Cụ thể, tính tới ngày 20/11, NHCSXH tỉnh các tỉnh, thành phố đã tổ chức ký hợp đồng tín dụng và giải ngân chính sách cho vay trả lương ngừng việc cho hơn 60 doanh nghiệp trên cả nước, tương ứng với số lao động 2.400 lao động. Nguồn kinh phí được lấy từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng.
Theo NHCSXH, khách hàng được phê duyệt cho vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020; Có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
Khách hàng tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay theo quy định tại Quyết định số 32/2020.
Khách hàng đủ điều kiện vay vốn sẽ được vay tối đa 1 tháng của 1 khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng (x) số người lao động bị ngừng việc và mỗi khách hàng được vay vốn không quá 3 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020, với lãi suất 0%, thời hạn 12 tháng, lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm.
Các chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố khác trong hệ thống vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng khách hàng hoàn thiện hồ sơ và lên kế hoạch giải ngân. Việc giải ngân được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021.
Trước đó, gói vay 16 nghìn tỷ đồng có nhiều điều kiện khắt khe khiến không có doanh nghiệp nào vay được. Ngày 19/10, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để giảm bớt một số điều kiện gói vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tiền.