Ấn Độ bất lực trước “đại dịch“ hiếp dâm?

Hai thiếu nữ bị hiếp dâm và treo xác lên cây
Hai thiếu nữ bị hiếp dâm và treo xác lên cây
Những vấn đề xã hội thâm căn cố đế của Ấn Độ khiến cho đại dịch hiếp dâm ngày càng lan tràn. Trong 4 thập kỷ qua, số vụ hiếp dâm ở Ấn Độ đã tăng gần 900% tới mức 24.206 vụ vào năm 2011.

Một cô gái mặc quần áo màu đỏ thẫm, còn trang phục của cô gái kia màu xanh lục. Họ đều để tóc dài và đi chân đất. Họ là chị em họ trong những gia đình thuộc đẳng cấp thấp ở Ấn Độ. Và trong những bức ảnh chụp hiện trường, họ mới chỉ lớn hơn trẻ con một chút.

Cảnh sát Ấn Độ cho biết hai cô gái này mới chỉ 14 và 15 tuổi. Vì ở nhà không có nhà vệ sinh, họ phải đi ra đồng lúc nửa đêm, để rồi sáng sớm hôm sau, người ta thấy xác hai cô gái treo trên một cành cây xoài.

Đám đông dân làng tụ tập dưới thi thể của hai thiếu nữ tội nghiệp này vào sáng ngày thứ Tư. Không ai được phép cắt dây để đưa họ xuống cho đến khi cảnh sát bắt được hung thủ, và họ chỉ biết kiên nhẫn chờ đợi trong lặng lẽ. Thế rồi họ nhận được tin 4 người đàn ông đã bị bắt, trong đó có 2 người làng ở Katra, bang Uttar Pradesh. Còn hai người kia, trớ trêu thay, lại là hai cảnh sát.

Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy hai thiếu nữ này đã bị cưỡng hiếp tập thể và bị bóp cổ đến chết. Tin tức về vụ hiếp dâm, giết người kinh hoàng này ngay lập tức được loan truyền trên các tờ báo lớn của Ấn Độ. Ở đất nước mà cứ 22 phút lại xảy ra một vụ hiếp dâm này, vụ hiếp-giết ghê rợn trên vẫn khiến mọi người cảm thấy sốc.

Họ thấy sốc vì sự tàn bạo vô nhân tính của hung thủ. Sốc vì hai nghi phạm lại là cảnh sát. Và họ sốc vì ngay cả khi luật pháp Ấn Độ đã siết chặt hơn đối với tội danh hiếp dâm sau vụ hiếp dâm tập thể một nữ sinh trên xe bus hồi năm ngoái, tội ác này vẫn tiếp diễn ở Ấn Độ.

Các nhà phân tích cho rằng hiếp dâm tập thể là bằng chứng của những vấn đề xã hội thâm căn cố đế ở Ấn Độ, đó là bạo lực tình dục theo chế độ phân biệt đẳng cấp, là sự thờ ơ của cảnh sát và sự nương nhẹ của hệ thống pháp luật với tội danh quấy rối tình dục.

Ông Indira Jaisingh, một cố vấn pháp luật ở Ấn Độ đã từng tuyên bố: “Không có công thức thần kỳ nào để xử lý được vấn đề hiếp dâm. Các nhà lãnh đạo luôn có một định kiến trong đầu, đó là đổ lỗi cho nạn nhân và tìm cách moi móc lý do vì sao cô ấy bị cưỡng hiếp.”

Trong 4 thập kỷ qua, số vụ hiếp dâm ở Ấn Độ đã tăng gần 900% tới mức 24.206 vụ vào năm 2011. Vấn đề có thể tồi tệ hơn rất nhiều khi có nhiều vụ hiếp dâm nhưng nạn nhân không dám khai báo. Họ thường phải chịu sức ép từ gia đình để giữ im lặng, và các nhà hoạt động ước tính chỉ có khoảng 10% số nạn nhân bị cưỡng hiếp ra trình báo, thậm chí tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều.

Ấn Độ bất lực trước “đại dịch“ hiếp dâm? ảnh 1

Sự thờ ơ của cảnh sát cũng là một yếu tố khiến nạn hiếp dâm lan tràn

Theo một khảo sát do tờ Times thực hiện ở Ấn Độ năm 2011, gần 25% đàn ông Ấn Độ thú nhận đã từng một lần hiếp dâm trong đời, và gần 20% nói rằng họ đã từng dùng sức mạnh buộc vợ hoặc người yêu quan hệ tình dục.

