3.500 tỷ đồng, tiêu thế nào?

3.500 tỷ đồng, tiêu thế nào?
TP - Con số chính xác trong đề án đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18-2019 tại VN mà Bộ VH-TT&DL dự kiến trình Chính phủ là 3.491,165 tỷ đồng. Đây là tổng số kinh phí dự kiến chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Đề án đăng cai Asian Games 18:

3.500 tỷ đồng, tiêu thế nào?

>Rắc rối mở rộng Trung tâm Nhổn

Số tiền này (khoảng hơn 170 triệu USD) theo dự kiến của Ủy ban Olympic VN (VOC) sẽ thực hiện từ các nguồn: ngân sách nhà nước (là chính), đóng góp của đoàn thể thao các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, tài trợ và các nguồn hợp pháp khác trong nước và nguồn lợi từ thương quyền Đại hội khai thác cùng Tiểu ban Marketing của Hội đồng Olympic châu Á (OCA).

Trong số này, tiền đóng góp các đoàn theo thông lệ BTC nước chủ nhà được thu 50 USD mỗi thành viên sẽ vào khoảng gần 150 tỷ đồng. Tiền bán vé khoảng 20 tỷ đồng. Thu từ hoạt động tài trợ, quảng cáo, cấp phép, bản quyền truyền hình, bán các sản phẩm của đại hội…khoảng 630 tỷ đồng.

Riêng phí bản quyền thương mại cho OCA, VOC dự kiến có hai cách: Cách một là để OCA làm chủ phối hợp cùng Ban vận động tài trợ của VN và chia tổng lợi nhuận thu được theo tỷ lệ VN được 2/3, OCA 1/3. Cách hai là VN tự làm, OCA sẽ nhượng lại bản quyền truyền hình nhưng giá rất cao. Con số này với Asian Games 16 (Quảng Châu) là 50 triệu USD. Để đảm bảo an toàn, VOC đề nghị chọn cách một.

Theo tính toán của VOC, kinh phí dự kiến thu được từ công tác tổ chức đăng cai đại hội sẽ vào khoảng gần 800 tỷ đồng.

Với tổng số kinh phí dự kiến khoảng gần 3.500 tỷ đồng nói trên, trong dự trù kinh phí đăng cai tổ chức Asian Games 18, riêng kinh phí lobby, vận động đăng cai được dự báo vào khoảng 8,2 tỷ đồng. Số tiền còn lại được chi cho công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình sân vận động quốc gia Mỹ Đình và xây các công trình tạo cảnh quan môi trường tương ứng khác.

Theo đánh giá của phái đoàn OCA, Hà Nội (thành phố đăng cai) không cần xây SVĐ mới mà chỉ cần nâng cấp SVĐ QG Mỹ Đình theo đúng tiêu chuẩn quốc tế là đủ điều kiện để tổ chức Asian Games. Chỉ một số công trình thể thao khác bắt buộc phải xây mới bao gồm: Khu liên hợp thể thao Asian Games Xuân Trạch đã được quy hoạch với diện tích 200ha đến 245ha là địa điểm xây mới khu cụm sân Quần vợt đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, một sân bóng chày, một sân bóng bầu dục, hai sân hockey trên cỏ với quy mô nhỏ đúng tiêu chuẩn đủ phục vụ cho thi đấu và một nhà thi đấu môn Squash.

Làng Á vận hội tại Thượng Thanh, quận Long Biên có diện tích 42ha và một địa điểm khác tại Gia Lâm khả thi hơn là khu đô thị mới Đặng Xá 2 có quy mô 39,5ha. Dự án này sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa 100%, sau khi phục vụ đăng cai Asian Games nơi đây sẽ là một tiểu đô thị của quận Long Biên hoặc Gia Lâm.

Đối với khu Liên hợp TTQG Mỹ Đình, VOC dự kiến xây mới theo quy hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt dùng cho Asian Games: một nhà thi đấu 5.000 chỗ, ba nhà thi đấu 3.000 chỗ, một sân xe đạp lòng chảo, công viên Thành tích... Quy hoạch trên hiện nay được điều chỉnh tập trung xây một sân xe đạp lòng chảo và một nhà thi đấu đa năng 10.000 chỗ (theo kế hoạch của Bộ VH-TT&DL). Ngoài ra còn các khoản chi khác: mua sắm trang thiết bị thi đấu, hoạt động của các tiểu ban chức năng của Đại hội, ăn ở của các quan chức quốc tế, khách mời, trọng tài quốc tế, hỗ trợ kinh phí ăn ở cho HLV, VĐV, các khoản chi dự phòng… VOC dự tính với mức thu, chi trên, VN chỉ cần bỏ một khoản kinh phí gần 2.698 tỷ đồng, tương đương 128 triệu USD, là đủ để tổ chức thành công Asian Games 18. Nếu đúng thì đó là một con số quá nhỏ so với khoản hơn 500 triệu USD mà Malaysia tính toán trước khi bỏ cuộc, hay khoản 650 triệu USD Đài Loan-Trung Quốc dự tính chi ra trong cuộc chạy đua với VN.

Tuy nhiên, với khoản kinh phí VOC đưa ra như trên, không ít cựu lãnh đạo ngành TDTT nhận định rằng rất khó, nếu không muốn nói là không tưởng, để tổ chức một đại hội châu lục với 11.000 VĐV tham dự cùng hàng ngàn quan khách quốc tế khác. Trả lời báo chí, nguyên Bộ trưởng, chủ nhiệm UBTDTT Hà Quang Dự cho biết kinh phí tổ chức SEA Games 22 tại VN năm 2003 thực tế đã đội lên gấp 4-5 lần so với dự toán, vào khoảng 4.700 tỷ đồng thời điểm năm 2003. Với tình hình kinh tế hiện nay cùng mức trượt giá hằng năm, ai dám đảm bảo kinh phí tổ chức sẽ không bị đội giá nhiều lần so với dự tính chỉ 3.500 tỷ đồng hiện nay? Đó là chưa kể TTVN sẽ thể hiện bộ mặt thế nào trong cuộc tranh tài với bạn bè châu lục khi mà kế hoạch phát triển, đào tạo lực lượng VĐV vẫn chưa rõ ràng.

Trong vòng một tháng sau khi ký hợp đồng đăng cai, VN sẽ phải nộp cho OCA một triệu USD tiền đặc cọc và chỉ được hoàn lại sau khi kết thúc đại hội và hoàn thành việc tổng kết công tác tài chính. Nếu vì nguyên nhân chủ quan hoặc trực tiếp từ phía VN, Đại hội không được tổ chức sau khi ký hợp đồng, số tiền trên sẽ thành tài sản của OCA.

Một năm sau khi ký hợp đồng, VN cũng sẽ phải nộp cho OCA 15 triệu USD theo nhiều lần để thực hiện chiến dịch quảng cáo, tuyên truyền và quan hệ công chúng về đại hội. Đây là số tiền tạm ứng của BTC nước chủ nhà trao cho OCA liên quan đến việc bán quyền thương mại, bản quyền truyền hình, các sản phẩm đại hội…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.