Dịp Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc, cảnh tượng thường thấy là đường cao tốc chật cứng phương tiện, những dòng xe cộ nối đuôi nhau đi lại. Các gia đình hối hả di chuyển để kịp về tham dự buổi họp mặt cả dòng họ đầu năm. Nhiều cửa hàng, quán ăn đóng cửa im lìm.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên xứ kim chi ngày càng cao và xu hướng sống một mình được nhiều cá nhân lựa chọn, số người không có nhu cầu về thăm nhà, gặp mặt họ hàng dịp đầu năm cũng tăng theo.
Một số không muốn bị căng thẳng khi phải nghe những câu hỏi riêng tư từ họ hàng. Những người khác chỉ muốn tận dụng khoảng thời gian được ở một mình.
Cùng với đó là sự xuất hiện của các sự kiện cộng đồng được tổ chức cho những người trẻ Hàn trốn tránh ngày Tết tụ tập bên gia đình.
Theo một cuộc khảo sát chung của trang web thông tin việc làm Job Korea và Albamon, 6 trong số 10 thanh niên Hàn Quốc cho biết họ muốn không tham dự các buổi gặp gỡ và dành kỳ nghỉ Tết Nguyên đán một mình.
Trong hơn ba năm, BooknPub, một cửa hàng sách ở Seoul, đã mở cửa xuyên Tết và tổ chức các buổi họp mặt văn hóa “cho những ai muốn tìm kiếm lựa chọn thay thế ý nghĩa cho lễ kỷ niệm gia đình truyền thống”.
Những người tham gia sẽ cùng thảo luận về chuyện đọc sách, ăn tối và trò chuyện cùng nhau để vơi bớt cảm giác cô đơn, xa lạ vào đầu năm mới. Những dịp lễ được nghỉ dài ngày ở Hàn Quốc vào năm nay, BooknPub cũng dự tính hoạt động xuyên suốt kỳ nghỉ.
“Ban đầu, tôi làm sự kiện vì nhu cầu cá nhân, rồi tôi tiếp tục tổ chức nhiều thêm vì có nhiều khách hàng có mong muốn tương tự”, Kim Jong-hyun (37 tuổi), chủ hiệu sách, cho hay.
“Các thành viên trong gia đình tôi không dành nhiều thời gian bên nhau dịp lễ Tết, còn tôi muốn ở cửa hàng của mình. Vì vậy, tôi làm việc xuyên Tết và làm điều gì đó ngẫu hứng nhưng ý nghĩa cho khách hàng”, Kim nói thêm.
Cách đây vài năm, lượng khách đến cửa hàng sách của Kim vào ngày Tết còn đông hơn so với những ngày khác trong năm. Khách hàng thừa nhận họ không biết đi đâu trong những ngày lễ khi sống một mình hoặc ở cách xa nhà cha mẹ.
“Một số nói rằng họ 'né' về nhà để không phải nghe những người thân cằn nhằn. Trong khi truyền thông chỉ tập trung đưa tin số lượng đông đảo về nhà ăn Tết, có đến hơn phân nửa khách hàng của tôi nói họ không ở cùng bố mẹ trong kỳ nghỉ”, Kim nói.
Đối với phụ nữ ở Hàn Quốc, áp lực lại càng đè nặng tại các cuộc họp mặt gia đình. Ngoài những câu hỏi liên quan đến hôn nhân và công việc, các cô gái còn phải làm rất nhiều việc vặt, điều chủ yếu do thành viên nữ trong nhà đảm nhận.
“Ngày càng có nhiều người đi đến khách sạn ở vào những ngày đầu năm để có thời gian cho bản thân. Với những người phụ nữ, họ cảm thấy không thoải mái với hàng tá việc nhà chồng chất mà nữ giới bị mặc định phải làm”, Lee Suh-hyun, một nhà viết kịch bản, đánh giá.
“Do đó, tôi mở một website là nơi mọi người chia sẻ quan điểm về những điều không công bằng trong các buổi họp mặt đầu năm như vậy. Với nhiều nội dung liên quan đến bất bình đẳng xảy ra với nữ giới trong gia đình gia trưởng, người dùng sẽ không còn thấy việc nói lên những điều họ bức xúc về kỳ nghỉ Tết là điều cấm kỵ nữa”, Lee nói.