Ăn cá biển tốt đủ đường
Khoa học chứng minh, hằng tuần nên ăn một bữa cá biển trở lên. Điều này rất có ích đối với việc phòng trị chứng cao mỡ máu và bệnh mạch vành, đồng thời phòng ngừa nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Ảnh: minh họa - Internet |
Người Eskimo sống ở vùng Bắc cực hầu như không mắc bệnh đái tháo đường, tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cũng rất thấp. Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do tim mạch thấp nhất thế giới.
Qua nhiều năm nghiên cứu thăm dò, nhà khoa học khám phá nguyên nhân chủ yếu do người Eskimo và người Nhật ăn cá nhiều. Tại sao ăn cá sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh mạch vành? Nhà khoa học khám phá dầu cá, đặc biệt là trong cá biển, có chứa nhiều chuỗi acid béo không bão hòa n-3. Acid béo không bão hòa có tác dụng giảm mỡ máu thấy rõ, trong đó EPA (eicosapentacenoic acid) và DHA (docosahexenoic acid) làm giảm acid béo trung tính, kết hợp với cholesterol máu, “mang” đi những cholesterol từ lòng mạch, theo đó làm giảm kết tập tiểu cầu, giảm độ quánh máu, giảm tổng lượng cholesterol, bài trừ chất béo tích tụ trong lòng mạch, sơ thông các sợi máu, bảo vệ mạch máu và tăng lưu lượng máu, từ đó phòng ngừa được bệnh tim mạch… như bệnh mạch vành.
Trong mỡ cá có chứa acid béo có tác dụng ức chế với tế bào ung thư. Điều tra cho thấy, phụ nữ vùng duyên hải Nhật Bản có tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến vú thấp hơn so với thành thị.
Giáo sư Mark Croft thuộc phòng nghiên cứu hóa học dinh dưỡng não Anh quốc trải qua nghiên cứu khám phá rằng, DHA chứa trong dầu cá có ích cho đại não. Vào năm 1972, ông đề xuất một giả thuyết chấn động thế giới rằng “thiếu DHA sẽ gây rối loạn cho phát triển não”. Về sau, các nhà khoa học Nhật, Anh, Mỹ, Pháp, Ý và Thụy Sĩ đã tiến hành nhiều thử nghiệm khoa học để chứng minh giả thuyết này. Trải qua nghiên cứu gần 20 năm, học giả các nước sau cùng đã chứng minh được giả thuyết này của giáo sư Croft là đúng.
Nói thế, DHA là gì? Ngoài cá, các thức ăn khác phải chăng có chứa DHA, EPA?
EPA, DHA là một loại acid béo mật độ cao, có tác dụng rất quan trọng đối với tế bào đại não, đặc biệt là sự phát triển của dẫn truyền và phản xạ thần kinh. Để chứng minh tác dụng của DHA, các nhà khoa học Nhật Bản thiết kế mê cung, thử nghiệm để chuột tìm ra nguồn nước: một nhóm chuột nuôi bằng thức ăn có chứa 5% dầu cá sadin (có chứa DHA), một nhóm chuột khác nuôi bằng thức ăn chứa dầu cọ (không chứa DHA). Hai nhóm chuột qua một thời gian nuôi dưỡng, trước khi tiến hành thử nghiệm 24 giờ ngưng dùng nước.
Sau đó cho chuột đi vào mê cung, tại cổng ra có nguồn nước. Chuột khát muốn uống nước, tìm kiếm “mùi vị” của nước bằng khứu giác, nhưng lạc vào mê cung, không dễ tìm ra nước uống. Kết quả là nhóm chuột được nuôi bằng thức ăn có chứa dầu cá sadin đã tìm ra nguồn nước rất nhanh chóng; chuột được nuôi bằng thức ăn chứa dầu cọ rốt cuộc không tìm ra nguồn nước để uống. Kết quả thử nghiệm đã chứng minh rằng DHA đối với sự tìm tòi, phán đoán, sức tập trung và khứu giác đều có ảnh hưởng quan trọng.
Đối với trẻ dưới 3 tuổi, đại não đang trong giai đoạn phát triển, cố nhiên cần hấp thu nhiều DHA. Cho dù trẻ ở độ tuổi trung học, đại não đã phát triển, cũng cần hấp thu nhiều DHA thì mới giúp phản xạ thần kinh đại não không ngừng phát triển. Do vậy, các chuyên gia kiến nghị giai đoạn này nên tận dụng thực đơn với cá là chính. Giáo sư Croft từng chỉ rõ: “DHA chỉ tồn tại trong cá và các loại nghêu sò”. Cho nên, thường xuyên ăn cá mới có thể hấp thu trực tiếp DHA một cách hiệu quả.
Ngoài ra, cá chứa nhiều protein (15 - 20%), hơn nữa tỷ lệ tận dụng cao, dễ tiêu hóa so với các loại thịt gà, vịt, trâu (bò), heo. Cấu tạo amino acid của đạm cá rất phù hợp với nhu cầu cơ thể, là loại đạm tốt với tỷ lệ tận dụng cao. Ngoài việc chứa nhiều đạm ra, cá có hàm lượng chất khoáng là 0,8 - 1,2%, là một thực phẩm giàu canxi, sắt… và một lượng đồng nhất định cùng các nguyên tố vi lượng khác. Cá biển lại là thức ăn giàu iod, trong gan cá chứa nhiều loại vitamin, nhất là vitamin A, D, B2 càng phong phú, rất quan trọng đối với người cao tuổi
Theo Lương y - Dược sĩ Bàng
Sức khỏe & Đời sống