Ngày 8/7/2007, lãnh đạo TP Hà Nội đã tổ chức buổi nghe và góp ý cho báo cáo mới nhất của Tổ dự án sông Hồng, đoạn qua Hà Nội. Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cùng đại diện các ngành liên quan của TƯ, Hà Nội đến dự và góp ý kiến.
Dự án “Lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội”, có kinh phí đầu tư 4,28 triệu USD do TP Xơun (Hàn Quốc) hỗ trợ 90%.
Từ khi khởi động dự án (7/2006) đến nay, Tổ công tác sông Hồng đã qua giai đoạn nghiên cứu khả thi, hoàn thành 75% công việc lập quy hoạch cơ bản, thông qua phân tích các kết quả điều tra, khảo sát, tính toán.
Vấn đề ưu tiên nhất là giữ an toàn đê. Độ an toàn trị thủy sẽ là 500 năm. Mực nước tiêu chuẩn sau chỉnh trị là 13,4m. Đê mới trên sông Hồng sẽ có tổng chiều dài 75,5km.
Tổ dự án đề xuất mở rộng khoảng cách giữa hai đê ở các điểm: thượng lưu cầu Thăng Long, cầu Chương Dương; chỉnh trị lòng dẫn khu vực cảng Hà Nội và chỗ phân nhánh sông Đuống; thu hẹp khoảng cách ở đoạn bắc Thanh Trì hiện tại.
Theo lịch trình, trong tháng 9/2007, Tổ dự án sẽ nộp quy hoạch cơ bản lên lãnh đạo thành phố, tổ chức hội thảo lần thứ 3; sẽ hoàn thành lập quy hoạch cơ bản trong tháng 11/2007, trình Chính phủ và Quốc hội xem xét. Phía Hàn Quốc còn đề nghị mở nhà trưng bày công khai quy hoạch này để mọi người dân cùng biết và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện quy hoạch. |
Lòng dẫn sẽ ổn định nhờ việc đắp đê, đập, kè, sẽ nâng độ cao đê phù hợp mực nước lũ thiết kế; mở rộng mặt cắt dẫn nước trên cơ sở mực nước trung bình mùa cạn.
Các bãi sông, bãi bồi sẽ được tận dụng, bảo tồn. Các địa danh lịch sử văn hóa sẽ được bảo tồn (như đền Đồng Nhân, đền Chèn, chùa Bồ Đề, làng Bát Tràng…) để phát triển du lịch.
Hệ thống giao thông thủy sẽ được quy hoach theo hướng tăng tối đa tiềm năng, đáp ứng khối lượng vận chuyển ngày càng tăng; trong đó có việc cải tạo toàn bộ sáu bến cảng.
Đi liền với quy hoạch chỉnh trị sông là quy hoạch công viên ven sông (tổng diện tích 4.200 ha), trong đó lòng sông 1.350ha. Công viên sẽ có nơi dân cư cho sinh vật dưới nước, có vùng đệm ven sông, trồng cây phục hồi sinh thái, bảo tồn di tích, có đường thăm quan sông Hồng, có nơi hoạt động văn hóa lễ hội…
Đường ven sông Hồng sẽ xây dựng theo đê hiện có và đê mới; trong đó đường huyết mạch đô thị (80km) có tốc độ 60km/h; có bãi đỗ xe công cộng; xây dựng và nâng cấp sáu cầu…
Trên 2.050ha đất mới phát sinh do quy hoạch này, sẽ xây dựng các khu dân cư, thương mại, nghỉ ngơi, sản xuất, du lịch, phân phối hàng đa chức năng…
Ngoài ra còn dự phòng cho lễ hội quốc tế sport event; cung cấp 90 nghìn nhà ở (giải quyết vấn đề cư dân bất hợp pháp trên khu vực sông); cải tạo làng Bát Tràng và tạo ra các khu du lịch…
Dự kiến, nếu thực hiện theo quy hoạch này sẽ phải chi phí hơn 27 nghìn tỷ đồng. Tổ dự án đề xuất phương án, các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước cùng thực hiện và thu hồi vốn.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, số tiền phải chi thực tế sẽ lớn hơn thế nhiều. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cơ chế phù hợp, tạo nguồn thu bù chi trong qúa trình thực hiện thì chắc chắn vẫn làm được.
Phó thủ tướng nói: Đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, có ý nghĩa hết sức quan trọng về mọi mặt; vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu rất cẩn thận, khoa học và chặt chẽ;
Phải đặt quy hoạch này trong tổng thể quy hoạch toàn bộ lưu vực sông Hồng, kết hợp với quy hoạch chung Thủ đô và vùng Thủ đô, quy hoạch phát triển các ngành.