4 lần bị vợ đuổi khỏi nhà sau 5 năm chung sống

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Anh em, bạn bè luôn bảo tôi nên ly hôn, đó là giải pháp tốt nhất, sống như này chẳng có gì ổn định, đầu óc không thể tập trung cho công việc. Tôi cũng nghĩ như thế nhưng lại thương con, chỉ sợ con thiệt thòi tình cảm.

Tôi 39 tuổi, vợ nhỏ hơn ba tuổi, cách đây năm năm chúng tôi cưới nhau sau khi tìm hiểu và yêu được một năm. Tôi xuất thân từ nông thôn, cách Hà Nội 200 km, cố gắng học tập để vào được đại học và có chỗ làm tương đối ổn định ở thủ đô để có thể nuôi sống bản thân và có một chút ít tích lũy. Vợ tôi xuất thân từ gia đình có điều khiện tại thành phố cách Hà Nội khoảng 100 km, cũng có công việc ở Hà Nội.

Trước khi cưới nhau, bố mẹ vợ mua nhà cho chúng tôi, thời gian đó, người làm công ăn lương như vợ chồng tôi chỉ dám nghĩ đến chuyện thuê nhà chứ nào dám mơ mua nhà. Sau mấy năm tích cóp được ít tiền, kể cả tiền cưới, vàng và thẻ ATM tôi đưa hết cho vợ giữ, nghĩ vợ chồng tin tưởng nhau và cô ấy sẽ quản lý kinh tế tốt hơn mình. Mỗi tháng tôi chỉ giữ khoảng một triệu tiêu vặt.

Lúc sắp sinh con, lại thêm trục trặc với quản lý, vợ tôi muốn nghỉ việc. Tôi đồng ý vì nghĩ lương của mình đủ chi tiêu cho cả gia đình. Mẹ tôi lên chăm cháu mà chưa đầy một tháng đã phải khóc rồi mang balô về quê. Nghĩ mẹ chồng nàng dâu xưa nay vẫn thế nên tôi không chú ý nhiều đến việc này, vẫn đi làm kiếm tiền lo cho gia đình nhỏ, vợ tôi ở nhà chăm con.

Con được ba tháng tuổi, bỗng vợ bảo tôi: “Tưởng lấy anh có gì, thì ra trên răng dưới… Không sắm sửa được cho nhà này cái gì”. Tôi thấy vợ phi lý bởi bao nhiêu tiền kiếm được đều đã đưa hết cho vợ. Không muốn vợ chồng cãi nhau nên tôi chỉ im lặng.

Thời gian này tôi vất vả, vợ chẳng đụng gì vào việc nhà. Tôi nghĩ vợ mới sinh cần nghỉ ngơi nên cố giúp vợ hết sức. Trong dịp lễ, anh em họ hàng tụ tập, họ bàn tán về việc nếu bố mẹ vợ không mua nhà thì chưa chắc tôi đã cưới. Từ đó vợ nhìn tôi với ánh mắt đầy hận thù mặc tôi không hề biết chuyện gì đã xảy ra. Một chiều chủ nhật sau đó, cô ấy lấy cớ tôi không bế con giúp liền gom hết quần áo của tôi và đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi chỉ còn mỗi cái xe máy của bố mẹ cho từ ngày sinh viên và vài bộ quần áo, đành phải qua mấy nhà người bạn ở nhờ, chờ có lương sẽ thuê nhà khác.

Mấy ngày hôm sau, vợ gọi tôi về đón cả con đi, tôi thực sự không biết phải làm gì, đành vay tiền mấy người bạn, đưa con về quê nhờ bố mẹ trông giúp. Chưa cai sữa nên con không theo ông bà nội, cứ bám chặt lấy tôi, khóc suốt ngày vì nhớ mẹ. Tôi không nghỉ được dài ngày, đành gọi điện cho bố mẹ vợ nhờ can thiệp. Bố mẹ vợ bắt vợ tôi về quê xin lỗi để đón con đi Hà Nội. Tôi nghĩ chắc tại vợ mới sinh nên hay suy nghĩ tiêu cực chứ không có ý gì. Vợ chồng tôi lại về ở chung một mái nhà.

Khi con được 15 tháng tuổi, vợ chồng tôi lại mâu thuẫn, lý do thì cho đến giờ tôi cũng chưa hiểu vì sao. Lúc ăn cơm vợ chỉ cho tôi ăn một bát, ngủ cũng không cho ngủ, tự nhiên cầm cả laptop ném vào người tôi. Bực quá, tôi tát vợ hai cái. 

