TS Lê Anh Ngọc, Giám đốc Swinburne Innovation Space, chủ trì của hội thảo cho biết: “ICISN đã trở thành diễn đàn thường niên kết nối giữa giới học thuật và ngành công nghiệp trong và ngoài nước. Chủ đề về kết nối công nghiệp năm nay là 'Ứng dụng công nghệ AI cho giải pháp thông minh' gồm hai phiên thảo luận chuyên sâu về tác động của công nghệ Trí tuệ nhân tạo đến các lĩnh vực khác nhau như công nghệ, kinh doanh, giáo dục, môi trường, truyền thông,tiếp thị số, bán lẻ...thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước”.
TS. Lê Anh Ngọc trình bày tại hội thảo ICISN 2024 |
ICISN 2024 thu hút gần 200 công trình nghiên cứu, trong đó 95 bài báo được chấp nhận đăng trong kỷ yếu Lecture Notes in Networks and Systems (LNNS) xuất bản bởi Nhà xuất bản uy tín Springer có chỉ số Scopus. Các công trình nghiên cứu của các tác giả năm nay đến từ 10 quốc gia và có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, diễn giả có bề dày kinh nghiệm đang giảng dạy tại các trường đại học uy tín trên thế giới như: Tiến sĩ Alex Stojcevski - Trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính - Đại học Công nghệ Swinburne (Australia); Giáo sư Phạm Văn Cự - Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến JAIST (Nhật Bản); Giáo sư Pradeep Kumar - Trưởng khoa Công nghệ máy tính - IT tại Đại học Quốc gia Urdu Maulana Azad (Ấn Độ)...
Bên cạnh đó, hơn 50 lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như FPT, Vingroup, Panasonic, 1C Vietnam, Vinalink, KPMG, VNPT, IBM Vietnam…cũng đã có mặt để trao đổi về tác động của công nghệ AI vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống và thảo luận các giải pháp nhằm tối ưu hoá AI và đem lại hiệu suất cho doanh nghiệp.
Trái ngọt từ những nỗ lực áp dụng AI vào thực tế
Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Việt Nam khẳng định: “Thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi chóng mặt nhờ sự phát triển của AI và Data. Chính vì thế chúng ta, từ phía các học giả và các doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp cho một tương lai nơi con người và AI có thể cùng kiến tạo thế giới.”
TS. Hoàng Việt Hà phát biểu khai mạc tại ICISN 2024 |
Cùng chung tinh thần đó, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường FPT đã đem đến hội thảo một bài phát biểu độc đáo được viết hoàn toàn bởi Chat GPT. “Tôi tin rằng tất cả những gì tôi sẽ nói hôm nay, AI đều có thể làm tốt hơn. Chính vì thế, tôi chỉ có thể nói 1 điều thôi: AI chính là tương lai của công nghệ. Với AI, chúng ta có thể khiến Việt Nam và thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, ông nói.
Tiến sĩ Alex Stojcevski - Trưởng khoa Khoa học, Máy tính và Công nghệ Kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Swinburne Australia đặt ra câu hỏi về vai trò của giáo dục trong thời đại công nghệ AI. Theo ông, AI có thể hoàn toàn thay thế được các kỹ năng thực tiễn mà doanh nghiệp cần như giao tiếp, công nghệ chính vì thế cả giảng viên và sinh viên cần phải hiểu bản chất, cách thức hoạt động, vai trò của chúng để áp dụng vào thực tế thông suốt, hiệu quả.
Cùng trình bày về những ứng dụng thực tiễn của AI tại hội thảo, Tiến sĩ Wray Buntine - Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính Đại học VinUni nhấn mạnh tầm quan trọng của Chat GPT thông qua những ứng dụng hỗ trợ giảng dạy, hỗ trợ tương tác giữa giáo viên và sinh viên hay những thay đổi nội dung các môn học truyền thống. “Trong tương lai gần, rất có thể chúng ta sẽ bắt gặp những lớp học hoàn toàn sử dụng AI”, ông nói.
Tiến sĩ Wray Buntine nhấn mạnh tầm quan trọng của các công nghệ AI trong giáo dục |
Ông Ngô Thanh Hiền - Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam cũng chia sẻ về tính ứng dụng của AI thông qua Watsonx - nền tảng AI thế hệ tiếp theo của IBM cung cấp quyền truy cập tự phục vụ vào dữ liệu chất lượng cao, đáng tin cậy, cho phép người dùng cộng tác trên một nền tảng duy nhất nơi họ có thể xây dựng và cải tiến cả các mô hình nền tảng AI mới, tổng quát cũng như các hệ thống máy học truyền thống.
Bàn về tương lai, ông Nguyễn Đình Hùng - Đại diện Panasonic Việt Nam nói về tầm nhìn phát triển bền vững của doanh nghiệp. “Với AI, Panasonic có thể tối ưu và làm mới các nguồn năng lượng sẵn có như Kinari - tấm nhựa thân thiện với môi trường hay tấm năng lượng mặt trời Perovskite. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sử dụng AI để xây dựng bộ máy quản lý và điều hành xưởng hoàn toàn tự động”, ông Hùng cho biết.
Tương lai của AI: Những thách thức và cơ hội
Phiên thảo luận “Ứng dụng công nghệ AI cho giải pháp thông minh" là cơ hội để các chuyên gia bày tỏ quan điểm và chia sẻ góc nhìn đa dạng xoay quanh những vấn đề thực tế liên quan đến sự phát triển của kỉ nguyên AI.
Các phiên thảo luận là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ góc nhìn và đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp |
Tại phiên thảo luận về những tiến bộ và cơ hội AI đem đến cho tương lai, ông Nguyễn Nam Hải - Giám đốc điều hành AVOCA AI cho rằng AI đã đem đến những giải pháp đột phá cho doanh nghiệp thông qua việc phân tích và đề xuất các nội dung cá nhân hoá cho người dùng.
Khi đặt ra câu hỏi về tương lai của AI, các chuyên gia đều cho rằng doanh nghiệp Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc thích ứng với các công nghệ mới. Tuy nhiên việc phát triển bền vững vẫn còn gặp nhiều hạn chế vì phần lớn doanh nghiệp bị phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu và công nghệ từ nước ngoài.
Một số dẫn chứng cho việc này là các công ty điện hay các ngân hàng lớn với nhiều trụ sở, chi nhánh phải mất nhiều thời gian tự làm mới cơ sở dữ liệu trước khi áp dụng bởi hiện tại AI - Chat GPT vẫn còn gặp hạn chế trong việc viết Tiếng Việt. Bên cạnh đó, một số lượng lớn các công ty công nghệ gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống AI của nước ngoài dẫn đến việc buộc phải thay đổi sản phẩm lõi nếu thị trường gặp biến động.
Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành của Edtech Agency, hiện tượng này giống như “bám móc neo vào tảng băng” - doanh nghiệp công nghệ đang cùng bị phụ thuộc vào một thị trường đầy rủi ro mà không một ai có thể dự đoán được tương lai của nó.
Được biết, Đại học Công Nghiệp Hà Nội sẽ là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế ICISN năm 2025 sắp tới.