Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước có vị trí, vai trò quan trọng, được khẳng định cả trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước lẫn trong thực tiễn trong nhiều năm qua. Gần đây nhất, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045…
Nghị quyết của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Theo đó, Nghị quyết khẳng định tầm quan trọng, định hướng xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong xây dựng kinh tế thời kỳ mới.
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, các NHTM cũng chính là các doanh nghiệp với hoạt động kinh doanh đặc thù, vận hành theo Luật Các TCTD. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia. Hoạt động của ngành Ngân hàng ảnh hưởng bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, là kênh dẫn vốn chủ lực phục vụ sản xuất kinh doanh, hệ thống ngân hàng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao đời sống người dân.
Là NHTM duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trải qua mỗi thời kỳ phát triển với những tên gọi khác nhau, song Agribank vẫn luôn gương mẫu đi đầu trong tuân thủ pháp luật, thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNN; tích cực đồng hành và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dù bất kể chính sách, chương trình lớn nào của Đảng, Nhà nước, của Ngành, cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống ngân hàng, Agribank luôn là ngân hàng tiên phong chủ động triển khai và ghi dấu ấn đậm nét trong bức tranh kinh tế đất nước.
Ngay sau khi ra đời, ngân hàng đã bắt tay ngay vào hỗ trợ chính sách khoán 10 trong nông nghiệp bằng việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình cho vay thí điểm hộ nông dân... Những năm tiếp theo của thập kỷ 90 là chương trình lương thực và xuất khẩu của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long, phát triển nông sản và chăn nuôi đại gia súc khu vực Miền Trung, Tây nguyên, cho vay kinh tế hộ; các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo. Bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI ngân hàng lại triển khai quyết sách quan trọng cho vay theo Nghị định 41 sau đó là Nghị định 55 và nay là Nghị định 116 về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67 về phát triển khai thác thủy sản, đánh bắt cá xa bờ; chương trình tái canh cây cà phê; cho vay xây dựng nông thôn mới… Sang thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nền nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ biến đổi khí hậu, lại lần nữa Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về thúc đẩy tín dụng xanh qua triển khai đầu tiên gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng đầu tư tín dụng nông nghiệp sạch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết nối tham gia chuỗi liên kết giá trị...
Những cánh đồng mẫu lớn, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên khắp các vùng miền là kết quả từ quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hoá nông sản đang được nhân rộng với sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn của Agribank trong các khâu sản xuất.
Ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH Langbiang, tỉnh Lâm Đồng bày tỏ cảm ơn Agribank là ân nhân của mình bởi vì ngân hàng luôn đồng hành với mình những lúc khó khăn cùng với doanh nghiệp tháo gỡ. “Làm nông nghiệp rủi ro rất cao chuyện khó khăn là chuyện thường xuyên, tôi thấy ngân hàng nông nghiệp đã làm được việc đó”, ông Đường chia sẻ.
Sự bảo đảm nguồn tài chính đầy đủ kịp thời phục vụ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của Agribank góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 26 về tam nông của Đảng và Chính phủ, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp. Qua đó góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp, “trụ đỡ” nền kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, tình hình kinh tế chính trị toàn cầu nhiều biến động, nhất là đại dịch Covid xảy ra, nền kinh tế chịu tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành Ngân hàng cũng như hoạt động kinh doanh của Agribank. Trước những khó khăn nhiều hơn so với dự báo, Agribank xác định cần phải có quyết sách hành động, chia sẻ tối đa cùng khách hàng vượt qua khó khăn. Trên cơ sở đó, Agribank tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả không để đứt mạch sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn của doanh nghiệp và người dân. Tăng trưởng tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Song song đó, ngân hàng kịp thời tháo gỡ khó khăn, gia tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp; tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Agribank luôn là ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay nhiều nhất trong hệ thống. Ngoài ra, thực hiện các giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.Tuy hoạt động ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn do chịu tác động từ nền kinh tế, nhưng Agribank chấp nhận cắt giảm hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phục hồi.
