1. Duy trì cuộc sống tích cực
Khi điều kiện xung quanh bất lợi, virus, vi khuẩn và các môi chất gây bệnh phát triển, dễ lan truyền từ người sang người thì việc phòng bệnh đóng một vai trò quan trọng.
Những người có cuộc sống tích cực, lạc quan, ưa hoạt động, ăn uống khoa học là nhóm có hệ thống miễn dịch tốt, ít mắc bệnh hơn.
Ngược lại, những người có cuộc sống thiếu khoa học, lười vận động, ăn uống không cân bằng, không đủ chất, ưa thực phẩm khoái khẩu, chất kích thích, sống u sầu, lúc nào cũng buồn rầu chán nản là nhóm dễ mắc bệnh và khi mắc bệnh còn làm cho những người khác trong gia đình bị lây bệnh theo.
2. Tăng cường thể dục
Theo nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí y học AJM do các chuyên gia ở Trung tâm Y khoa Fred Hutchinson ở Seatle, Mỹ thực hiện ở 115 phụ nữ, một nhóm tập thể dục 45 phút ngày, 5 ngày/tuần và nhóm tập 45 phút, tần suất 1 lần/tuần trong thời gian kéo dài 1 năm.
Kết quả nhóm đầu giảm được nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh, cúm tới 4 lần so với nhóm sau.
Ngoài luyện tập, việc duy trì cuộc sống hoạt động còn có nhiều tác dụng khác giúp con người minh mẫn, năng động và làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.
Ngược lại, nếu duy trì cuộc sống tĩnh tại, ngại vận động sẽ làm cho cơ thể nặng nề, chậm chạp và phát sinh nhiều căn bệnh nan y vào cuối đời.
3. Rửa tay thường xuyên
Đây không chỉ là cách tốt nhất hạn chế các loại bệnh lây nhiễm mà còn được xem là một cuộc cách mạng lớn nhất trong lĩnh vực y học của nhân loại trong những năm gần đây, nhất là khi các loại bệnh lây nhiễm đang có chiều hướng gia tăng.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y học của Anh BMJ số ra gần đây cho thấy, việc rửa tay thường xuyên còn có tác dụng tốt hơn cả các loại thuốc kháng virus mà con người đang sử dụng.
Nhưng để đảm bảo hiệu quả phải rửa tay bằng xà phòng hoặc xà phòng diệt khuẩn với thời gian trên 20 giây/lần, nhất là sau hoặc trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hắt hơi hoặc dùng các môi chất gây bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với những người đang mắc bệnh, đang điều trị như các nhân viên y tế làm việc trong các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế, trung tâm dưỡng lão, chăm sóc người thiểu năng v.v...
4. Tăng cường ăn sữa chua
Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở ĐH California Mỹ (UOC), các probiotics (các vi khuẩn có ích cho cơ thể, nhất là hệ tiêu hóa) được xem là rất hữu ích giúp cho hệ thống miễn dịch cơ thể tấn công lại virus, vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh cảm cúm, cảm lạnh cũng như các loại bệnh thường gặp trong mùa đông.
Qua nghiên cứu ở các vận động viên được bổ sung probiotics, các chuyên gia ở UOC phát hiện thấy nhóm được tăng cường probiotics đã làm giảm được một nửa nguy cơ mắc các loại bệnh về đường hô hấp so với những người không được bổ sung.
Tuy nhiên để mang lại lợi ích thì mức bổ sung probiotics phải đạt từ 1-10 tỷ đơn vị (gọi theo chuyên môn là CFUs), trong đó sữa chua là nguồn thực phẩm giàu probiotics nhất.
5. Tăng cường ăn bông cải xanh
Bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn và nhóm rau xanh dạng mầm, lá thẫm hoặc các loại quả có màu sáng là nhóm thực phẩm có chứa nhiều dưỡng chất, giúp cơ thể khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch làm việc tốt, ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh do các gốc tự do hoặc các phản ứng bất lợi gây ra.
Nên ăn thường xuyên, đặc biệt là các loại rau được trồng bằng phương pháp hữu cơ, không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu mà người ta quen gọi là rau sạch.
6. Liệu pháp thảo dược
Mới đây các nhà khoa học ở Ontario, Canada đã kết thúc một nghiên cứu khoa học và phát hiện thấy các loại thảo dược, thuốc nam, thuốc bắc mà người châu Á thường dùng có tác dụng rất tốt trong việc tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế các loại bệnh phát triển trong mùa đông.
Ví dụ như nhân sâm sử dụng ngay sau khi có triệu chứng phát bệnh sẽ có tác dụng tích cực hoặc sử dụng các loại dược thảo dùng trong nước uống, xông hơi cũng có tác dụng tốt đối với các loại bệnh cảm cúm.
Sử dụng các loại rong biển cũng là giải pháp phòng bệnh tốt. Mới đây, các nhà khoa học Đức đã kết thúc một nghiên cứu và phát hiện thấy loại tảo xanh có tên là Spirulina có chứa rất nhiều hợp chất chữa bệnh như kẽm, vitamin C, chất chống ô xi hóa, chất chống viêm nhiễm.. và nếu dùng dài kỳ sẽ tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và giảm thiểu các loại bệnh cảm cúm.
Hiện nay người ta đang nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc chữa bệnh từ loại tảo này.
7. Bổ sung vitamin D
Các nhà khoa học Phần Lan vừa công bố nghiên cứu mới về Vitamin D và phát hiện thấy những người cơ thể có hàm lượng vitamin D thấp thường có tỷ lệ mắc các loại bệnh về đường hô hấp cao gấp 1,5 lần so với những người được bổ sung đầy đủ nguồn dưỡng chất này. Cũng trong thời gian trên các chuyên gia ở bệnh viện ĐH Winhorop (Mỹ) cũng kết thúc nghiên cứu về tác dụng của vitamin D đối với bệnh xương, cảm cúm ở những người phụ nữ gốc Phi.
Những người tình nguyện tham gia nghiên cứu được chia thành 2 tốp, một nhóm bổ sung vitamin D tới 2.000 IU (đơn vị quốc tế)/ngày và nhóm kia dùng giả dược để đối chứng.
Kết quả nhóm đầu giảm được trên 3 lần nguy cơ mắc bệnh về xương, cảm cúm so với nhóm dùng giả dược (placebo). Tại Canada hiện nay người ta khuyến cáo nên bổ sung 200 IU/ngày cho người lớn dưới 50 tuổi và 400 IU cho người trên 50 tuổi.
8. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin nhóm B
Chúng ta đã nghe thấy nói đến việc tiêm vitamin B12 để tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch nhưng đến nay chưa hề có bằng chứng nào chứng minh được điều này là tối ưu.
Vì vậy mà các nhà khoa học cho rằng chỉ cần ăn uống thực đơn khoa học có đủ vitamin nhóm B là có thể giúp cơ thể khỏe mạnh còn việc tiêm B12 là không cần thiết, đôi khi còn gây tốn tiền.
9. Tiêm phòng vắcxin đầy đủ
Mặc dù việc tiêm chủng vắcxin mới chỉ đạt mức hiệu quả ngừa bệnh 80% nhưng công bằng thì đây vẫn là liệu pháp ngăn ngừa bệnh tốt nhất hiện nay, đặc biệt là nhóm người có sức đề kháng kém như mắc các loại bệnh mãn tính, trẻ em, người già, phụ nữ có thai, vì vậy để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh mùa đông, đặc biệt là các loại bệnh lây lan thì việc tiêm phòng vắcxin là hết sức cần thiết.
Nên tiêm đủ liều, đúng lịch và tiến độ theo quy định của chuyên môn.
Khắc Nam
Theo Net/BTC-11/2009