4 loại biến chủng COVID-19 tại Việt Nam nguy hiểm mức nào?

TPHCM mở rộng xét nghiệm COVID-19 cho nhóm có nguy cơ cao trong cộng đồng (ảnh: HCDC)
TPHCM mở rộng xét nghiệm COVID-19 cho nhóm có nguy cơ cao trong cộng đồng (ảnh: HCDC)
TPO - Sau khi biến chủng Rwanda - châu Phi gây chùm ca bệnh cho nhân viên bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất được phát hiện tại TPHCM, đến nay, Việt Nam ghi nhận 4 biến chủng mới SARS-CoV-2, trong đó 3 chủng mới đã xuất hiện trong cộng đồng.

4 biến chủng của SARS-CoV-2 tại Việt Nam gồm biến thể từ Anh, Nam Phi, Rwanda (châu Phi) và một đột biến thể gây chùm ca bệnh ở Đà Nẵng.

Biến chủng Rwanda - châu Phi 

Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã báo cáo kết quả giải mã bộ gene của chủng SARS-CoV-2 từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất.

4 loại biến chủng COVID-19 tại Việt Nam nguy hiểm mức nào? ảnh 1 Hàng loạt địa điểm tại TPHCM bị phong tỏa khi hát hiện ổ dịch từ sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh:HCDC)

Theo đó, phòng xét nghiệm sinh học phân tử đã thu nhận được 3 bộ gene SARS-CoV-2 hoàn chỉnh từ mẫu bệnh phẩm phết mũi họng của bệnh nhân (BN)1979 và của 2 trong số 4 ca bệnh thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 8/2/2021. Qua phân tích, ba bộ gene của BN trên có sự tương đồng trên 99,95%. Như vậy, chùm lây nhiễm gồm BN1979 và các bệnh nhân tổ bốc xếp nhiều khả năng là xuất phát từ một nguồn lây.

Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy cả 3 bộ gene SARS-CoV-2 thu nhận được đều thuộc chủng A.23.1. Chủng SARS-CoV-2 thuộc nhóm A.23.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, Châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10 năm 2020. Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số ít nước khác trên thế giới bao gồm Mỹ, UAE, Úc, một số nước ở châu Âu trong đó có Anh và Đan Mạch. Hiện nay, chưa thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này. Hiện chưa có nhiều thông tin về chủng này.

Biến chủng từ Anh

Ngày 2/1, Bộ Y tế công bố trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Anh tại Việt Nam là BN1435. Người phụ nữ 45 tuổi, quê Trà Vinh, nhập cảnh về từ Anh ngày 22/12/2020 và được cách ly ngay sau đó.

Viện Pasteur TPHCM đã đánh giá, phân loại và giải trình tự gene của BN 1435. Kết quả ghi nhận người này nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 - biến thể VOC 202012/01. Đây là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời, chủng gây bệnh cho BN1435 cũng có đột biến D614G, vốn là chủng làm dịch lây lan nhanh.

4 loại biến chủng COVID-19 tại Việt Nam nguy hiểm mức nào? ảnh 2 Xét nghiệm COVID-19 tại các bến xe, chợ truyền thống, khu dân cư... (ảnh:HCDC)

Đợt dịch cuối tháng 1 đến nay tại Hài Dương và Quảng Ninh dù chưa rõ nguồn lây nhưng đều do biến chủng SARS-CoV-2  của  Anh.

Theo các nhà khoa học, biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền nhanh và mạnh hơn 70% so với các chủng trước đó, chưa có cơ sở cho thấy độc lực cao hơn, tại thời điểm nghiên cứu.

Tại TPHCM, BN1660 (28 tuổi, đến từ Hải Dương) sau khi được giải trình tự gene ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng cho kết quả nhiễm biến chủng Anh.

Biến chủng Nam Phi

Biến thể Nam Phi được phát hiện từ một chuyên gia Nam Phi (25 tuổi, quốc tịch Nam Phi), nhập cảnh vào Việt Nam hồi cuối tháng 1/2021 và đã cách ly.

Các nghiên cứu mới nhất cho thấy chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 20-200% so với chủng ban đầu, là chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay.

4 loại biến chủng COVID-19 tại Việt Nam nguy hiểm mức nào? ảnh 3 TPHCM đã cách ly 35 điểm do có người mắc COVID-19 từng đến 

Biến thể này có một số điểm tương đồng với biến thể lần đầu tiên được xác định ở Anh và dường như cũng dễ lây lan hơn, nhưng không có bằng chứng cho thấy gây chết người nhiều hơn. Đáng lưu ý, biến chủng mới cũng làm giảm khả năng bảo vệ của vắc-xin.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ghi nhận thêm các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi hồi cuối tháng 7/2020. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, kết quả phân tích nguồn gene của virus từ các bệnh nhân ở Đà Nẵng cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định virus được phát hiện tại Đà Nẵng tương tự chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan ở các quốc gia khác vào tháng 7, là chủng D614G.

Chủng này đã xuất hiện ở châu Âu từ đầu năm 2020, sau đó trở thành chủng virus phổ biến nhất thế giới. Các phân tích chỉ ra rằng, chủng D614G tồn tại ở hơn 70% ca nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận trên toàn thế giới, chiếm tỉ lệ gần 100% tại châu Âu. Đột biến này của SARS-CoV-2 lây lan mạnh, độc tính không đổi.

Ngày 13/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, kết quả xét nghiệm COVID-19 của các cán bộ, nhân viên tại 2 bệnh viện là Bệnh viện Mắt TPHCM và Bệnh viện quận Tân Bình đã có kết quả âm tính.

Tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM đang cách ly tập trung 2.709 người; số người đang được cách ly tại nhà/nơi lưu trú là 2.399 người.


MỚI - NÓNG