Sự “nhiệt thành” đó là sợi dây gắn bó giữa khách hàng đối với ngân hàng trong chừng đó thời gian. Gắn bó với Agribank từ ngày bắt đầu khởi nghiệp với số tiền vẻn vẹn 10 triệu đồng mua cá giống, qua 30 năm dư nợ của gia đình anh Phạm Văn Nhiêu ở xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng đã lên tới 12 tỷ đồng. Để có được thành quả trên, trong quá trình kinh doanh anh cũng trải qua không ít sóng gió. Gần đây nhất là năm 2023, anh mở rộng sản xuất, đầu tư thêm các trang trại nuôi cá tại Cao Bằng và Hà Giang. Lứa cá đang phát triển thuận lợi, chờ ngày thu hoạch thì trận lũ quét đột ngột làm anh không kịp trở tay. Trong chớp mắt, hàng trăm tấn cá tầm của gia đình anh bị dòng nước dữ cuốn trôi phăng, gần 30 tỷ đồng cũng trôi theo dòng nước. Nhưng ngay sau sự việc xảy ra, Agribank đã tiếp cận hỗ trợ giảm lãi cho gia đình anh Nhiêu. Nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng được ví như là liều thuốc trợ lực kịp thời giúp gia đình anh Nhiêu vượt khó và sớm vực dậy. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sự quan tâm đồng hành cùng khách hàng của ngân hàng Agribank cũng khiến những người kinh doanh như chúng tôi thấy ấm lòng”, anh Nhiêu chia sẻ và cho biết sau này, dù nhiều ngân hàng chào mời nhưng chỉ vay vốn tại Agribank bởi nơi đây luôn là điểm tựa vững chắc đối với gia đình anh cũng rất nhiều bà con trên địa bàn.
Gia đình anh Nhiêu là một trong số hàng triệu khách hàng dọc theo dải đất hình chữ S đã gắn bó với Agribank từ những người đầu khởi nghiệp cho đến khi trở thành triệu phú, tỷ phú đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt chặng đường 36 năm xây dựng và phát triển của Agribank đã được lãnh đạo Chính phủ, Ngành ghi nhận và đánh giá cao. Phát biểu tại buổi gặp mặt đầu xuân Tết Nguyên đán 2024 với Ban lãnh đạo và cán bộ, người lao động Agribank, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả Agribank đạt được trong thời gian qua. Theo Thống đốc NHNN, trong bối cảnh vô cùng khó khăn của nền kinh tế, Agribank là một trong những ngân hàng triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hợp lý để thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Với vai trò là NHTM 100% vốn nhà nước, Agribank đã thực hiện tốt vai trò chủ đạo, tiên phong, dẫn dắt thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời tháo gỡ khó khăn, gia tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đi đầu trong việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn.
Không chỉ ưu tiên tập trung nguồn vốn chất lượng cho nền kinh tế, Agribank còn đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh đa dịch vụ theo định hướng phát triển ngân hàng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng dịch vụ hàng đầu với phương châm "lấy khách hàng làm trung tâm". Agribank mở rộng kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 2.300 đối tác mới là các Tập đoàn, Tổng công ty, các trường học, bệnh viện, Công ty Fintech, các sàn thương mại điện tử, ví điện tử… với số lượng giao dịch đạt trên 45 triệu giao dịch, tổng giá trị giao dịch đạt 60 ngàn tỷ đồng, góp phần tích cực phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, là ngân hàng có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số Ngành Ngân hàng.
Nhờ phát huy sức mạnh toàn hệ thống, đoàn kết, nỗ lực tối đa, triển khai đồng bộ các giải pháp, Agribank vượt qua khó khăn, tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông". Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định. Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước.
Uy tín, thương hiệu của Agribank tiếp tục được khẳng định thông qua sự đánh giá, ghi nhận, vinh danh của các tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế. Fitch Ratings nâng xếp hạng Nhà phát hành Dài hạn của Agribank lên mức “BB+” với triển vọng “Ổn định”, tương đương xếp hạng quốc gia. Tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance xếp hạng Agribank - Top 10 thương hiệu ngân hàng Việt Nam trong 500 thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất thế giới…
Với những thành tích xuất sắc trong công tác cho vay, phát triển kinh tế nông nghiệp, Agribank vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu đối lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong 36 năm xây dựng và phát triển.
Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới, trong nước sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức và hoạt động của hệ thống ngân hàng tiếp tục phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với vai trò đầu tàu của NHTM Nhà nước phục vụ đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tiên phong thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNN, thời gian tới Agribank cam kết đồng hành với người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Agribank sẽ chủ động tiếp tục cân đối để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng, nhất cả doanh nghiệp; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
“Tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong 36 năm, toàn hệ thống Agribank vững tin bước sang giai đoạn mới với tinh thần và khí thế thi đua sôi, sẵn sàng tâm thế triển khai thành công Đề án chiến lược phát triển Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, cùng các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, lãnh đạo Agribank khẳng định.