Ai đứng sau các tiết mục của 'thần đồng' Đức Vĩnh?

Giành ngôi vị cao nhất của Vietnam’s Got Talent 2015 và được các giám khảo dành nhiều lời khen, nhưng ít ai biết được hành trình vươn tới vinh quang của Đức Vĩnh đầy những giọt mồ hôi mặn chát.

Trong khi các thí sinh khác đều có người hỗ trợ hoặc tư vấn ý tưởng thì Đức Vĩnh phải tự tìm tòi trên Internet tìm hiểu tự tập luyện, rồi mẹ biết chỗ nào dạy con chỗ đấy...

Những “người thầy” bí ẩn

Nhắc đến niềm vui mà cậu con út vừa giành được trong Vietnam’s Got Talent 2015, chị Lê Thanh Nghĩa, mẹ của Đức Vĩnh nở nụ cười đầy hạnh phúc. Chị cho biết, mấy hôm nay chị ngủ rất ít, phần vì cảm giác hạnh phúc trước những gì vừa đến với con mình vẫn chưa lắng xuống, một phần vì phải bận tiếp người trong làng, xã đến chúc mừng.

“Hôm ở TP.HCM bay ra, có bác gái, các chị, cô hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm, đại diện chính quyền địa phương… lên tận sân bay đón hai mẹ con. Về đến nhà đã thấy mọi người đứng chật kín sân để chào đón mẹ con về. Đến tối, nhà còn không đủ chỗ cho mọi người đến chia vui. Từ khi sinh ra đến giờ, chưa bao giờ tôi cảm thấy hạnh phúc như thế”, chị Nghĩa kể.

Trước đó, khi nghe MC xướng tên con mình giành ngôi Quán quân Vietnam’s Got Talent 2015, chị Nghĩa đã ôm chầm lấy nghệ sỹ tuồng Kiều Oanh. Những giọt nước mắt lăn dài trên má chị. Kể cả khi con bước xuống sân khấu, mang hoa và giải thưởng đến chia vui cùng mẹ, hai mẹ con cũng chỉ biết ôm chặt lấy nhau trong nước mắt. Những giọt nước mắt ấy ngập tràn hạnh phúc nhưng cũng chất chứa nhiều nỗi niềm mà chị Nghĩa không thể kìm nén nổi.

Chị Nghĩa tâm sự, Đức Vĩnh là con út trong gia đình, ngay từ nhỏ, cậu bé đã tỏ ra thông minh, sống tình cảm và tự lập. Đó là lý do, từ chuyện nộp hồ sơ, lựa chọn tiết mục tham gia vòng sơ tuyển cho đến các vòng trong đều một mình Đức Vĩnh quyết định. Trong suốt hành trình cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2015, mẹ đóng vai trò đồng hành cùng con nhưng cũng như một người thầy, một người bạn. Ở tiết mục “Thị Mầu lên chùa”, mẹ con Vĩnh tự lên mạng Internet xem trích đoạn chèo do NSƯT Thu Huyền diễn rồi cùng tập với nhau. Sang đến tiết mục “Cô đôi thượng ngàn” vòng bán kết, Đức Vĩnh may mắn được NSƯT Thanh Ngoan chỉ dạy cho một số kỹ thuật trong việc hát chầu văn, cách diễn trên sân khấu… Vì không có nhiều thời gian, lại khá cách trở về không gian nên mẹ con Đức Vĩnh lại phải tiếp tục tự tập với nhau ở nhà và học thêm trên mạng Internet. Cũng nhờ NSƯT Thanh Ngoan mà khi có ý tưởng muốn diễn trích đoạn “Xúy Vân giả dại” ở vòng chung kết, Đức Vĩnh đã được NSƯT Thúy Ngần gọi đến nhà riêng chỉ dạy cho 2 tiếng đồng hồ rồi cậu lại tiếp tục về nhà tự tập.

“Ở vòng chung kết, đáng ra Vĩnh sẽ xuất hiện ở đêm chung kết 2 nhưng vì có một số thí sinh dựng tiết mục chưa xong nên Vĩnh được diễn ở đêm chung kết đầu tiên. Trong khi đó, thời điểm diễn ra vòng chung kết lại rơi đúng vào lúc Vĩnh phải thi giữa học kỳ nên thời gian tập luyện tiết mục không được nhiều. Vĩnh toàn tranh thủ tập vào buổi trưa và buổi tối sau khi đi học về nên có vẻ vẫn chưa ưng ý với phần biểu diễn của mình lắm”, chị Nghĩa cho biết thêm.

Ai đứng sau các tiết mục của 'thần đồng' Đức Vĩnh? ảnh 1

Lãnh đạo huyện Quế Võ và Hội Khuyến học của huyện trao thưởng “nóng” cho Đức Vĩnh trong ngày 7/4. Ảnh: Văn Chung.