Thủ đô New Delhi từ lâu đã được coi là một “ổ dịch cưỡng hiếp” ở Ấn Độ. Đây chính là nơi đã diễn ra vụ hiếp dâm tập thể một nữ sinh trên xe bus hồi năm ngoái, và cũng là nơi mà một nữ du khách 51 tuổi người Đan Mạch bị nhiều thanh niên cưỡng hiếp vì lạc đường về khách sạn.

Một nhà bình luận của tờ New York Times viết: “Tôi từng sống 24 năm ở New Delhi, thành phố mà nạn quấy rối tình dục xảy ra như cơm bữa. Mỗi ngày, ở một nơi nào đó trong thành phố, nạn quấy rối đó lại trở thành cưỡng hiếp.”

“Dịch cưỡng hiếp” cũng lan tràn ở bang Uttar Pradesh, nơi hai thiếu nữ trên bị hiếp dâm tập thể và bóp cổ đến chết. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày ở bang này có tới 5 phụ nữ bị cưỡng hiếp. Nghị sĩ Rita Bahuguna Joshi từng thốt lên: “Ngay lúc này đây, Uttar Pradesh là một trong những nơi tồi tệ nhất của phụ nữ.”

Bang với 200 triệu dân này là một trong những nơi nghèo đói nhất Ấn Độ. Hơn 60 triệu người dân sống với mức thu nhập chưa đến 1,25 USD một ngày. Các chuyên gia cho rằng nạn nghèo đói chính là một trong những yếu tố quan trọng khiến dịch cưỡng hiếp lan tràn ở Ấn Độ.

Những thanh niên tầng lớp trên “ăn no rửng mỡ” thường đi săn tìm những phụ nữ ở đẳng cấp dưới để thỏa mãn dục vọng đê hèn. Thống kê cho thấy, những phụ nữ thuộc đẳng cấp Dalit (dưới đáy xã hội) chiếm phần lớn trong số các nạn nhân bị hiếp dâm.

Ấn Độ bất lực trước “đại dịch“ hiếp dâm? ảnh 2 Phụ nữ Ấn Độ biểu tình phản đối hiếp dâm
Ông SR Darapuri, Phó Chủ tịch Liên minh Dân quyền của bang Uttar Pradesh cho biết: “Tôi phân tích số liệu hiếp dâm năm 2007 và nhận ra rằng 90% nạn nhân thuộc đẳng cấp Dalit, và 85% số nạn nhân này là trẻ chưa thành niên.”

Ở bang này đã từng xảy ra vụ một thiếu nữ 15 tuổi bị 3 gã đàn ông thuộc tầng lớp trên hiếp dâm tập thể và giam giữ làm nô lệ tình dục suốt 15 ngày. Một nhà hoạt động nói: “Những vụ việc thế này dã man đến mức chúng tôi không nghĩ là chúng có thể xảy ra. Chúng tôi từng nghĩ rằng chúng chỉ xảy ra trên phim ảnh hay tiểu thuyết.”

Trong khi đó, cảnh sát Ấn Độ thường xuyên phớt lờ các tội danh tình dục. Một cuộc điều tra năm 2012 của tạp chí Tehelka cho thấy tình trạng thờ ơ phổ biến của cảnh sát, nếu không muốn nói là thù địch đối với những nạn nhân bị tấn công tình dục. Một số cảnh sát còn cho rằng phụ nữ bị hiếp dâm là do họ “ăn mặc thoáng” hoặc cáo buộc nạn nhân là gái mại dâm.

Một sĩ quan cảnh sát còn nói: “70% số vụ trình báo hiếp dâm là quan hệ tự nguyện. Chỉ khi có ai đó nhìn thấy, hoặc đối tượng không chịu trả tiền thì đó mới là vụ hiếp dâm.” Một cảnh sát khác thì tuyên bố: “Cô ta ăn mặc như kiểu muốn lôi cuốn mọi người. Trong thực tế, cô ta muốn họ làm gì đó với mình.”

Xét trên một phương diện nào đó, tình trạng bàng quan đã lan tới cấp cao nhất trong hàng ngũ quan chức của bang. Hồi tháng trước, người đứng đầu đảng cầm quyền tại bang này còn tuyên bố rằng ông phản đối điều luật xử tử những kẻ hiếp dâm tập thể.

Chính trị gia tên là Mulayam Singh Yadav còn tuyên bố: “Thanh niên vẫn sẽ là thanh niên, và chúng cũng phạm sai lầm.”

Theo Trí Dũng
Theo Khám Phá
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.