Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định trận động đất trưa 12/5 xét về các góc độ sức tàn phá, diện tác động và mức độ khó khăn của hoạt động cứu hộ, cứu nạn, đều đã vượt quá trận động đất lịch sử ở thành phố Đường Sơn năm 1976 làm gần 300.000 người thiệt mạng.
Trong khi đó, người dân sống sót sau động đất ở Tứ Xuyên đang phải đối mặt với các nguy cơ mới như bệnh dịch, ngập lụt và các đợt dư chấn mạnh vẫn liên tiếp xảy ra.
Theo tin mới nhất, 3 người đã thiệt mạng và hơn 50 người đã bị thương khi một dư chấn mạnh tới 6,1 độ rích-te xảy ra sáng 18/5 tại thị trấn Giang Do, cách vị trí tâm chấn của trận động đất trưa 12/5 khoảng 100 km về phía Đông Bắc.
Trước đó, ngày 16/5, tại địa phận thị trấn Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, đã xảy ra một vụ vỡ một hồ nước ứ trên một con sông nhỏ. Hồ nước 1,6 triệu mét khối nước này được tạo thành do đất đá lở xuống chẹn dòng chảy của con sông.
Rất may, cư dân ở hạ lưu sông này đã được sơ tán kịp thời. Ngày 17/5, khoảng 2.000 người cũng đã được sơ tán để tránh nguy cơ vỡ một hồ nước ứ lớn hơn, chứa khoảng 10 triệu mét khối nước, ở một con sông nhỏ trong địa phận thị trấn Thanh Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên. Lực lượng cứu hộ đã phải nhanh chóng chủ động tháo nước ở Thanh Xuyên và một số hồ nước ứ khác để tránh nguy cơ vỡ hồ.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 18/5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Phó Trưởng Ban chỉ huy cứu hộ động đất, đã đến thị trấn Miên Dương để khảo sát công tác cứu hộ và phòng bệnh dịch sau động đất. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã đi thị sát các khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất.
Trung Quốc đã huy động khối lượng lớn nhân lực và vật lực cho công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả động đất. Đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã chi gần 4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 570 triệu USD), huy động hơn 113.000 binh sĩ và cảnh sát vũ trang cho hoạt động cứu hộ.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Hồ Trường Minh, các lực lượng vũ trang đã tìm thấy hơn 21.000 người dưới đống đổ nát, điều trị cho hơn 34.000 người bị thương và đưa hơn 205.000 người tới nơi an toàn.
Tuy nhiên, gần một tuần sau trận động đất, hy vọng tìm thấy những người sống sót là rất mong manh. Mặc dù vậy, không phải không có những điều kỳ diệu đã xảy ra. Sáng 18/5, tại thị trấn Bắc Xuyên, một người đàn ông đã được cứu sống sau khi bị chôn vùi dưới đống đổ nát suốt 139 giờ.
Nhằm đối phó với các nguy cơ xảy ra dịch bệnh, Bộ Y tế Trung Quốc đã triển khai gần 6.000 nhân viên y tế và 550 xe cứu thương tới các "điểm nóng" ở Tứ Xuyên. Khoảng 350 tấn thuốc men đang trên đường tới các khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất cùng với 300 tấn thuốc tẩy uế và 100.000 mặt nạ phòng độc. Bộ cũng đã lập 2 bệnh viện "dã chiến" tại các vùng sâu, có sự hỗ trợ của máy bay lên thẳng, với 400 giường bệnh.
Trung Quốc cũng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho công tác cứu trợ. Ngày 18/5, Nga đã cử một máy bay chở 32,5 tấn hàng cứu trợ, gồm máy phát điện đi-ê-den và thực phẩm, sang giúp Trung Quốc. Trước đó, Nga đã chuyển tới Tứ Xuyên ba đợt gồm 90 tấn hàng cứu trợ, chủ yếu là lều bạt và chăn.
Cùng ngày, một máy bay chở hàng viện trợ của quân đội Mỹ đã hạ cánh xuống thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên. Chuyến hàng viện trợ trị giá 1,6 triệu USD này bao gồm lương thực, nước, máy phát điện, chăn và các hàng hóa khác.
Các lực lượng cứu nạn nước ngoài đến từ Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Xinh-ga-po, gồm tổng cộng hơn 200 người với nhiều chó nghiệp vụ đang tích cực hoạt động ở các thị trấn Miên Trúc, Đô Giang Yến, Thanh Xuyên, Bắc Xuyên ...
Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, động đất đã phá hủy hơn 10.000 héc-ta cây lương thực và hơn 20.000 héc-ta rau, làm 100.000 héc-ta trồng lúa phải chuyển sang trồng rau hoa màu khác do mất nguồn nước tưới vốn có.
Theo TTXVN