏ đi học; có trường hợp cả mẹ và con theo lớp; thậm chí có người chân bó bột vẫn chống nạng tới lớp.
Là lao động chính trong gia đình, hằng ngày, anh Hoàng Văn Bằng (39 tuổi) làm nương từ sáng sớm tới khi mặt trời lặn. Nhà ở xa nhưng anh Bằng vẫn cố gắng đến lớp học đầy đủ. Nhiều hôm, đi làm về muộn, đã sát giờ lên lớp, anh Bằng dặn vợ, con ăn cơm trước, mình đi học về sẽ ăn sau. “Không biết chữ, làm công việc gì cũng cảm thấy khó khăn, ngại ngùng. Vì vậy, tôi rất muốn học để nâng cao trình độ văn hóa của mình”, anh Bằng nói.
Ngồi phía cuối lớp là vợ chồng ông Đào Văn Lù (56 tuổi). Hai vợ chồng ông có 6 người con, đứa nhỏ nhất mới chỉ hơn 1 tuổi. Do không có người trông nom, vợ chồng ông phải địu con đi học cùng. Thấy tôi nhìn đôi chân lấm lem, ông Lù thanh minh rằng ông mới trên nương về, chưa kịp rửa chân và chưa ăn cơm tối. “Tôi chưa biết chữ, làm giấy khai sinh, viết tờ đơn phải đi nhờ người ta. Nay Phòng Giáo dục huyện tạo điều kiện mở lớp, tôi tranh thủ đi học. Mới biết được chút chữ nhưng tôi cảm thấy rất vui”, ông Lù phấn khởi.
Chị Hoàng Thị Sai (46 tuổi) đi học cùng với cô con gái nhỏ. Năm nay, bé đang học lớp 1, đi học để kèm mẹ và ôn luyện thêm bài tập. Dù bị tai nạn, chân gãy phải bó bột nhưng anh Ngô Văn Sình (39 tuổi) vẫn chống nạng đến lớp học chữ. Anh Sình chia sẻ: “Tôi tham gia lớp học để biết chữ và giao tiếp, tính toán tốt còn lên thành phố xin việc làm. Phải biết tự làm các thủ tục hành chính, trả lời phỏng vấn, ký tên… thì mới có cơ hội được nhận vào công ty”.
Đồng hành với đồng bào
Lớp học được tổ chức từ 19 giờ đến 22 giờ. Mỗi tối có 4 tiết tiếng Việt, hoặc 4 tiết Toán. Để đảm bảo không bị gián đoạn, lớp học phải tăng cường lên 2 giáo viên. Cô Nông Thị Luyện, giáo viên Trường Tiểu học Cúc Đường nhận xét, công tác dạy học thời gian đầu còn gặp khó khăn do 100% đồng bào là người dân tộc Mông, phát âm tiếng Việt chưa chuẩn, khả năng tiếp thu kiến thức chậm, ngại giao tiếp và tay còn cứng.
Ban ngày dạy trên trường, tối đi dạy lớp xóa mù chữ, lại thêm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phụ trách lớp nhưng các cô giáo vẫn đầy nhiệt huyết, hăng say. Cô Hoàng Thị Bích Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Cúc Đường chia sẻ: “Để dạy hiệu quả, chúng tôi sử dụng máy chiếu để bài giảng sinh động, giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Hơn cả, việc quan trọng nhất mà chúng tôi cần làm là động viên tinh thần và nhẹ nhàng, tạo không khí thoải mái khi học. Dù một số học viên tiến bộ không nhiều nhưng cũng được cô giáo dành lời khen ngợi”. Hai cô giáo còn phải học thêm tiếng Mông để linh hoạt, sáng tạo trong bài giảng, đồng thời xây dựng môi trường học tập gần gũi, thân thiện.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện còn hơn 1.900 người cần được xóa mù chữ, thuộc địa bàn 6 huyện (Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa). Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu, đến năm 2025: Phổ cập giáo dục tiểu học; duy trì 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện và tỉnh đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Bà Nông Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cúc Đường cho biết, sau khi rà soát số người chưa biết chữ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đến từng hộ, gặp từng người để tuyên truyền, vận động. Thời gian đầu, có 45 người đăng ký tham gia lớp học, tuy nhiên đến nay, một số học viên đã tạm nghỉ vì lý do công việc. “Đa số họ là lao động chính, đi làm về muộn, hay tâm lý còn mặc cảm nên một số học viên đã tạm nghỉ. Chúng tôi sẽ kiên trì, phối hợp với phía nhà trường vận động họ tham gia lại lớp học chữ”, bà Hạnh thông tin.
Bà Phan Thị Phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai cho biết, toàn huyện hiện còn gần 1.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 60 diện cần được xóa mù chữ. Tháng 1/2024, Phòng phối hợp với 9 xã trên địa bàn huyện tổ chức khai giảng 15 lớp xóa mù chữ giai đoạn 1 với 232 học viên tham gia học tập. Dự kiến giai đoạn 2 năm 2025 sẽ khai giảng 20 lớp với 541 học viên. Phòng đã chỉ đạo giáo viên có năng lực, nhiệt huyết đứng lớp, phối hợp với các địa phương, cơ quan đoàn thể chuẩn bị chu đáo điều kiện cho học viên học tập, góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn.