Chuẩn bị thật kỹ trước buổi phỏng vấn
Chuẩn bị chu đáo là một trong những cách tốt nhất để tránh cảm giác lo lắng khi phỏng vấn. Bạn không thể biết trước mình sẽ gặp điều gì nhưng bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị tâm lý cho bản thân thật tốt bằng việc chuẩn bị trang phục phỏng vấn phù hợp, tìm hiểu và ghi nhớ những điều quan trọng về công ty bạn sắp ứng tuyển.
Trước khi phỏng vấn, bạn cần đến sớm hơn khoảng 10 - 15 phút trước giờ hẹn, giúp đầu óc bạn tỉnh táo và quen với không khí nơi phỏng vấn. Bạn cũng nên nghĩ trước về các câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi và cách trả lời chúng khi còn ở nhà.
Bạn sẽ rất khó xử nếu đi phỏng vấn xin việc mà không biết chút gì, điều đó tương tự như việc đi thi mà không học bài vậy. Do đó, hãy suy nghĩ về các kỹ năng hoặc điểm mạnh cụ thể mà người phỏng vấn muốn thấy. Xem lại những gì cần nói trước khi phỏng vấn có thể giúp bạn nhớ lại thông tin quan trọng khi được hỏi, nâng cao cơ hội tìm việc nhanh chóng.
Kiểm soát hơi thở của mình
Kiểm soát hơi thở của bạn là chiến thuật tâm lý giúp bạn thoát khỏi nỗi sợ khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc cực kỳ hữu dụng.
Hít thở sâu là một trong những cách có lợi nhất để chế ngự sự lo lắng và hồi hộp. Hãy hít thở sâu, hít sâu vào mũi và thở ra bằng miệng vài lần ngay trước cuộc phỏng vấn của bạn để bình tĩnh và thư giãn. Nếu cảm thấy lo lắng hoặc bối rối trước các câu hỏi của nhà tuyển dụng, bạn nên dừng lại một chút và hít một hơi thật sâu. Điều này có thể giúp bạn tập trung trở lại.
Thay đổi suy nghĩ
Nhiều bạn sinh viên nghĩ rằng các cuộc phỏng vấn việc làm như các cuộc “thẩm vấn”. Họ cảm thấy như họ không được phạm sai lầm vì sợ bị đánh giá. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là bạn cũng đang phỏng vấn nhà tuyển dụng để xem công việc đó có phù hợp với bạn không.
Hãy xem cuộc phỏng vấn là một cuộc trao đổi và trò truyện giữa hai người đang tìm hiểu nhau. Điều này có thể làm giảm bớt một số cảm giác áp lực và giúp bạn cảm thấy bớt nỗi sợ cả trước và trong khi phỏng vấn.
Duy trì thái độ tích cực
Bạn chưa bao giờ tham gia bất kỳ buổi phỏng vấn xin việc nào trước đó, điều này làm bạn run và lo lắng, bất an. Hành động tự tin và suy nghĩ tích cực thực sự có thể giúp bạn cảm thấy khá hơn, ngay cả khi bạn không thực sự cảm thấy như vậy.
Giao tiếp phi ngôn ngữ một cách tích cực, như mỉm cười, ngồi thẳng lưng, có thể giúp bạn bớt lo lắng và cảm thấy thoải mái hơn. Nghe một bản nhạc vui trong khi chờ đến lượt phỏng vấn có thể tiếp thêm năng lượng cho bạn và khiến bạn cảm thấy tự tin hơn về bản thân.
Mặt khác, đừng ép buộc bản thân phải bình tĩnh vì điều này chỉ làm bạn thêm căng thẳng. Hãy để mọi thứ thật tự nhiên, cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc chỉ là một dấu hiệu cho thấy bạn chưa tự tin về bản thân mình.
Viết ra những điều làm bạn căng thẳng
Tạo một danh sách tất cả mọi thứ xuất hiện trong suy nghĩ làm bạn căng thẳng, lo lẳng là cách giúp bạn “nhìn rõ” chúng để thoát khỏi nỗi sợ mơ hồ khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc. Viết có thể là một trong những chiến thuật tâm lý hữu ích nhất mà bạn có thể làm để giảm bớt sự lo lắng. Đầu óc bạn sẽ được bình tĩnh lại khi tìm thấy và giải quyết những căng thẳng đó.
Nói chậm
Sự lo lắng có xu hướng làm cho bạn nói quá nhanh hoặc vấp khi nói. Vì vậy, hãy nói chậm lại và đừng sợ việc tạm dừng. Nếu bạn chạy đua để lấp đầy mọi sự im lặng quá nhanh, có khả năng bạn sẽ thốt ra điều gì đó mà bạn sẽ hối tiếc. Người phỏng vấn cũng mong bạn tạm dừng và suy nghĩ trước khi trả lời những câu hỏi phức tạp.
Nếu việc tạm dừng khiến bạn bắt đầu cảm thấy khó xử, bạn có thể nói điều gì đó ví dụ như: “Đó là một câu hỏi hay! Tôi cần suy nghĩ một chút để tìm ra câu trả lời chính xác nhất.”
Dù bạn làm gì, hãy bình tĩnh và tập trung trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc. Đừng để một câu hỏi khó khiến bạn trở nên lúng túng và làm ảnh hưởng đến giai đoạn tiếp theo. Tập trung xử lý tốt các câu hỏi sau đó và kết thúc cuộc phỏng vấn theo cách tốt nhất bạn có thể làm. Hãy tin rằng bạn sẽ làm tốt nhất có thể!