6 vướng mắc của nền kinh tế cần tháo gỡ

6 vướng mắc của nền kinh tế cần tháo gỡ
TPO - Tại phiên khai mạc Quốc hội sáng nay, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh việc giải quyết 6 “vướng mắc” của nền kinh tế. Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 xuống 5%.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy trong số 25 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch năm 2008 có 3 chỉ tiêu đạt thấp hơn mức đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp trước, đó là: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và độ che phủ rừng.

Có 6 chỉ tiêu đạt tốt hơn so với mức đã báo cáo Quốc hội, đó là: tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tổng thu ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng, số địa phương đạt chuẩn chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề, tỷ lệ hộ nghèo. 

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008 và tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết để ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo tạm hoãn thu hồi các khoản vốn đầu tư đã ứng trước của kế hoạch năm 2009 và tiếp tục cho tạm ứng thêm đối với các giải pháp cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2009 và 2010, cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn còn lại của kế hoạch năm 2008 đến hết tháng 6/2009.

Cùng với đó Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp miễn, giảm, giãn, điều chỉnh thuế suất cho một số đối tượng nhất định. Chính phủ cũng triển khai gói kích thích kinh tế 17.000 tỉ đồng hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp...

Những biện pháp này đã góp phần đưa tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra 6 khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Theo đó, GDP quý I/2009 chỉ tăng 3,1%. Dù nhiều chỉ tiêu phát triển của các ngành sản xuất, kinh doanh tuy đã tăng dần trong tháng 4, tháng 5 nhưng vẫn đạt thấp hơn mục tiêu kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Cùng với đó suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu trong khi cơ cấu hàng xuất khẩu của ta chưa được cải thiện nhiều, năng lực cạnh tranh của hàng hoá còn thấp. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm chỉ đạt 18,64 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2008.

Về mặt cân đối ngân sách, do sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách nhà nước bị co hẹp, trong khi nhu cầu chi lại tăng lên, buộc phải có những biện pháp cân đối bổ sung.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và những tác động do sản xuất bị thu hẹp, công tác giải quyết việc làm và đời sống nhân dân ở nhiều vùng còn khó khăn.

Các chế độ, chính sách an sinh xã hội triển khai chậm, lúng túng và còn có hiện tượng tiêu cực.

Vấn đề cần tập trung giải quyết nữa là ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh vẫn đang là những vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

“Trong thời gian tới sẽ tập trung thực các giải pháp quyết liệt với những trọng tâm như sử dụng tốt các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực của nền kinh tế cả về cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề xử lý tốt các "điểm nghẽn phát triển"- Phó Thủ tướng cho biết.

Ngoài ra Chính phủ tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay vốn cố định nhằm giúp các doanh nghiệp tận dụng thời cơ giá thấp để đầu tư trang thiết bị, công nghệ, tăng năng lực sản xuất cũng như đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế xã hội,trong đó có điều chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%.

Tăng trưởng 5% là một thách thức lớn

Xin phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Cùng với việc xin điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế xã hội, Chính phủ cũng đề nghị cho phép điều chỉnh bổ sung mức phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 20.000 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu và một số chính sách quan trọng khác trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Đánh giá tổng quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2008), có 10 chỉ tiêu có thay đổi, trong đó có 6 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn, như: chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn 4,11%; tổng thu cân đối NSNN tăng 4,45% (17.783 tỷ đồng), tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn 0,6-1%, tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 21,6% so với số đã báo cáo Quốc hội.

“Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, bất lợi cả từ bên trong và bên ngoài, những kết quả đạt được trong năm 2008 là tích cực. Về cơ bản đã đạt được mục tiêu tổng quát nêu trong Nghị quyết của Quốc hội”- Ủy ban Kinh tế nhận xét.

Về đề xuất của Chính phủ liên quan đến các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, ông Hiền cho biết hầu hết các ý kiến trong Ủy ban đều đề nghị cần điều chỉnh giảm, nhưng đề xuất các mức khác nhau, cụ thể là: 5-5,5%, 5%, 4,5-5% hoặc thấp hơn.

Các ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, do tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,1% nên mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả năm 5% là một thách thức rất lớn. Bởi vì, qua tính toán sơ bộ, giả định GDP có tốc độ tăng dần qua các quý, muốn đạt tăng trưởng bình quân cả năm 5% thì phải có gia tốc tăng mỗi quý còn lại là khoảng 1,3%, theo đó, quý II đạt 4,4%, quý III đạt 5,7%, quý IV đạt 7%; tức là đã đạt gần mức tăng của quý I năm 2008 (giai đoạn trước khủng hoảng).

“Đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo phân tích làm rõ cơ sở và tính thực tế của việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5% để Quốc hội xem xét, quyết định”- Ông Hiền cho biết.

Về gói kích cầu của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị phải tăng cường công tác kiểm tra của Chính phủ và giám sát của Quốc hội để số tiền hỗ trợ đến được đúng địa chỉ cần thiết, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, thực sự góp phần kích thích kinh tế.

4 vấn đề Quốc hội sẽ xem xét tại kỳ họp này

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề sau đây:

Một là, xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2009; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007; cho ý kiến về đề án đổi mới cơ chế tài chính của Giáo dục đào tạo giai đoạn 2009 - 2014; xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Hai là, thảo luận và thông qua 12 dự án luật và 01 nghị quyết. Đó là: Luật quản lý nợ công, Luật lý lịch tư pháp; Luật bồi thường nhà nước; Luật quy hoạch đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật quản lý thuế; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

Cho ý kiến về 6 dự án Luật khác. Đó là: Luật người cao tuổi; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật viễn thông; Luật tần số vô tuyến điện; Luật cơ yếu; Luật dân quân tự vệ.

Ba là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; và một số báo cáo chuyên đề khác.

Bốn là, tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La; các báo cáo giám sát chuyên đề thuộc lĩnh vực do Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thực hiện; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

(Trích Diễn văn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII).

 
MỚI - NÓNG
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
TPO - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, công bố quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 17/1 hằng năm làm Ngày truyền thống của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại buổi lễ.