Anh đang khiến các Di sản Thế giới bị 'nguy hiểm'

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn du khách tới Tháp London tuần này
Đoàn du khách tới Tháp London tuần này
TP - Anh đã bị các cơ quan văn hóa cảnh báo do đang làm xói mòn danh tiếng toàn cầu trong việc bảo tồn tài sản lịch sử của mình, và sau Liverpool, Stonehenge – nơi có vòng tròn đá cổ đại trứ danh - dự kiến sẽ là nơi tiếp theo có nguy cơ đánh mất danh hiệu Di sản Thế giới.

Theo cơ quan di sản của Liên Hợp Quốc, vòng tròn đá trứ danh của hạt Wiltshire sẽ được đưa vào danh sách “nguy hiểm” nếu bên dưới nó, một đường hầm trị giá 1,7 tỷ Bảng tiếp tục tiến hành theo kế hoạch.

Hôm thứ Sáu (23/7), UNESCO được cho biết sẽ bắt đầu “chiếu ánh sáng gay gắt hơn” vào 31 di sản chính thức khác của Anh, trong đó bao gồm Cung điện Westminster và Vườn Kew, sau khi Liverpool trở thành địa điểm thứ ba trong gần 50 năm bị tước đi danh hiệu đó.

Các địa điểm khác dự kiến sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan Liên Hợp Quốc bao gồm Stonehenge, các thị trấn mới và cũ của thủ đô Edinburgh, Tháp London và khu mỏ Cornwall lịch sử, tất cả đều đang xuất hiện những công trình xây dựng mới gây tranh cãi.

Chris Blandford, chủ tịch Tổ chức Di sản Thế giới Vương quốc Anh, phàn nàn rằng “chính phủ mang nhận thức thấp” về tầm quan trọng của các địa điểm được UNESCO công nhận của đất nước. Ông cho biết nhiều di tích đang bị thiếu ngân sách nghiêm trọng, và các bộ trưởng đã thể hiện “nhiều miễn cưỡng, không muốn tận dụng tối đa các Di sản Thế giới chúng ta có”.

“Đây là những nơi có ý nghĩa quốc tế”, ông Blandford nói. “Chúng là những di sản văn hóa tốt nhất của chúng ta. Vào thời điểm Anh đã rời khỏi Liên minh Châu Âu và muốn được thế giới coi trọng, tại sao chúng ta không sử dụng những di sản tuyệt đẹp, có ý nghĩa to lớn như vậy để giúp làm điều đó?”.

Các lãnh đạo UNESCO chỉ trích chính phủ Anh vì đã không thực hiện “nghĩa vụ của mình” trong việc bảo vệ bờ sông Victoria của Liverpool, cũng như đổ lỗi cho nhiều năm xây dựng đổi mới khiến giá trị lịch sử bị “mất mát không thể phục hồi”.

Công ước Di sản Thế giới của UNESCO, mà Anh là một bên ký kết, khuyến khích các chính phủ thành lập một hoặc nhiều tổ chức quốc gia để cung cấp tài trợ cho các tài sản văn hóa của họ, nhưng Anh không có cơ quan này.

Thay vào đó, hầu hết các di sản thế giới được điều hành bởi chính quyền địa phương, cho dù họ đã bị cắt giảm kinh phí kể từ năm 2010 sau khi các cơ quan phát triển khu vực bị bãi bỏ. Do căng thẳng về tài chính, nhiều hội đồng đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc phê duyệt những công trình mới gây ảnh hưởng xấu đến giá trị lịch sử của các di sản văn hóa.

Theo một báo cáo năm 2019 của World Heritage UK, đại diện cho 31 địa điểm UNESCO của đất nước, họ chỉ nhận được trung bình 5 triệu Bảng từ chính quyền trung ương từ năm 2013 đến năm 2018. Chi tiêu hàng năm của chính phủ dành cho 27 di sản thế giới trong nước là 19 triệu Bảng, so với 70 triệu Bảng cho 15 công viên quốc gia.

Stonehenge sẽ gặp nguy cơ bị tước bỏ danh hiệu nếu đường hầm dài dài 3,2km được xây dựng như kế hoạch. Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Grant Shapps, đã duyệt dự án này vào tháng 11 cho dù UNESCO đã cảnh báo rằng nó sẽ có “tác động tiêu cực” đến giá trị lịch sử của khu vực. Tòa án cấp cao dự kiến sẽ quyết định trong vài tuần tới liệu dự án có thể được tiến hành hay không.

Ông Barry Joyce, cựu phó chủ tịch Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di sản Vương quốc Anh (ICOMOS), cơ quan tư vấn cho ủy ban UNESCO, cho biết ông “khá sốc” khi ông Shapps đã phê duyệt đường hầm bên dưới Stonehenge bất chấp nhiều lo ngại từ các thanh tra quy hoạch.

“Các di tích khác sẽ tiếp tục bị đưa vào danh sách “nguy hiểm” của UNESCO nếu các biện pháp giảm thiểu hoặc phòng tránh thiệt hại tiềm ẩn không được thực hiện, và khả năng chúng bị xóa khỏi danh sách di sản thế giới hoàn toàn có thể xảy ra”, ông nói.

Một bước đi như vậy sẽ khiến Anh trở thành quốc gia đầu tiên có nhiều hơn một di tích lịch sử bị loại khỏi danh sách, giáng một đòn đáng hổ thẹn vào vị thế văn hóa của đất nước trên thế giới.

Bà Henrietta Billings, giám đốc tổ chức Save Britain’s Heritage, cho biết nước Anh hiện đang được quốc tế chú ý về cách “giao phó cho người khác, rồi quên bẵng đi” đối với những viên ngọc văn hóa của mình. “Thế giới đang dõi theo cách chúng tôi quản lý di sản”, bà nói. “Nước Anh từng nổi tiếng về quá trình quy hoạch và bảo tồn xuất sắc và hiện giờ chúng ta đang dần đánh mất điều đó”.

Rất nhiều di tích lịch sử của Vương quốc Anh, từ các danh lam thắng cảnh thời tiền sử như Stonehenge đến các lâu đài thời trung cổ và pháo đài La Mã, đã mang lại hàng tỷ Bảng cho nền kinh tế mỗi năm và thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Ông Joe O’Donnell, giám đốc Hiệp hội Victoria, cho biết ông lo ngại rằng dự luật quy hoạch sắp tới của chính phủ sẽ làm suy yếu các biện pháp bảo vệ di sản, khiến nhiều di sản chịu tổn hại do những phát triển mới. “Đáng buồn thay, xét từ phản ứng gay gắt, thậm chí bác bỏ của các chính trị gia đối với quyết định của UNESCO, những cải tiến trong việc bảo tồn có vẻ như sẽ không sớm xảy ra”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của chính phủ cho biết Anh là “quốc gia đi đầu thế giới về bảo vệ di sản văn hóa”, và chính phủ không đồng tình với quyết định của UNESCO đối với Liverpool. Họ cho biết: “Bảo vệ di sản của khu Stonehenge là một ưu tiên của chính phủ và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với UNESCO, ICOMOS, cũng như cộng đồng di sản và khoa học trong việc triển khai các bước tiếp theo”.

Theo independent.co.uk, ngày 24/7/2021
MỚI - NÓNG