1. Hiểu rõ về ADHD
Trước tiên và quan trọng nhất, cha mẹ cần hiểu rõ về ADHD là gì và biểu hiện của ADHD trên trẻ. Thời gian khởi bệnh của ADHD khá sớm, trước 7 tuổi, các biểu hiện của trẻ thường theo tình huống và kéo dài nhiều năm. Biểu hiện đặc trưng của trẻ là sự thiếu chú ý, gây ra sự khó khăn trong việc tập trung, kiểm soát hành vi và cảm xúc. Trẻ có thể có những biểu hiện về hoạt động quá mức trong vận động và lời nói: con có thể chạy, nhảy liên tục quanh phòng hoặc đứng dậy khỏi chỗ trong chi được yêu cầu ngồi yên, nói quá mức và làm ồn, hoặc cựa quậy không ngừng trong khi ngồi, v.v. Ngoài ra, trẻ có biểu hiện về xung động như thiếu kiềm chế trong hoạt động, lời nói; thiếu kiểm soát trong những hoàn cảnh nguy hiểm; coi thường các quy tắc xã hội, v.v.
Chứng ADHD có thể gây các ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ như: trẻ có kết quả học tập kém, trẻ khó xây dựng và duy trì các mối quan hệ phù hợp, trẻ bị kỳ thị - xa lánh, trẻ bị trêu ghẹo và bắt nạt, trẻ dễ gặp tai nạn dẫn đến thương tích, v.v. Trong khi đó, cha mẹ cũng gặp áp lực về dư luận xã hội, suy nghĩ tự đổ lỗi, hay khó tìm cách đối diện và hướng dẫn con. Tuy nhiên, cần nhớ rằng con mắc ADHD không phải lỗi của cha mẹ, chứng ADHD có thể được điều trị và quản lý một cách hiệu quả bằng cách phối hợp nhiều phương pháp như: điều trị thuốc, điều chỉnh hành vi, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ từ cộng đồng. Vì vậy, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy dành thời gian nghiên cứu và hiểu được các triệu chứng cụ thể của con để xây dựng phương pháp giáo dục và hỗ trợ phù hợp.
2. Xây dựng một môi trường ủng hộ
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Long, cha mẹ có thể xây dựng một môi trường ủng hộ, có những quy tắc đặc biệt hơn với con cái. Một số gợi ý cho các gia đình bao gồm:
(1) Thiết lập thời gian biểu trong sinh hoạt, học tập và vui chơi hàng ngày hợp lý cho con và cùng con tuân thủ thực hiện. Thời gian biểu cũng cần đặt ở chỗ cha mẹ và trẻ luôn nhìn thấy được và cần được thông báo cho trẻ nếu có thay đổi.
(2) Chia các nhiệm vụ thành nhiều bước để giúp trẻ thực hiện dễ dàng hơn. Cha mẹ có thể cân nhắc việc liệt kê ra giấy, hoặc biểu đồ, hay các tờ giấy nhỏ dán ở tường hoặc bàn. Trẻ cần được hỗ trợ thực hiện theo phương pháp cầm tay chỉ việc hoặc nhắc nhở bằng lời. Cha mẹ nên khen ngợi trẻ mỗi khi con hoàn thành từng nhiệm vụ nhỏ.
(3) Thiết lập sự chú ý khi giao tiếp: Vì nhiều trẻ ADHD thường không trật tự ngăn nắp (trong tư duy) và đôi khi gặp khó khăn khi thuật lại sự việc một cách chính xác và liền mạch, nên khi ở nhà, cha mẹ nên thường xuyên hỏi một cách nhẹ nhàng “ai, cái gì, ở đâu, và khi nào” hoặc đưa ra các câu hỏi đơn giản, lặp lại và hướng dẫn con. Cha mẹ cũng nên thường xuyên nói với trẻ rằng mình yêu thương, đang đồng hành và sẵn sàng giúp trẻ.
Cha mẹ cũng nên giúp các thành viên khác trong gia đình hiểu sự khác biệt của trẻ mắc ADHD để cho con một môi trường an toàn trong chính gia đình.
3. Phối hợp với nhà trường và giáo viên
Một trong những phần quan trọng nhất của việc chăm sóc con mắc chứng rối loạn ADHD là sử dụng các phương pháp giáo dục phù hợp. Cha mẹ có thể cân nhắc việc lựa chọn trường, lớp phù hợp với con, phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên để tạo môi trường học tập tốt nhất cho con.
