Những quy định bất khả thi: Xử phạt thế nào?

Ai dám tố giác thủ trưởng của mình để cấp dưới uống rượu?

Một người đi vệ sinh bừa bãi tại một công viên
Một người đi vệ sinh bừa bãi tại một công viên
TP - Cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm ép uống rượu, cấm “tiểu bậy”… là những quy định góp phần xây dựng xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, ngăn chặn hoặc xử phạt những vi phạm này không dễ, từ thực trạng thiếu lực lượng chuyên trách đến thiếu cơ chế thực hiện. 

Thiếu cơ chế

Sáng 6/10, một người đàn ông phóng xe lên bãi cỏ cạnh hồ Thiền Quang, Hà Nội, chọn một gốc cây rồi vô tư “xả van” bất chấp mọi người qua lại. Theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ, hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng; gạt tàn, vứt bỏ đầu mẩu thuốc lá không đúng chỗ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng… Hỏi về quy định này, một phụ nữ quản lý nhà vệ sinh công cộng cạnh hồ Thiền Quang nói: “Ở đây ngày nào chả có người đi vệ sinh bừa bãi, thậm chí họ còn “đi” ngay cạnh nhà vệ sinh này nhưng chưa thấy ai bị phạt. Còn việc hút thuốc lá quanh đây thì nhiều vô kể”.

“Vệ sinh bừa bãi” phải bị xử phạt là một trong những quy định được nhiều người đánh giá là khó thực hiện. Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Cty Luật ICC đánh giá, có nhiều hành vi vi phạm rất khó áp đặt chế tài xử lý như hút thuốc lá nơi công cộng, gạt tàn không đúng chỗ; xúc phạm người khác sinh con một bề; chê bai người khác béo, hói; dùng tay trần chạm vào thực phẩm chín khi bán hàng… “Các hành vi này thiếu văn hóa, gây ô nhiễm môi trường… nhưng quy định về xử phạt lại thiếu cơ chế thực hiện dẫn đến khó triển khai. Việc này làm giảm hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quản lý xã hội” - luật sư Tùng nói.

Một quy định cũng được cho là khó thực hiện khi từ 15/11 tới sẽ xử phạt việc mời, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá, rượu bia. Đây là một trong những nội dung của Nghị định 117/2020/ND-CP  của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Được hỏi về quy định cấm bán rượu bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, chị Nguyễn Thị Mai, một chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Trần Cung (Hà Nội) nói: “Tôi đồng tình nhưng thấy đang bắt chúng tôi gánh trách nhiệm, làm sao tôi biết người mua bao nhiêu tuổi và cũng khó yêu cầu họ đưa chứng minh thư. Các cháu ra bảo mua bia rượu cho bố, mình làm sao biết nó mua đi đâu? Hoặc các ông quanh đây gọi điện bảo lát có con ra lấy thùng bia, đương nhiên chúng tôi phải bán, nếu vậy bị xử phạt sẽ không đúng”.

Về việc xử phạt, ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, một số quy định như nói trên khó thực hiện hoặc không thể xử phạt trong thời gian dài. Ông nói: “Phường có phạt nhưng chế tài để người ta nộp phạt là rất khó. Ví dụ xử phạt trật tự đô thị, mình thu bàn ghế họ sẽ bắt buộc phải đi nộp phạt để lấy về nhưng riêng vi phạm về môi trường là khó nhất bởi mình không giữ của người vi phạm cái gì để họ phải đi nộp, nhiều quyết định bị “treo” dù đã được cảnh sát khu vực giao tận nhà”.

Ông Văn nói thêm: “Như việc vứt rác bừa bãi, có camera bắt được nhưng không có chế tài xử phạt nguội. Còn để xử phạt trực tiếp, lực lượng của phường không phải lúc nào cũng đi kiểm tra được. Khó khăn nữa là chưa có quy định về lực lượng chuyên trách bởi không phải cán bộ nào cũng có thể lập hồ sơ xử lý. Tuy nhiên, các quy định này cũng rất tích cực, như việc cấm vứt rác bừa bãi. Có nơi người dân phát hiện người vi phạm còn ra vây, giữ lại xong gọi phường xuống. Từ đó, điểm bị vứt rác bừa bãi không còn tồn tại và theo tôi, việc này mới quan trọng”.

Ai dám tố giác thủ trưởng của mình để cấp dưới uống rượu?

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, nếu không có lực lượng chuyên trách thực hiện xử phạt một cách đơn giản, các quy định dù văn minh cũng khó thực hiện. “Hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt 1 - 3 triệu đồng; người đứng đầu cơ quan có nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc bị phạt 3 - 5 triệu đồng... nhưng ai là người dám tố giác việc thủ trưởng của mình để cấp dưới uống rượu? Ai sẽ trình bày việc bạn bè ép mình uống cốc bia?” - luật sư Tùng nói.

Ông Tùng cũng đặt câu hỏi, có quy định thẩm quyền xử phạt nhưng lực lượng nào được giao chuyên trách và làm sao họ chứng minh được việc ép nhau uống rượu hoặc gạt tàn thuốc lá không đúng chỗ như Nghị định 117 quy định? Dù có camrea ghi hình, nhưng có cơ chế cho cơ quan chức năng phạt nguội hay không? Đánh giá hiệu quả răn đe của mức phạt vốn chỉ từ mức trăm nghìn đến vài triệu đồng, vị luật sư này nói: “Như hành vi xúc phạm người sinh con một bề (chỉ sinh con trai hoặc gái) có thể bị phạt từ 200 - 500 nghìn đồng. Mức phạt này có đủ sức răn đe, việc triển khai xử phạt với hành vi này như thế nào?”.

Đáng chú ý, luật sư Tùng nêu quan điểm, dù mức phạt cao hay thấp nhưng nếu không làm thường xuyên, triệt để, các hành vi vi phạm chắc chắn sẽ tái diễn, dẫn tới tình trạng “nhờn luật” và thậm chí không có tác dụng trong việc thay đổi hành vi, nhận thức của xã hội. Để làm được điều này, vị luật sư cho rằng phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, đồng thời tạo cơ chế thuận tiện cho người thực thi nhiệm vụ.

“Ví dụ, ít ai đi tố cáo người thân của mình hút thuốc lá nơi công cộng, người lạ cũng không biết ai để tố cáo nên đơn vị có thẩm quyền cần chủ động phòng ngừa, phát hiện việc này. Ngoài ra, cần xem xét quy trình xử lý vi phạm hành chính vì theo luật, chỉ xử phạt không lập biên bản nếu phạt tiền đến 250 nghìn đồng với cá nhân, 500 nghìn đồng đối với tổ chức. Cần nâng cao mức xử phạt được áp dụng quy trình không lập biên bản nhằm đơn giản hóa việc xử phạt” - luật sư Tùng nói.


Từ 1/1, quy định không được giết mổ động vật trước mặt đồng loại, hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho động vật chính thức có hiệu lực và được các chuyên gia nông nghiệp đánh giá là văn minh, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo chất lượng thịt làm thực phẩm... Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo 2 UBND phường tại Hà Nội cùng khẳng định, đến nay, họ chỉ tập trung tuyên truyền, chưa thể xử phạt trường hợp nào vi phạm vì: “Việc này khá tế nhị”.  

 
MỚI - NÓNG