Trong suốt hành trình phát triển, với sứ mệnh chủ lực đầu tư phát triển “Tam nông”, Agribank đã và đang có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung.
Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan
Trong mười năm qua, từ năm 2013 đến năm 2022, số lượng hợp tác xã trong nông nghiệp có xu hướng tăng, với tốc độ bình quân khoảng 4,8%/năm. Đặc biệt từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, số lượng hợp tác xã (HTX) tăng mạnh, trong năm 2022 với 2.036 HTX, đã tăng trên 7,4% so với năm 2021. Số lượng HTX thành lập mới tăng liên tục qua các năm. Đến nay, cả nước có khoảng 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 nghìn tổ hợp tác. Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.357 HTX nông nghiệp và 11.343 HTX phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân hằng năm của mỗi hợp tác xã đạt trên 5,5 tỷ đồng (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/hợp tác xã).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 8 năm 2023 |
Mới đây, tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 8 (tổ chức sáng 12/10/2023), tại Hà Nội, phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước cũng xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP; các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Toàn cảnh diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 8 |
Agribank và những nỗ lực góp phần phát triển kinh tế tập thể đất nước
Trong hành trình 35 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank là ngân hàng luôn đồng hành, sát cánh cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam, Agribank luôn chủ động, sáng tạo đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp, chính sách nhằm đổi mới tài chính nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam, được Chính phủ, NHNN ghi nhận, đánh giá cao và cho phép áp dụng vào thực tiễn. Agribank là ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ cho lĩnh vực này luôn chiếm từ trên 65-70% trong tổng dư nợ tín dụng. Agribank là ngân hàng đi đầu trong công tác triển khai các chương trình tín dụng chính sách và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Nguồn vốn Agribank tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn |
Agribank là ngân hàng có mạng lưới hoạt động lớn nhất hiện nay với trên 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch. Trong khi hầu hết các ngân hàng thương mại tập trung mạng lưới giao dịch ở các thành phố với tiềm năng kinh doanh lớn, Agribank xây dựng mạng lưới phủ sóng toàn quốc với những chi nhánh, phòng giao dịch đến tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, là ngân hàng thương mại duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các SPDV ngân hàng hiện đại, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng núi cao, biên giới.
Được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank đang từng bước nỗ lực mang các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại hơn đến khu vực nông thôn. Agribank đã xây dựng được được 59 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 345 xã, phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa vay vốn được thuận lợi. Từ dòng vốn ngân hàng, nhiều nông dân đã trở thành các chủ trang trại, chủ đầu tư những mô hình sản xuất quy mô lớn hơn, tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, triển khai Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong cả nước, Agribank đã có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị ở nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 8 năm 2023 |
Cũng tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 8, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, trong 1.200 HTX có quan hệ tín dụng với ngân hàng thì đã có tới 653 HTX có quan hệ tín dụng qua hệ thống của Agribank, chiếm 1/3 dư nợ trong toàn hệ thống Ngân hàng. Dư nợ HTX tại Agribank được trải đều khắp các vùng miền của tổ quốc, đặc biệt các khu vực có dư nợ cao phải kể đến: khu vực miền núi cao biên giới, khu vực Trung du Bắc Bộ, khu vực Thành phố Hà Nội. Agribank luôn nỗ lực để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khẳng định vai trò chủ lực đầu tư phát triển lĩnh vực này. Hiện, gần 70% vốn của Agribank nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đây là thị trường nòng cốt của Agribank.
Thực hiện Nghị định 55/2015/ND-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank đã ban hành quy chế về tín dụng, trong đó đặc biệt dành nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khách hàng là HTX. Tại Agribank, mức tín dụng không đảm bảo tài sản đối với các tổ chức, HTX được quy định rất rõ: Tối đa 01 tỷ đồng đối với HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tối đa 02 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; Tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Đối với Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay theo mô hình liên kết: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Agribank nơi cho vay xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Agribank nơi cho vay xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết...
Có thể nói rằng, với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của công tác phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn. Mặc dù vậy, trên thực tế, việc cấp tín dụng cho các hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tập thể còn gặp khá nhiều khó khăn, cần sự chung tay tháo gỡ của Chính phủ, các cấp Bộ, ngành. Một số khó khăn như: vốn đối ứng của các HTX chưa đáp ứng yêu cầu, để đảm bảo các điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính minh bạch, bài bản, thẩm định cũng chưa hoàn thiện; tài sản cũng là vấn đề, nhiều HTX có nhà lưới, nhà xưởng nhưng tài sản đó đi đồng bộ với giấy tờ đất, kể cả đất thuê bị thế chấp chưa đảm bảo tính pháp lý; tính trách nhiệm của các thành viên trong doanh nghiệp, HTX chưa cao, chưa chặt chẽ… Trong thời gian tới, khi những khó khăn vướng mắc đó được tháo gỡ, các HTX sẽ được tiếp cận nhiều hơn nữa với vốn tín dụng ngân hàng, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển ổn định kinh tế đất nước.
Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp được tổ chức sáng ngày 12/10/2023 tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam 2023". Cũng trong khuôn khổ Chương trình, Lễ tôn vinh và trao danh hiệu cho 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc và biểu dương 63 HTX tiêu biểu toàn quốc đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát lớn Hà Nội tối ngày 13/10/2023. Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam 2023” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức. Agribank vinh dự là đơn vị đồng hành tài trợ, tổ chức các sự kiện thuộc Chương trình.