Trẻ ADHD có những suy nghĩ và hành động đặc biệt hơn so với các bạn cùng trang lứa, vì vậy, cha mẹ cần trao đổi với giáo viên để họ hiểu được tình trạng của trẻ. Một số nề nếp ở nhà nên được tiếp tục thực hiện ở trường. Trẻ cần được đánh giá chuyên sâu để hưởng chế độ giáo dục đặc biệt, ví dụ: thêm thời gian khi làm bài kiểm tra, ngồi bàn đầu, phòng đặc biệt một số giờ, v.v. Cha mẹ cũng cần thường xuyên trao đổi thông tin với giáo viên, thiết lập các mục tiêu cùng giáo viên: chia sẻ các mong đợi, cùng viết ra các mục tiêu cụ thể và thực tế, cách đạt được các mục tiêu đó.
4. Thúc đẩy hoạt động thể chất và sự tương tác xã hội
Hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý các triệu chứng của ADHD. Cha mẹ nên khuyến khích con tham gia vào các hoạt động thể chất, như thể dục hàng ngày hoặc các môn thể thao yêu thích của trẻ. Đồng thời, cũng quan trọng là thúc đẩy sự tương tác xã hội, giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội tích cực.
5. Các hình thức khen thưởng và hình phạt
Trẻ nên được khen thưởng khi đáp ứng đúng, dù là một việc nhỏ nhất. Cha mẹ nên khen thưởng ngay lập tức sau khi con hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các hình thức khen thưởng nên đa dạng cả phần thưởng và lời nói, đặc biệt phải mang tính cá nhân với trẻ. Cha mẹ có thể cân nhắc hệ thống quy đổi thưởng với con, nguyên tắc này có thể tùy chỉnh với các gia đình.
Liên quan đến việc phạt trẻ, cha mẹ cần lưu ý quy tắc “Trừng phạt hành vi xấu của trẻ chứ không trừng phạt bản thân trẻ”. Việc này cũng thực hiện ngay sau trẻ phạm lỗi, để trẻ có sự liên hệ giữa hành vi sai của mình với hình phạt sau đó. Cha mẹ không nên buộc tội, cằn nhằn, không tiếp tục nhắc lại hành vi xấu của trẻ trong quá khứ và cần bình tĩnh, không nổi giận khi đưa ra kỷ luật cho trẻ.
6. Tạo ra một môi trường sống cân đối
Cuối cùng, cha mẹ cần tạo ra một môi trường sống cân đối cho con. Điều này bao gồm việc giữ cho con có đủ giấc ngủ, ăn uống lành mạnh và thực hiện các hoạt động giải trí cần thiết. Một môi trường sống cân đối giúp tăng cường sức khỏe tinh thần và giảm các triệu chứng của ADHD.
Chăm sóc con mắc chứng rối loạn ADHD đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết và sự nhất quán từ phía cha mẹ. Bằng cách hiểu rõ về chứng rối loạn này và thực hiện các phương pháp chăm sóc phù hợp, cha mẹ có thể đồng hành con phát triển.
Những nội dung trên được Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Long và các giảng viên, bác sĩ đến từ Trường Đại học Y Hà Nội tập huấn cho các phụ huynh học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Châu Hội (Quỳ Châu, Nghệ An) trong dự án Trường học Hạnh phúc năm học 2023-2024. Đây là năm đầu tiên Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Y Hà Nội triển khai chương trình hợp tác về y học cộng đồng trong khuôn khổ dự án.
Theo đó, các bác sĩ, giảng viên đã thực hiện 16 tập huấn với 4 nội dung chính: dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, chăm sóc răng miệng ở trẻ em, nhận biết và hỗ trợ trẻ tăng động giảm chú ý, và phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước và sơ cấp cứu cho trẻ em. Các tập huấn nhận được sự hưởng ứng tích cực của 500 giáo viên, học sinh, phụ huynh của các trường tiểu học trên địa bàn huyện Quỳ Châu, nâng tổng số người hưởng lợi của dự án lên đến 6.717 người.
Các hoạt động giúp đạt mục tiêu của hai đơn vị khi cung cấp kiến thức y học cơ bản và kỹ năng thực hành chuẩn khoa học cho cộng đồng, từ đó, từng cá nhân có thể tự chăm sóc bản thân, cộng đồng, và đặc biệt là trẻ em, đảm bảo cho tương lai bền vững cho thế hệ trẻ, từng bước nâng tầm vóc Việt.
Dự án Trường học hạnh phúc là một dự án dài hạn được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) triển khai từ năm học 2022-2023 tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La. Trong năm học 2023-2024, dự án tiếp tục mang những hoạt động ý nghĩa đến tỉnh Nghệ An với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á. Dự án là một giải pháp tổng thể nhằm góp phần cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cho giáo viên và học sinh ở các trường học ở các vùng miền khó khăn. Đây là một trong những nỗ lực tiếp theo của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt nhằm đóng góp cho các Chương trình Mục tiêu quốc gia và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.