4 người nhập viện vì lợn tai xanh

4 người nhập viện vì lợn tai xanh
TPO - Hôm nay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết: có ít nhất 4 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn đang được điều trị, trong đó có 3 người bị viêm màng não, 1 người bị nhiễm trùng huyết.

>> Thịt lợn ở Hà Nội: Chợ chính ế, chợ tạm đắt hàng
>> Vẫn lén lút bán thịt lợn trong vùng có ổ dịch tai xanh

Do ăn thịt chưa chín hoặc sơ ý khi chế biến

4 người nhập viện vì lợn tai xanh ảnh 1  Nếu ăn thịt lợn chưa nấu chín, (hoặc tiết canh) hay lúc chế biến thịt mà chân tay bị xước thì dễ nhiễm bệnh. Khi đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não hoặc nhiễm trùng máu. 4 người nhập viện vì lợn tai xanh ảnh 2

Anh Nguyễn Văn Hương ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên sau 2 ngày ăn tiết canh và làm thịt lợn trong khi tay bị xước, đã phải nhập viện do sốt cao.

Cùng với anh Hương, còn có 3 bệnh nhân khác từ Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên cũng bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

“Khi lợn bị bệnh tai xanh thì hệ miễn dịch của nó sẽ suy giảm, đây là cơ hội cho khuẩn liên cầu lợn tấn công. Vi khuẩn này có tên khoa học là Streptococcus Suis. Vi khuẩn có thể lây sang người” – Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyên, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (trước là: Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia) cho biết.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó Chủ nhiệm khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương thì: nếu ăn thịt lợn chưa nấu chín, (hoặc tiết canh) hay lúc chế biến thịt mà chân tay bị xước thì dễ nhiễm bệnh. Khi đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não hoặc nhiễm trùng máu.

Triệu chứng ban đầu là sốt, đau đầu, buồn nôn, rối loạn tri giác, hôn mê hoặc bị tổn thương nhiều cơ quan. Nếu không phát hiện và điều trị sớm thì có thể để lại di chứng, khó điều trị hoặc gây tử vong.

Chưa có bằng chứng lây từ người sang người

Trao đổi với PV Tiền Phong Online chiều nay, 29-4, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: chưa có bằng chứng khuẩn liên cầu lợn lây từ người sang người.

Bác sĩ Cấp cũng khuyên mọi người hãy phòng, chống bệnh bằng cách ăn thức ăn được nấu chín; khi mua thịt lợn phải rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch; những người giết mổ lợn cần đeo khẩu trang, găng tay cẩn thận.

Điều đáng lo ngại là, theo ghi nhận của PV Tiền Phong Online tình trạng bán thịt lợn chưa qua kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc tại nhiều chợ tạm vẫn đang diễn ra phổ biến tại Hà Nội. Không ai có thể đảm bảo những miếng thịt lợn này là sạch và không bị "tai xanh".

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG