Từ chiếc “camera ngựa trời”
Dịp kỷ niệm 95 năm báo chí Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày chiếc máy quay “ngựa trời” đánh dấu sự khai sinh của truyền hình Việt Nam. Trong ký ức của nhà báo Nguyễn Văn Vinh, nguyên Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền Đối ngoại (VTV), để chuẩn bị cho ngày lên sóng 7/9/1970, một đội chuẩn bị làm truyền hình được thành lập với yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền hình tối thiểu gồm trường quay với camera điện tử, máy phát sóng truyền hình, ăng ten phát sóng, máy thu hình.
Không có ngoại tệ mua thiết bị nước ngoài, lãnh đạo đài động viên anh em tự lực sáng tạo, lắp các thiết bị truyền hình với linh kiện điện tử phát thanh sẵn có. Thiếu thốn trăm bề, bộ phận quan trọng nhất là ống thu hình super orthicon không có. Tổng biên tập thời ấy là ông Trần Lâm viết thư xin hai ống thu hình quá hạn sử dụng của Liên Xô để mang về nước làm máy quay thử nghiệm. Sau rất nhiều lần mày mò thử nghiệm, hai chiếc camera điện tử với hình dáng kỳ cục ra đời. Dù một số tính năng chưa hoàn thiện nhưng có thể cho ra hình ảnh, lần lượt được mang số hiệu NT1, NT2. Tên gọi này bắt nguồn từ tên loại súng “Ngựa trời” là súng tự chế của quân Giải phóng miền Nam sử dụng trong chiến đấu.
“Camera ngựa trời” đảm bảo chương trình phát sóng lịch sử vào 19h tối 7/9/1970 từ studio ở 58 Quán Sứ, kéo dài gần hai tiếng đồng hồ với chương trình Thời sự, Những bông hoa nhỏ và Ca nhạc. Để tránh rủi ro mất hình, các đạo diễn đề nghị giữ camera cố định, chỉ sử dụng một ống kính, phải điều chỉnh khoảng cách của phát thanh viên và giá để bảng chữ sao cho camera chỉ lia qua lia lại để bắt hình. Mỗi lần chuyển cảnh phải đậy nắp ống kính, khán giả trong trường quay vừa xem cảnh thật vừa xem hình trên monitor.
Bà Thùy Vân, nữ quay phim đầu tiên của VTV nhớ lại hôm phát sóng đầu tiên được giao nhiệm vụ đặc biệt. “Vì chúng tôi phát thẳng, mỗi một lần chuyển hình anh quay phim che ống kính lại, tôi lại rút hình ra. Ngay trong trường quay buổi truyền hình đầu tiên rất lộn xộn, cuống quýt, ai cũng cuống. Tôi rất sợ, đến nỗi đánh rơi cả hình ảnh. Tôi chỉ sợ bị mắng nhưng tôi lại nhe răng ra cười. Không ai có thể tưởng tượng được đây là buổi phát hình”, bà Thùy Vân kể.
Hình ảnh ghi hình đầu tiên thời camera Ngựa trời
Suốt mấy năm trời chưa có thiết bị ghi hình, toàn bộ chương trình đều được quay và phát trực tiếp như thế, từ bản tin thời sự tới chương trình âm nhạc, thiếu nhi, thậm chí có cả những vở kịch dài. Máy quay đặt một chỗ để lấy nét cố định, vì phóng viên bị bắt đứng đúng một chỗ, cấm di chuyển. Những người làm truyền hình thời nay dễ dàng tiếp cận công nghệ và được hỗ trợ tối đa, với các thiết bị ghi hình trên trời (flyingcam), dưới biển như GoPro, nhưng các thế hệ VTV vẫn kể cho nhau nghe về huyền thoại máy quay Ngựa trời - gánh sứ mệnh lịch sử.
Thế hệ vàng VTV
Nhắc tới Đài truyền hình Việt Nam, khán giả các thế hệ không thể quên nhiều cái tên của thế hệ lên hình đời đầu như NSƯT Kim Tiến, Mạnh Tường, biên tập viên Minh Trí, Thanh Hùng, Bích Ngọc (Những bông hoa nhỏ). Tới nay chỉ bốn phát thanh viên NSƯT Kim Tiến, NSƯT Mạnh Tường, Minh Trí, Thanh Hùng được nhận danh hiệu NSƯT. Kim Tiến thi thoảng xuất hiện trên sóng VTV, những gương mặt còn lại đều vắng bóng.
Dù vậy khán giả vẫn nhớ giọng đọc sáng rõ của NSƯT Thanh Hùng, hay cặp bài trùng Kim Tiến- Minh Trí. Minh Trí gắn với hình ảnh phát thanh viên mái tóc rẽ ngôi và giọng đọc ấm chuẩn Hà Nội. Phát thanh viên thời bấy giờ không chỉ lên hình, còn đóng góp giọng nói trong nhiều bộ phim mua bản quyền nước ngoài. Sau này, đội ngũ thuyết minh phim còn có Kim Oanh, giọng đọc lạnh và hiện đại hơn.
Trong dàn phát thanh viên đời đầu ấy, NSƯT Kim Tiến có vẻ sung sức nhất, chịu khó lên hình ôn chuyện thuở hồng hoang của VTV. Không trúng tuyển kỳ thi tuyển chính thức năm 1970, Kim Tiến đành đầu quân về đội múa của Ban Văn nghệ, một thời gian sau mới được lên hình. Kim Tiến kể từng bị khán giả chê giọng nói “hổn hển như hết hơi”. Ban đầu bà rất hoảng, do chưa có kỹ thuật lấy hơi và cái “tội” răng hở. Bà cố gắng lấy hơi rất mạnh và nói to hơn, nhưng sau phát hiện ra lỗi do kỹ thuật, bà quay trở lại cách nói bình thường để giọng đọc bớt khô cứng khi lên sóng.
Không chỉ làm riêng chương trình phát thanh viên bản tin thời sự, Kim Tiến còn đảm đương nhiều chuyên mục. Phải chạy đi chạy lại làm các chuyên mục, trường quay mỗi chương trình một khác nên nhiều khi Kim Tiến phải chạy xe máy trong khuôn viên đài cho kịp giờ lên hình. Phát thanh viên luôn phải đóng bộ áo dài nghiêm chỉnh, nhưng nhiều khi đi xe máy bất tiện, nên họ biến tấu thành áo dài tà ngắn và mặc quần bò cho năng động.
Trong đêm trao giải VTV Awards 2020 (Ấn tượng VTV) tối 5/9, NSƯT Kim Tiến trước khi trao giải Dẫn chương trình ấn tượng cho BTV Trần Việt Hoàng (Chuyển động 24h) nhắn nhủ: dù 50 năm qua truyền hình qua nhiều đổi thay, nhưng vai trò biên tập viên không thay đổi: Là cầu nối với khán giả.
Thương hiệu VTV trong suốt 50 năm qua được vun đắp từ nhiều thế hệ nối tiếp, tạo nên nhiều chương trình ấn tượng. Đó là những Trần Đức Tiến, Trần Bình Minh, Trần Đăng Tuấn, Lại Văn Sâm của thời ra đời VKT (Văn hóa-Khoa học-Thể thao). Văn nghệ Chủ nhật là chương trình được trông đợi trong nhiều năm vì là món ăn tinh thần cho thời còn khát kênh giải trí. Vào năm 1994, chương trình này ra đời gắn với phim truyền hình đầu tiên phát sóng Mẹ chồng tôi của đạo diễn Khải Hưng.
Tại lễ trao giải VTV Awards tối 5/9, Tổng giám đốc VTV, ông Trần Bình Minh đánh giá: Suốt 50 năm qua, ngọn lửa yêu nghề, nhiệt huyết, sáng tạo tinh thần trách nhiệm, tự lực vượt khó của những người làm ở VTV chưa bao giờ ngừng cháy. Bởi thế ở giải thưởng VTV Awards 2020, nhiều phóng viên, biên tập viên của nhà đài không ngại lăn xả trong công cuộc phòng chống COVID-19 để có được những thước phim đắt giá.
Những mốc son VTV
1970: Phát sóng thử nghiệm
1976: Phát sóng đen trắng hằng ngày
1987: Chính thức mang tên Đài Truyền hình Việt Nam
1990: Tách hai kênh phát sóng chính thức VTV1, VTV2
1996: Phát sóng chính thức VTV3, gắn với chương trình ăn khách SV96
1998-2016: Lần lượt phát sóng VTV4, VTV5, VTV6, VTV7 và VTV8
2020: 9 kênh HD, 11 cơ quan, văn phòng thường trú tại nước ngoài, 216 giờ phát sóng/ngày.
VTV đón Huân chương Lao động hạng Nhất
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho tập thể Đài truyền hình Việt Nam. Phát biểu trong lễ kỷ niệm 50 năm VTV sáng 7/9, Phó Chủ tịch nước gửi lời chúc mừng tập thể VTV, đánh giá cao sự đóng góp của những người làm truyền hình luôn xung kích đi đầu trên mặt trận tư tưởng văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Trong bài phát biểu, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá VTV hiện phát triển các kênh, đội ngũ biên tập viên, phóng viên ở nhiều quốc gia và khu vực, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, xứng đáng với vị thế cơ quan truyền thông hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài THVN nói: “Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào với truyền thống tự lực, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Qua tất cả những thời kỳ khó khăn nhất trong quá khứ cũng như hiện tại, VTV dường như đều có bước đột phá mới”. Ông nhắc lại công sức của các thế hệ đi trước, khẳng định người VTV cùng nhìn về một hướng, thống nhất, tự hào để xây dựng VTV ngày càng lớn mạnh.