Liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị liên quan, dự kiến phiên tòa xét xử diễn ra tại TPHCM, từ ngày 5/3 đến 29/4.
Trong 86 bị cáo, có 5 cựu cán bộ cấp cao tại SCB bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Cả 5 người này đang bỏ trốn và bị truy nã.
Từ trái qua, ông Nguyễn Lâm Anh Vũ, ông Trầm Thích Tồn và bà Nguyễn Thị Thu Sương. |
Họ gồm: ông Nguyễn Lâm Anh Vũ (55 tuổi), cựu Phó giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành, Trầm Thích Tồn (63 tuổi, cựu thành viên HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (51 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Đinh Văn Thành (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB).
Cáo trạng thể hiện, từ ngày 13/8/2014 đến ngày 31/8/2015, bị cáo Nguyễn Lâm Anh Vũ với vai trò là cựu Phó giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành đã ký 112 tờ trình thẩm định, 36 hợp đồng tín dụng/hợp đồng thế chấp tài sản đồng ý cho 112 khách hàng là các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vay 112 khoản tại SCB.
Hành vi của ông Nguyễn Lâm Anh Vũ đã giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 3.700 tỷ đồng. Bị cáo Vũ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo Trầm Thích Tồn làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2004 với nhiều chức vụ lãnh đạo tại Công ty An Đông, Công ty CP đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Đại Trường Sơn.
Năm 2010, bà Trương Mỹ Lan đưa Trầm Thích Tồn lên làm thành viên HĐQT SCB (cũ). Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng, Trầm Thích Tồn được giữ chức vụ thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT SCB mới.
Khoảng tháng 3/2014, Trầm Thích Tồn nghỉ việc xuất cảnh đi nước ngoài. Do làm việc tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan trước khi làm thành viên HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT SCB nên Trầm Thích Tồn biết rõ bản chất các khoản vay đã ký tại SCB là của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Kết quả điều tra xác định, từ ngày 25/7/2012 đến ngày 24/5/2013, Trầm Thích Tồn với vai trò là thành viên HĐQT SCB đã ký 4 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT cho 80 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 80 khoản vay tại SCB.
Hành vi của ông Trầm Thích Tồn đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại cho SCB hơn 7.100 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Thành (bên trái) và ông Chiêm Anh Dũng. |
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương trước khi làm việc cho Trương Mỹ Lan, công tác tại Ban thi đua khen thưởng TPHCM nên có nhiều mối quan hệ với các cơ quan chức năng thành phố. Do vậy Trương Mỹ Lan đã mời về làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và sau đó giữ chức vụ lãnh đạo tại Ngân hàng Đệ Nhất.
Khi hợp nhất 3 ngân hàng, Nguyễn Thị Thu Sương là người giúp Trương Mỹ Lan mua 30% cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất của cổ đông người Singapore. Năm 2012, Lan đồng ý để Sương làm Chủ tịch HĐQT SCB, trực tiếp nhận thông tin chỉ đạo của Trương Mỹ Lan về việc thực hiện các hồ sơ tín dụng, sau đó chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tại SCB thực hiện. Năm 2014, Nguyễn Thị Thu Sương nghỉ việc đi nước ngoài.
Căn cứ kết quả xác định, từ ngày 25/7/2012 đến ngày 30/7/2013, Nguyễn Thị Thu Sương với vai trò là Chủ tịch HĐQT SCB đã ký 4 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT, 2 Nghị quyết đồng ý cho 79 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 79 khoản vay tại SCB.
Hành vi của Nguyễn Thị Thu Sương giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Chiêm Minh Dũng, từ ngày 20/11/2012 đến ngày 4/4/2019, ký hợp thức 362 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB gần 141.000 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh Văn Thành, từ ngày 28/6/2012 đến ngày 19/10/2017, ký hợp thức hồ sơ 174 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 42.700 tỷ đồng; từ ngày 9/2/2018 đến ngày 6/12/2020, ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 189.000 tỷ đồng và gây thiệt hại hơn 99.600 tỷ đồng.