Ngay lập tức giữa đêm hôm vợ lại gom hết quần áo của tôi và đuổi tôi ra khỏi nhà lần hai. Tôi rất giận vợ, đã nghĩ đến việc ly hôn nhưng lại thương con, chẳng quyết được việc gì.

Tôi ra ngoài, thuê căn hộ kiểu sinh viên, tiền lương chỉ giữ lại một ít để chi tiêu cá nhân và trang trải tiền trọ, còn lại đưa hết cho vợ vì lúc đó cô ấy vẫn chưa có việc làm và phải nuôi con. Khi con tôi 17 tháng tuổi, vợ bảo tôi về ở cùng do đã tìm được việc làm và phải lo cho con cái nữa. Tôi bảo thuê người giúp việc bế con nhưng vợ không đồng ý, yêu cầu mẹ tôi lên Hà Nội bế cháu. Tôi cũng phải đồng ý. Mẹ già rồi, sức khỏe không được tốt, tôi chỉ nhờ mẹ mỗi việc bế cháu, việc nhà tôi đảm nhận hết.

Vợ đi làm 19h về thấy cơm nước vẫn chưa xong liền quát tháo, chửi tôi và lấy cớ chửi cả mẹ chồng. Tôi thấy mình bất lực quá, ngay tối hôm đó phải đưa mẹ sang nhà em trai. Tôi cũng gom quần áo ra đi lần thứ ba. Mấy ngày hôm sau, vợ cũng gọi tôi về đón con đi cùng.

Bất động sản ở Hà Nội thời điểm đó đang giảm, tôi và em trai vay mượn cùng với bố mẹ cũng tiết kiệm được một ít nên mua căn hộ giá rẻ. Thời gian đó vợ cũng chẳng qua lại với bố con tôi. Anh em tôi và con ở đó yên ổn khoảng gần một năm, tôi cũng không cho bố mẹ vợ biết việc này. Nghỉ Tết, tôi đưa con về chơi với ông bà ngoại, lúc đó ông bà mới biết chuyện. Vợ tôi đòi nuôi con, tôi cũng muốn nuôi, sau một hồi cãi nhau bố mẹ vợ nhận nuôi, dù không muốn tôi cũng phải đồng ý vì nghĩ ông bà có điều điện, kinh nghiệm nuôi con hơn mình.

Trong khi bố mẹ vợ nhận nuôi cháu, tôi nói với vợ mình không thể ở mãi nhà vợ, nếu tiếp tục cuộc sống vợ chồng thì vợ phải về nhà tôi. Cô ấy nói nếu muốn thế thì bố mẹ tôi phải có lời mời, rồi cô ấy sẽ suy nghĩ xem có nên về hay không. Tôi thất vọng về câu nói đó nhưng vì con tôi chẳng muốn cãi nhau nữa.

Mấy tháng trước, bố mẹ vợ mang cháu lên cho chúng tôi, gia đình cũng họp, ông bà muốn tôi và con ở lại nhà vợ tôi. Tôi đồng ý với điều kiện vợ phải sửa đổi tâm tính. Cô ấy đồng ý và hứa hẹn sẽ sửa chữa. Cách đây vài ngày, vợ có chuyến công tác dài gần nhà bố mẹ đẻ, hôm đó là ngày thường, tôi không nghỉ phép được, vợ lại bắt tôi phải về cùng để bế con và xách đồ. Tôi không đồng ý, cô ấy nói thẳng nếu thế thì không được về nhà cô ấy nữa. Đây coi như là lần thứ tư tôi bị đuổi khỏi nhà.

Tôi là trưởng bộ phận trong một công ty về viễn thông, quản lý 20 người, tiền lương không phải cao nhưng có thể cho vợ con sống tạm đủ. Với tôi, con cái là trên hết, tôi nghĩ đó là điểm yếu nhất của mình và vợ đã nắm bắt được. Anh em, bạn bè luôn bảo tôi nên ly hôn, đó là giải pháp tốt nhất, sống như này chẳng có gì ổn định, đầu óc không thể tập trung cho công việc.

Tôi cũng nghĩ như thế nhưng lại thương con, chỉ sợ con thiệt thòi tình cảm. Chẳng biết tình yêu của tôi dành cho vợ còn không nhưng hiện tại vợ cần gì tôi đều sẵn sàng giúp. Tôi cảm thấy rất lúng túng, luẩn quẩn, không biết phải xử lý như thế nào cho phù hợp. Mong các bạn đọc giúp tôi một lời khuyên hữu ích. (Thụy)

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.