Khó có thể phủ nhận tác dụng từ chanh cũng như nước chanh, tuy nhiên thay vì pha một cốc nước chanh thông thường, bạn có thể thay đổi với 3 công thức dưới đây để tận thu thêm những lợi ích từ nước chanh.
1. Nước chanh + bạc hà
Nguyên liệu:1 trái chanh, 3 nhánh bạc hà, 2 muỗng cà phê đường cát trắng, 200ml nước ấm.
Thực hiện: Bạc hà lấy lá rửa sạch, cho vào cối nghiền nát, trút ra ly. Chanh vắt lấy nước cốt. Pha 1/2 nước ấm với đường, khuấy tan, cho nước cốt chanh vào, thêm 1/2 nước ấm còn lại vào.
Cuối cùng, cho nước chanh vào ly bạc hà, khuấy đều, dùng nóng.
2. Nước chanh + sả + mật ong
Nguyên liệu: 1 trái chanh, 3 cây sả, 2 muỗng cà phê mật ong, 250ml nước
Thực hiện: Sả bỏ gốc, rửa sạch, cắt khúc, đập hơi giập, cho vào nồi, thêm nước vào nấu sôi. Tắt bếp, để hơi nguội, cho mật ong vào khuấy đều. Chanh vắt lấy nước cốt. Cho nước sả vào nước chanh, quậy đều.
Cho nước chanh sả mật ong vào ly, dùng nóng.
3. Trà chanh + gừng + mật ong
Nguyên liệu: 1 trái chanh, 2 túi trà thảo mộc, 1 nhánh gừng nhỏ, 2 muỗng cà phê mật ong, 250ml nước
Thực hiện: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng, cho vào nước nấu sôi. Thả túi trà vào, tắt bếp, để 5-10 phút, lấy túi trà ra. Chanh vắt lấy nước cốt.
Cho trà gừng vào nước chanh, thêm mật ong vào khuấy đều. Trút trà chanh gừng ra ly, dùng nóng.
Những thời điểm lý tưởng để dùng 3 công thức trên - Khi cảm cúm, ho khan:lấy chanh pha nước uống hoặc xắt lát mỏng ngâm đường ăn sẽ giúp giảm bệnh. - Khi đang say:uống nước chanh nóng, thêm vài lát gừng là có thể giải rượu. - Cảm lạnh do mưa:uống một ly chanh nóng để hạ sốt, ngừa bệnh tiến triển. Có thể cho thêm lá bạc hà hoặc sả vào nước chanh. Tinh dầu của bạc hà và sả đều có tác dụng phòng ngừa cảm sốt, lạnh bụng, kết hợp với chanh vừa thơm ngon vừa tốt cho cơ thể. - Để giải cảm:cũng có thể dùng trà nóng pha với nước chanh, thêm vài lát gừng vào. Gừng có vị cay ấm, là vị thuốc trị cảm mạo, mỏi mệt rất hiệu quả. Ngoài ra, gừng còn hỗ trợ tiêu hóa, giúp chống lại cảm giác đầy hơi, khó tiêu. |