Số lượng sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng cao nhất
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam (THQG) đã được Chính phủ giao Bộ Công Thương quản lý, thực hiện với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về sản phẩm hàng hóa, đa dạng, phong phú về dịch vụ, tăng cường sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 25/11/2003, Chương trình chính thức được triển khai trên quy mô toàn quốc. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ gắn với 3 giá trị: “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định, qua 17 năm, chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường thông qua 3 tiêu chí: Chất lượng; Đổi mới sáng tạo và Năng lực tiên phong.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG kỳ này, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động. Các hoạt động xã hội của các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 20 nghìn tỷ đồng.
“Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, Hội đồng THQG đã công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020. Đây là những doanh nghiệp đáp ứng hệ thống các tiêu chí THQG Việt Nam và là những nghiệp tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam” - Chủ tịch Hội đồng THQG nhấn mạnh.
Thông tin thêm về những điểm nổi bật của Chương trình năm 2020, Chủ Hội đồng THQG Việt Nam còn cho biết, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia lần thứ 7 năm 2020 vẫn thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao giải cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2020
Điểm nhấn của Chương trình năm 2020 đó là số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018 (97 doanh nghiệp).
Số lượng các doanh nghiệp mới tham gia Chương trình có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng tăng mạnh với 39 doanh nghiệp, chiếm 31,4% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, kết quả năm nay tiếp tục ghi nhận con số đáng tự hào, đó là 17 doanh nghiệp đã có 7 lần liên tiếp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008.
"Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa”, Bộ trưởng - Chủ tịch Hội đồng THQG nhấn mạnh một lần nữa.
Phát biểu tại Lễ Công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực cùng những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp THQG Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
“Các doanh nghiệp THQG không thụ động đợi sóng gió đi qua, không vì khó khăn mà dừng lại, vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và duy trì xuất khẩu. Vượt qua khó khăn, thử thách, các doanh nghiệp THQG Việt Nam thể hiện mình không chỉ xuất sắc ở nhiệm vụ kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn hoàn thành rất tốt trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Để tiếp tục đạt được các kết quả đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp THQG Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đồng thời, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số, cách mạng 4.0.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Công Thương cần tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp; phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan để tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, cơ chế và nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam như mục tiêu đã đề ra, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.