Tên lửa hành trình cận âm Nirbhay . Ảnh: Livefist |
The Times of India dẫn lời cố vấn khoa học của Bộ trưởng Quốc phòng VK Saraswat cho biết: “Tên lửa hành trình cận âm tầm trung Nirbhay đang ở giai đoạn lắp ghép cuối cùng và sẽ được phóng trong tháng tới để thử nghiệm các tính năng, gồm tính năng tàng hình và tiêu diệt chính xác mục tiêu”.
Nirbhay nặng khoảng một tấn, dài 6 mét, được tích hợp với hệ thống định vị chính xác cao theo công nghệ con quay laze dạng xuyến, cùng thiết bị đo độ cao bằng sóng radio.
Được thiết kế và phát triển bởi Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) tại Bangalore, tên lửa hàng trình Nirbhay có thể được phóng đối đất, đối biển, và đối không. Tầm phóng của Nirbhay là 750 km.
Trong môt cuộc họp báo liên quan tới Triển lãm Hàng không Ấn Độ 2013 lần thứ 9 sắp tới, Tổng giám đốc DRDO Saraswat cho biết: “Nirbhay có khả năng đánh lạc hướng, có thể kiểm soát và định hướng với độ chính xác cao, đảm bảo khả năng sát thương tối đa”.
Tên lửa hành trình trong mọi điều kiện thời tiết này sẽ được “tuyển mộ” vào Hải quân, Lục quân và Không quân Ấn Độ trong khoảng 12-18 tháng tới.
Nirbhay sẽ hỗ trợ tên lửa hành trình Brahmos mang đầu đạn có tầm trên 300 km, bởi Nirbhay có khả năng bay ở những độ cao khác nhau từ 500 mét – 4 km. Với hai cánh hai bên, Nirbhay còn có thể bay ở độ cao rất thấp nhằm tránh bị ra đa đối phương phát hiện.
Đỗ Tuấn
theo The Times of India