Đây là thông tin được đưa ra tại buổi ra mắt Viện nghiên cứu và đào tạo thị giác Hải Yến ngày 17/11 tại TPHCM.
Trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. Riêng tại Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó 80% tỷ lệ người mù có thể phòng, chữa được.
Các nguyên nhân chính gây mù hiện nay chủ yếu là đục thể thủy tinh (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ... Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thi, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở học sinh thành phố, đô thị lớn.
PGS.TS Trần Hải Yến, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo thị giác Hải Yến chia sẻ tại lễ ra mắt
Đó là lý do Trung tâm mắt Hải Yến ra mắt Viện nghiên cứu và đào tạo thị giác Hải Yến, với mục tiêu thực hiện hợp tác trong và ngoài nước trong nghiên cứu ứng dụng và đào tạo chuyển giao công nghệ liên quan đến lĩnh vực khoa học thị giác.
Viện nghiên cứu và đào tạo thị giác ra đời tạo môi trường thuận lợi cho các bác sĩ đam mê nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để các bác sĩ Việt nam có cơ hội tiếp cận cũng như hiện thực hóa các ý tưởng nghiên cứu, học hỏi các qui chuẩn nghiên cứu từ các đồng nghiệp trong các dự án nghiên cứu đa trung tâm, đa quốc gia để ra các kết quả đủ giá trị công bố quốc tế.
Theo PGS.TS Trần Hải Yến, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo thị giác Hải Yến, y khoa luôn bao gồm 3 mảng hỗ trợ và song hành gồm: lâm sàng, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Trang thiết bị hiện đại và hoàn chỉnh của Trung tâm Mắt Hải Yến là điều kiện tối ưu cho cả 3 hoạt động trên. Một số thiết bị chuyên sâu trong khảo sát các vấn đề liên quan đến tình trạng thị giác, sự phát triển các bệnh lý nhãn khoa như Lenstar, Bioptometer, Binocular Refractometer, Optical Cohenrence Tomography… giúp ghi nhận những dữ liệu rất hữu ích cho các nghiên cứu.
Cơ sở vật chất hiện đại của Viện nghiên cứu và đào tạo thị giác Hải Yến
Các chương trình đào tạo và chuyển giao kỹ thuật tại chỗ và hợp tác quốc tế sẽ được triển khai nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên y tế trong lĩnh vực chăm sóc mắt, bao gồm bác sĩ nhãn khoa, cử nhân khúc xạ, kỹ thuật viên khúc xạ và điều dưỡng chuyên khoa mắt.
“Mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, tạo gánh nặng xã hội... Đó thực sự là một vấn đề xã hội quan trọng với những thách thức lớn của ngành mắt, ngành y tế. Sự ra đời của Viện nghiên cứu và đào tạo thị giác Hải Yến với tính chất là một viện nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu và công nghệ trong lĩnh vực y tế gián tiếp đóng góp vào chương trình phòng chống mù lòa, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh, giảm thiểu chi phí, nâng cao sức khỏe, tuổi thọ của con người” - PGS.TS Trần Hải Yến cho biết.