Tiết mục đặc biệt làm nên thương hiệu “thần đồng”

Lúc đầu, khi được Ban tổ chức yêu cầu gửi tiết mục để có phương án dàn dựng sân khấu, Đức Vĩnh định chọn trích đoạn cải lương “Tiếng trống Mê Linh”. Nhưng khi xem trên mạng Internet, thấy ca sĩ Hoài Lâm đã diễn thành công trích đoạn này trong chương trình “Gương mặt thân quen” nên cậu quyết định đổi sang trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội”.

Tuy nhiên, sau khi xem con biểu diễn một vài động tác, thấy tiết mục này có vẻ hơi quá sức đối với con, anh Nguyễn Đức Tuấn (bố của Đức Vĩnh) khuyên con nên thay đổi tiết mục khác. Đức Vĩnh không những không nản mà còn an ủi lại bố: “Bố mẹ yên tâm. Con sẽ tập được. Con sẽ cố gắng tập bằng được”. Thấy con quyết tâm, chị Nghĩa cũng tranh thủ bỏ việc mùa màng để tập cùng con. Trong quá trình tập luyện, Vĩnh đã gặp rất nhiều khó khăn vì tuồng khác hẳn với các bộ môn nghệ thuật khác. Thêm vào đó, đây lại là một trích đoạn kinh điển của tuồng nên nếu diễn không ra hồn của nhân vật sẽ coi như thất bại hoàn toàn. Trước tình thế đó, chị Nghĩa phải gọi điện cầu cứu NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Thanh Ngoan. Hai nghệ sĩ này đã nhờ nghệ sĩ Kiều Oanh ở Nhà hát Tuồng Việt Nam - là người đã diễn thành công trích đoạn này - chỉ dạy thêm cho Đức Vĩnh.

Vốn là cậu bé thông minh và nhanh nhẹn nên sau khi được nghệ sĩ Kiều Oanh trực tiếp chỉ cho một số “thủ thuật” của tuồng trong tình thế khá gấp gáp, Đức Vĩnh đã gần như nắm được hết tinh thần của Vở. Tuy nhiên, chỉ tập được vài hôm, Vĩnh lại phải bay vào TPHCM để ráp sân khấu. Thời gian ở trong ngôi nhà chung, Vĩnh phải tự tập một mình. Đến tận hôm 3/4, khi các nhạc công và nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam từ Hà Nội bay vào TPHCM thì tiết mục của Vĩnh mới được dựng hoàn chỉnh.

“Một kỷ niệm tôi không thể quên, đó là khi tôi báo với Ban tổ chức để chuẩn bị trang phục cho tiết mục của Vĩnh, nhưng trang phục mà Ban tổ chức đưa đến, Vĩnh lại không ưng vì đó không phải là trang phục của tuồng. Đang trong tâm trạng lo lắng sợ thể hiện không tốt tiết mục của mình, cộng thêm với trang phục không ra hồn nên Vĩnh khóc rất nhiều và đòi bỏ về. Thấy vậy, tôi rất thương con nhưng cũng bối rối không biết nên làm thế nào. Cuối cùng, tôi đành phải gọi điện cầu cứu nghệ sĩ Kiều Oanh mượn hộ trang phục.

Bác Kiều Oanh lúc đó còn ở Hà Nội nhưng đã gọi điện vào nhờ Nhà hát Tuồng TPHCM cho mượn trang phục. Tôi rất mừng vì lên sân khấu, Vĩnh diễn tốt hơn lúc tập rất nhiều. Có lẽ nhờ hóa trang, trang phục phù hợp nên Vĩnh nhập vào nhân vật tốt hơn. Trong bốn màn trình diễn từ vòng loại sân khấu, tôi thấy đây là tiết mục mà Vĩnh diễn tốt nhất. Thật lòng, tiết mục này thành công được là nhờ sự hỗ trợ rất nhiều từ nghệ sĩ Kiều Oanh và các nghệ sĩ trong Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tôi và cháu sẽ nhớ mãi sự giúp đỡ này của các bác…”, chị Nghĩa nghẹn ngào kể lại.

Chị Nghĩa cũng cho biết, ngày 7/4 vừa qua, lãnh đạo huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã đến thăm gia đình và trao phần thưởng 5 triệu đồng cho Đức Vĩnh. Hội Khuyến học của huyện Quế Võ cũng dành 2 triệu đồng khuyến khích cho tài năng của Vĩnh.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Quế Võ mong gia đình, nhà trường và mọi người không tạo áp lực để Đức Vĩnh có thể phát triển được tài năng. Chị Nghĩa cũng cho biết, gia đình sẽ cố gắng chăm cho Vĩnh lấy lại sức khỏe (Vĩnh bị sụt mất 2kg) để trải qua kỳ thi cuối học kỳ sắp tới. Sau đó, nếu Vĩnh muốn theo học một khóa học nào đó về năng khiếu, gia đình cũng sẽ hết sức tạo điều kiện cho Vĩnh.

Theo Theo Gia Đình & Xã Hội
MỚI - NÓNG