Những ngày đông cuối cùng cách đây 77 năm cả Hà Nội sục sôi trước vận mệnh của Tổ quốc. Rạng sáng ngày 19/12/1946, một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử xuyên suốt thời đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, đó là Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Bản hịch cứu nước thể hiện ý thức sâu sắc về giá trị độc lập của dân tộc. Theo lời hiệu triệu của Người, thủ đô thay mặt cả nước nổ phát súng đầu tiên mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kì 9 năm của dân tộc ta.
Bằng ngôn ngữ âm nhạc, chương trình đã đưa khán giả đi suốt hành trình hơn 3.000 ngày trường chinh đánh giặc, từ 60 ngày đêm thủ đô huyết thệ đến 9 năm trường kì kháng chiến cho tới chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm Châu và ngày về thủ đô trong ngày khải hoàn chiến thắng.
Suốt từ tháng 02/1946 Nhà nước non trẻ dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì đấu tranh, liên tiếp nhân nhượng để bày tỏ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam nhưng mưu đồ xâm lược nước ta của thực dân Pháp lúc bấy giờ ngày càng lộ rõ. Cả dân tộc đứng trước hai con đường, một là cúi đầu quay lại kiếp làm nô lệ, hai là chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập tự do: “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
60 ngày đêm quyết tử để Tổ quốc quyết sinh tạo nên một Hà Nội lãng mạn và kiêu hãnh giữa súng đạn kẻ thù. Trước khi rời thủ đô, người Hà Nội một lần nữa tự thề với lòng mình: Ra đi để có ngày trở về, ta mang 36 phố phường đi kháng chiến, 9 năm rừng lòng vẫn thủ đô. Mang cái hào hoa lãng mạn của Hà Nội kháng chiến, những thanh niên thủ đô đã bỏ lại sau lưng phố phường thân yêu, gói gém trong kí ức cả những củ khoai lang nướng đầu phố Tuệ Tĩnh, kẹo vừng Ông Lão ở chợ Hôm, quán cơm đầu ghế bất kể chợ nào, hay cô hàng chè tươi nấu nước sông Hồng để xông pha vào cõi sa trường, xả thân vì tổ quốc. Song cho dù thế nào đi nữa cái cốt cách ấy, nét hào hoa hiệp sĩ ấy của người Hà Nội không bao giờ mất cho dù bị câu thúc bởi biết bao gian khổ và hi sinh.