35 nước tham dự cuộc thi ViOlympic do Việt Nam tổ chức

Hiệu trưởng Đại học FPT Đàm Quang Minh trao học bổng cho 3 học sinh lớp 11 xuất sắc.
Hiệu trưởng Đại học FPT Đàm Quang Minh trao học bổng cho 3 học sinh lớp 11 xuất sắc.
Global ViOlympic 2016 đã lan tỏa đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiêu biểu như Australia, Mông Cổ, Bulgari, Ghana… Hơn 32.000 học sinh đăng ký tham gia, trong đó 3.800 em lọt vào vòng Chung kết quốc tế.

Ngày 14/5, Lễ tôn vinh và trao giải Cuộc thi Giải toán trên Internet - ViOlympic năm học 2015-2016 khu vực phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội. Hơn 2.100 học sinh đoạt giải được vinh danh. Đây là lần đầu tiên, buổi lễ tổng kết có sự tham dự của đại diện các nước Australia và Mông Cổ - hai quốc gia đạt nhiều thành tích tốt trong cuộc thi Global ViOlympic 2016.

Tập đoàn FPT - một trong hai đơn vị tổ chức cuộc thi, dành tặng 24 chiếc máy tính bảng Samsung cho Top 3 thí sinh đạt thành tích cao nhất nước ở 8 bảng thi đấu. Còn đại học FPT trao ba suất học bổng trị giá 280 triệu đồng mỗi suất cho ba học sinh lớp 11 đạt thành tích tốt tại cuộc thi.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình khẳng định: “Các em là những người chiến thắng. Chiến thắng trên quy mô hàng triệu người là một vinh dự to lớn. Tuy nhiên, so với việc chiến thắng trong một cuộc thi thì điều quan trọng nhất chính là kiến thức cũng như những điều mới mẻ các em học hỏi được", ông Bình nói.

Ông Bình chia sẻ, Toán học chính là vũ khí bí mật trong kinh doanh nói riêng và trong thế giới tương lai nói chung. 

"Tại sao các doanh nghiệp, công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google có nhiều người Do Thái và cả người Việt Nam làm việc? Vì họ có vũ khí bí mật là Toán học. Toán học giúp những người làm kinh doanh tính toán nhạy bén vượt xa đối thủ của họ, tạo ra lợi thế trong đàm phán và ra quyết định. Có thể thấy, tư duy Toán học tốt là điều kiện tiên quyết để thành công hơn", ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông, khi các em học sinh ở đây bước vào đời, thế giới đã rất khác. Thế giới tương lai với cuộc cách mạng số, những cỗ máy hiện đại, thế giới trở nên cực kỳ thông minh, chỉ có chỗ cho những người luôn đổi mới. Nếu không có sự khác biệt, sáng tạo, không hiểu được những biến đổi sắp tới của thế giới, thanh niên khi ấy không thể tìm được việc làm. Tình trạng này bắt đầu diễn ra ở một số quốc gia phát triển như Pháp, Tây Ban Nha, các nước Tây Âu.

"Máy tính thông minh giúp con người rất nhiều nhưng đồng thời cũng có thể thế chỗ con người trong các doanh nghiệp. Con người chỉ có chỗ đứng khi liên tục đổi mới, sáng tạo, giỏi toán, tin học và tiếng Anh", ông Bình nói.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho hay, trải qua 8 năm (2008-206), ViOlympic đã có nhiều tiến bộ song hành cùng sự phát triển chung của ngành giáo dục. Theo Bảng tổng sắp về giáo dục khoa học và toán học toàn cầu do Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD công bố, Việt Nam xếp hạng 17 năm 2012 và tăng lên hạng 12 vào năm 2015.

"ViOlympic mang lại ý nghĩa giáo dục to lớn. Nếu không có Internet, học sinh vùng sâu vùng xa không thể có cơ hội tham gia các cuộc thi. Những cuộc thi qua Internet đã giúp đảm bảo cơ hội bình đẳng về giáo dục cho những nơi còn thiếu thốn, những học sinh khó khăn", ông Hiển nói và đề nghị các thầy cô vận dụng khoa hoc tiên tiến nhất đánh giá học sinh, phát triển, động viên học sinh phát triển, xây dựng ngân hàng đề lớn, câu hỏi chất lượng. 

Sự kiện Lễ trao giải ViOlympic tại Hà Nội ngày 14/5 mở đầu cho chuỗi sự kiện Tổng kết và trao giải tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm tôn vinh những học sinh đạt thành tích xuất sắc cũng như khích lệ phong trào học Toán trên cả nước.

Năm học vừa qua, có khoảng 8 triệu học sinh tham gia ViOlympic. Vòng thi quốc gia năm học 2015 - 2016 thu hút gần 9.200 học sinh tham dự (tăng hơn 22% so với năm trước).

Năm qua, lần đầu tiên ViOlympic vươn tầm quốc tế với dự án Global ViOlympic cho học sinh khối Tiểu học và THCS. Hơn 32.000 học sinh đăng ký tham gia, trong đó 3.800 em lọt vào vòng Chung kết quốc tế. 

ViOlympic là cuộc thi cấp Quốc gia về Toán học trên Internet (giải toán bằng tiếng Việt và tiếng Anh) do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, Tập đoàn FPT và Đại học FPT tổ chức. Cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc với số lượng học sinh đăng ký dự thi 5 triệu em mỗi năm. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG