Ai hay bị mắc rối loạn đông máu?

Ai hay bị mắc rối loạn đông máu?
TP - Hemophilia là bệnh rối loạn đông máu có tính chất di truyền và con cái có thể mắc bệnh từ bố mẹ. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em trai, trẻ em gái có thể mắc bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp.

> Sức khỏe phụ nữ: Làm gì khi máu chảy bất thường?

Bất kỳ một người bình thường nào đều có 12 yếu tố đông máu, các yếu tố này được đánh số thứ tự từ I đến XII (theo chữ viết La Mã). Khi cơ thể con người bị thiếu hụt các yếu tố đông máu, đặc biệt là yếu tố đông máu số VIII hoặc số IX hoặc số XI thì sẽ gây ra bệnh Hemophilia.

Khoảng 80% bệnh nhân bị Hemophilia do thiếu yếu tố đông máu số VIII (gọi là hemophilia A), số còn lại là hemophilia B do thiếu yếu tố đông máu số IX và một tỷ lệ nhỏ hơn là Hemophilia C do thiểu yếu tố XI.

Bệnh Hemophilia xuất phát từ người mẹ mang mầm bệnh Hemophilia, bởi vì mỗi cơ thể người mẹ có mang nhiễm sắc thể giới tính X, nhiễm sắc thể này còn chứa những gen cho phép sản xuất yếu tố đông máu VIII, IX và XI.

Người phụ nữ nào mắc bệnh Hemophilia thì những gen này bị hư hỏng cho nên việc sản xuất ra các yếu tố VIII hoặc IX hoặc XI không đủ lượng cần thiết cho quá trình đông máu.

Vì vậy, người phụ nữ có gen Hemophilia được gọi là người mang gen bệnh và có thể truyền gen bệnh cho con trai. Người con trai này khi có vợ, sinh con gái thì sẽ truyền cho con gái nhưng người con gái này hiếm khi phát bệnh, khi lớn lên gọi là mẹ mang mầm bệnh.

Trong khi đó, một bé gái chỉ có khả năng bị bệnh Hemophilia trong trường hợp cha bị Hemophilia còn mẹ thì mang mầm bệnh. Trường hợp này rất hiếm khi xảy ra, nên Hemophilia thường thấy ở trẻ trai mà thôi.

Những người mang gen bệnh sẽ có nồng độ yếu tố VIII hoặc IX hoặc XI thấp. Tuy vậy, phần lớn những người đó không gặp bất kỳ triệu chứng chảy máu nào trong cuộc sống bình thường.

Biểu hiện của bệnh Hemophilia chủ yếu là xuất huyết, xảy ra từ rất sớm ngay khi mới chào đời như tụ máu dưới da đầu, nặng hơn là chảy máu nội sọ. Khi trẻ lớn dần lên thì sẽ bị xuất huyết khi ngã, vấp, chạy, nhảy, nghịch ngợm khi chơi, nhất là trẻ hiếu động. Xuất huyết với đa hình thái khác nhau, xuất huyết dưới da, trong cơ, khớp, nặng hơn có thể xuất huyết nội tạng (tiểu ra máu).

Vì bệnh chỉ xảy ra chủ yếu ở trẻ em trai, cho nên khi chẩn đoán bệnh nên lưu ý xem các anh, em trai sinh ra hoặc các bác trai, cậu bên ngoại hoặc con trai của chị em gái của mẹ có mắc bệnh ưa chảy máu không.

Dựa theo nguyên nhân gây bệnh người ta chia hemophilia thành 3 thể bệnh (thể nhẹ, trung bình & nặng) tuỳ thuộc vào mức độ thiếu hụt các yếu tố đông máu. Với thể nặng cơ thể luôn bị đặt trong trạng thái dễ bị xuất huyết và xuất huyết nghiêm trọng.

Khi nghi ngờ mắc bệnh Hemophilia (bệnh ưa chảy máu) cần được khám bệnh càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chắc chắn và được điều trị tích cực, bởi vì Hemophilia là một rối loạn đông amus kéo dài suốt cuộc đời và phải phụ thuộc vào yếu tố đông máu thay thế. Tuy nhiên với phương pháp điều trị hiện đại bệnh nhân Hemophilia có khả năng hi vọng một cuộc sống tương đối bình thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG