Chào hỏi khi bắt máy
Hãy tạo cho mình thói quen bắt máy nghiêm túc khi có số lạ gọi điện vì người đó sẽ ấn tượng ngay với bạn khi cất tiếng nói. Nếu người gọi chưa giới thiệu, bạn hãy hỏi lại danh tính của họ để có thể đón nhận thông tin ngay lập tức và không bị các lỗi như nói quá lớn, giọng ngái ngủ hay nói cộc lốc... Ngoài ra, người gọi cũng cần biết liệu họ đã gọi đúng người hay chưa, vậy nên bạn hãy chào hỏi và giới thiệu về bản thân ngắn gọn.
Lựa chọn không gian yên tĩnh
Một cuộc phỏng vấn việc làm qua điện thoại nên được diễn ra trong không gian yên tĩnh, hoặc ít nhất không phải là giữa đám đông ồn ào. Nếu nhận được cuộc gọi khi bạn ở một mình hoặc ở những địa điểm riêng tư thì rất dễ dàng để trao đổi. Nhưng nếu bạn đang ở một nơi công cộng, nhiều tiếng xe cộ hoặc tiếng nói chuyện, bạn nên xin phép vài giây và tìm một chỗ bớt ồn ào hơn để bắt đầu cuộc phỏng vấn.
Giọng nói nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng, rành mạch
Cho dù là phỏng vấn qua điện thoại, bạn vẫn có thể hồi hộp và lo lắng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng giọng nói nhỏ hoặc nói quá nhanh. Người nghe hoàn toàn có thể nhận ra những biểu hiện lo lắng đó qua giọng nói của bạn. Mẹo để bạn bình tĩnh và trả lời tốt nhất là hãy ngừng một, hai giây để suy nghĩ về điều mình sẽ nói, sau đó nói từng câu chữ rõ ràng với tốc độ bình thường. Để tự nhiên hơn, bạn có thể cười không thành tiếng khi trả lời. Hơn nữa, nhà tuyển dụng đang phỏng vấn bằng điện thoại nên không thể nhìn thấy gương mặt hay ngôn ngữ cơ thể của bạn. Vậy nên, tất cả những gì bạn cần làm là thể hiện qua giọng nói nhẹ nhàng, rõ ràng và tự nhiên.
Tránh cắt ngang lời người phỏng vấn
Cắt ngang lời nói người khác khi họ chưa dứt câu bị coi là điều tối kỵ trong giao tiếp. Hơn nữa, đây còn là một buổi phỏng vấn thì bạn cần phải cẩn thận để tránh điều này xảy ra. Hãy tập trung lắng nghe người phỏng vấn nói và đặt câu hỏi, khi nào họ dứt câu bạn mới nên bắt đầu trả lời. Trong trường hợp bạn còn phân vân không biết nhà tuyển dụng đã hỏi xong chưa, hay chưa hiểu rõ câu hỏi, bạn hãy lịch sự hỏi lại một cách từ tốn. Biết cách lắng nghe và trả lời đúng thời điểm sẽ là một điểm cộng cho vòng phỏng vấn của bạn.
Luôn ghi nhớ những thông tin trong hồ sơ/CV
Điều này hết sức cần thiết vì người phỏng vấn thường sẽ dựa vào những thông tin bạn ghi trong CV để đặt câu hỏi. Nếu là một cuộc phỏng vấn hẹn trước, bạn nên đặt CV bên cạnh để có thể bổ sung thông tin kịp thời. Ngược lại, đó là cuộc gọi bất ngờ thì bạn hãy cố gắng nhớ lại những thông tin đã viết trong hồ sơ, tránh trường hợp trả lời sai lệch với những gì đã viết.
Tự đặt câu hỏi và luyện tập trả lời trước
Nếu bạn không chắc những câu hỏi sẽ được hỏi thì những bài viết về kỹ năng phỏng vấn thông dụng trên các trang tin việc làm sẽ là nguồn thông tin rất hữu ích cho bạn. Hoặc bạn cũng nên hỏi bạn bè, những người nhiều kinh nghiệm hơn để có thể chuẩn bị và tập dượt trước khi cuộc gọi bất ngờ tới. Hãy coi đây như là một buổi phỏng vấn trực tiếp, và bạn cũng nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng để được đánh giá cao hơn. Vậy nên, chuẩn bị trước sẽ giúp bạn chủ động và kiểm soát mọi thứ tốt hơn.
Gửi mail hỏi thăm về kết quả phỏng vấn
Gửi một bức email sau buổi phỏng vấn qua điện thoại khoảng một tuần là điều bạn nên làm để theo dõi thông tin. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một mốc thời gian hoặc khoảng thời gian dự trù để thông báo kết quả. Nếu đến thời điểm đó bạn vẫn chưa nhận được thông báo, bạn có thể chờ thêm một, hai ngày sau đó rồi gửi email hỏi về kết quả. Đừng quên chào hỏi, cảm ơn và giới thiệu bản thân trong email để nhà tuyển dụng nhớ bạn là ai nhé.