TPO - Huyết áp cao có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Mặc dù bạn có thể cảm thấy khỏe, huyết áp cao trong nhiều năm sẽ từ từ gây ra tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể. Nó có thể làm hỏng tim và thận của bạn. Tuy nhiên, việc điều trị đúng cách có thể làm cho huyết áp của bạn trở lại mức bình thường.
Có nhiều cách để giảm huyết áp. Sử dụng thuốc là một cách, hoặc thay đổi lối sống. Thông thường phải sử dụng song hành cả hai cách để kiểm soát cao huyết áp. 1. Dừng hút thuốc lá
Khi bạn hút thuốc, huyết áp của bạn sẽ tăng lên và vẫn tiếp tục tăng trong một khoảng thời gian sau khi đã ngừng hút. Các sản phẩm thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng có thể làm tăng huyết áp. Vì vậy, nếu bị cao huyết áp, bạn nên tránh tất cả các dạng thuốc lá.
Từ bỏ thói quen hút thuốc cũng làm giảm nguy cơ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và bệnh tim.
Có nhiều cách để giúp bạn bỏ thuốc lá, chẳng hạn như uống thuốc theo đơn của bác sĩ, hoặc sử dụng các liệu pháp thay thế nicotine khác. Có một số trường hợp còn dùng cả thuật thôi miên để giúp bạn loại bỏ thói quen này. 2. Giữ trọng lượng cơ thể ở mức khỏe mạnh Người có trọng lượng cơ thể cao hơn thường đồng nghĩa với có huyết áp cao hơn. Nếu thừa cân hoặc béo phì, bạn nên nhớ, chỉ cần giảm 5k cũng đã có thể giúp hạ huyết áp. Để giảm cân, hãy ăn những loại thức ăn tạo ra ít calo hơn đồng thời tăng hoạt động thể chất. Cố gắng thực hiện một chương trình cho phép bạn giảm cân từ từ. Đó là cách tốt nhất để đảm bảo trọng lượng cơ thể không tăng trở lại. 3. Thực hiện ăn kiêng
Cá là một loại thực phẩm lành mạnh
Ăn kiêng là áp dụng một chế độ ăn uống nhằm ngăn chặn tăng huyết áp. Ăn nhiều rau, hoa, quả, các loại đạm từ thịt nạc, như thịt gà và cá. Ăn ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít chất béo. Hạn chế ăn muối, vì muối cũng làm tăng huyết áp. 4. Tập thể dục Duy trì hoạt động thể chất có thể giúp hạ huyết áp. Tất nhiên, bạn cũng không cần phải chạy marathon. Tất cả những gì bạn cần là 30 phút hoạt động thể chất vừa phải vào hầu hết các ngày trong tuần. Bạn thậm chí có thể chia nhỏ 30 phút thành các lượt ngắn hơn. Ví dụ, hãy thử 15 phút làm vườn vào buổi sáng. Sau đó đi bộ 15 phút vào một thời điểm nào đó trong ngày. Đầu tư một thiết bị theo dõi huyết áp tại nhà để theo dõi huyết áp hàng ngày của bạn theo thời gian. Bạn sẽ có thể thấy tập thể dục và chế độ ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến huyết áp của bạn, đó là một vòng phản hồi hữu ích. 5. Dùng thuốc theo đơn Chế độ ăn uống và tập thể dục đôi khi không đủ để hạ huyết áp. Bác sĩ lúc đó có thể kê toa thuốc giúp bạn đạt được mục đích. Có nhiều loại thuốc cho bệnh cao huyết áp. Chúng bao gồm thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh calci và thuốc giãn mạch. Các bác sĩ sẽ cố gắng lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất với bạn. Công việc của bạn là uống thuốc theo chỉ dẫn, ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe. 6. Hạn chế rượu, bia
Sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn có thể làm cho huyết áp của bạn tăng lên. Đàn ông nên tự giới hạn hai ly mỗi ngày, còn phụ nữ chỉ nên uống một ly. Uống ít rượu cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh khác, như: đột quỵ, béo phì và bệnh tim. Nếu bạn cảm thấy khó cắt giảm, hãy tìm tới bác sĩ để được giúp đỡ một cách hiệu quả. 7. Giảm căng thẳng
Tập luyện yoga cũng là một cách để giảm bớt căng thẳng
Các tình huống căng thẳng có thể làm cho huyết áp của bạn tăng lên trong một thời gian ngắn. Nhưng sự căng thẳng liên tục mang tới ảnh hưởng lâu dài hơn. Ví dụ, căng thẳng do làm việc nhiều giờ, ngày qua ngày, có thể dẫn đến thói quen không lành mạnh. Bạn sẽ có xu hướng ăn quá nhiều hoặc uống quá nhiều rượu. Thói quen đó có thể dẫn đến, hoặc làm trầm trọng thêm chứng huyết áp cao. Vì vậy, hãy thực hiện các bước để giảm căng thẳng trong cuộc sống. Cố gắng giới hạn số lượng công việc. Tránh kích thích căng thẳng cá nhân càng nhiều càng tốt. Hãy dành 15 phút thư giãn và nghỉ ngơi trong mỗi ngày làm việc, điều đó sẽ tốt cho huyết áp của bạn.
Theo Healthgrades