Kiến thức, kỹ năng bổ ích giảng dạy tiếng Hàn
Đây là chương trình do Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc (Trường Đại học Ngoại ngữ) và Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Chương trình bắt đầu từ ngày 30/9. Sau gần 2,5 tháng, 26 học viên đã tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Hàn và có nguyện vọng trở thành giáo viên tiếng Hàn được cung cấp lý thuyết, kỹ năng về phương pháp giảng dạy tiếng Hàn. Đồng thời tham quan, thực tập các lớp tiếng Hàn ở trường các trường THCS, THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng. Các học viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng được cấp chứng nhận.
PGS.TS. Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Ngữ phát biểu. |
Chị Nguyễn Thị Kim Chi (35 tuổi, Ngôi nhà trí tuệ Future Life) phấn khởi: “Chúng tôi được trau dồi nhiều kỹ năng, kiến thức giảng dạy rất giá trị. Chúng tôi hiểu sâu hơn về phương pháp dạy tiếng Hàn phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS, THPT. Qua khóa học, tôi thấy vững vàng, tự tin hơn rất nhiều và sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giáo dục tiếng Hàn cho học sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Ông Kil Ho Jin - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TPHCM nhìn nhậnđào tạo giáo viên tiếng Hàn chất lượng là vấn đề vô cùng cấp bách. |
Cũng như chị, chị Lê Thị Thúy Hòa (24 tuổi, tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế) đánh giá các học phần trong chương trình có nội dung rất đa dạng, không chỉ bổ sung các kiến thức về văn hóa, xã hội Hàn Quốc và ngôn ngữ tiếng Hàn, mà còn trang bị những kỹ năng sư phạm quan trọng như phương pháp giảng dạy, cách soạn giáo án, cách thiết kế hoạt động cho tiết học... “Những kiến thức và kỹ năng này không chỉ hữu ích trong công việc giảng dạy mà còn là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp lâu dài của tôi. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng bởi sự nhiệt tình và niềm nở của các giảng viên. Các cô luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc của học viên một cách rất tận tình. Tôi rất biết ơn vì đã có cơ hội tham gia khóa học này và mong rằng trong tương lai, khóa học cũng sẽ đem đến cơ hội cho những ai đang nung nấu mong muốn trở thành giáo viên như tôi”, chị nói.
Các học viên nhận Giấy chứng nhận sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng. |
Các học viên sẽ được tiếp tục đào tạo miễn phí chuyên sâu nghiệp vụ sư phạm phổ thông theo chương trình của Bộ GD&ĐT Việt Nam trước khi tham gia giảng dạy thực tế tại các trường cấp 2, cấp 3. Bên cạnh đó, 4 học viên xuất sắc của chương trình đã được cử đi tham gia tập huấn 2 tuần tại Hàn Quốc cùng với học viên khu vực miền Bắc, miền Nam và Campuchia. Các học viên của khóa học này sẽ là lực lượng quan trọng góp phần vào việc giảng dạy tiếng Hàn cho các trường phổ thông tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực phía Trung nói chung trong tương lai.
Cầu nối giáo dục hai nước Việt - Hàn
Kể từ khi thiết lập quan hệ hai nước vào năm 1992, việc giảng dạy tiếng Hàn đã được triển khai ngày càng rộng rãi ở Việt Nam với nhiều chương trình đào tạo đa dạng ở các cấp. Năm 2021, chương trình tiếng Hàn ngoại ngữ 1 được ban hành, tiếng Hàn lần đầu chính thức được đưa vào danh mục các môn thi tốt nghiệp THPT, mở ra triển vọng về giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông tại Việt Nam. Nằm trong định hướng này, Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc (Trường Đại học Ngoại ngữ) và Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP Hồ Chí Minh đã bắt tay triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Hàn.
Lễ bế giảng Chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Hàn đầu tiên tại miền Trung. |
PGS.TS. Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Ngữ nhấn mạnh rằng, đây là kết quả của sự phối hợp trong suốt một thời gian dài, sự nỗ lực của Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc của nhà trường, sự hỗ trợ và đồng hành của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, và đặc biệt là sự phối hợp của đại diện Bộ GD&ĐT Hàn Quốc. Sau khoá đầu tiên này, chương trình dự kiến sẽ tiếp tục để đáp ứng nhu cầu giáo viên tiếng Hàn sắp tới cho TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
Ông Kil Ho Jin - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TPHCM cho hay, số lượng học sinh tiểu học, THCS và THPT học tiếng Hàn tại Việt Nam đang tăng mạnh mỗi năm cũng cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa hai nước. Toàn bộ khu vực miền Trung và miền Nam tính từ Đà Nẵng trở vào, Trung tâm đang hỗ trợ 59 trường học với khoảng 12.600 học sinh, tăng 114% so với năm trước. Đặc biệt, với năm đầu tiên bắt đầu triển khai tổ chức lớp tiếng Hàn, Đà Nẵng có khoảng 5.600 học sinh từ 33 trường đăng ký học tập tiếng Hàn. “Vì vậy, đào tạo giáo viên tiếng Hàn chất lượng là vấn đề vô cùng cấp bách. Tôi nghĩ việc thực hiện khóa bồi dưỡng giáo viên tiếng Hàn cùng với Trường Đại học Ngoại ngữ là vô cùng thích hợp. Tôi tin rằng các bạn sẽ đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa hai quốc gia trong lĩnh vực giáo dục tiếng Hàn ở Việt Nam”, ông chia sẻ và nói thêm, trung tâm sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ các hoạt động phát triển học thuật và giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam.
Các học viên đi tập huấn 10 ngày ở Hàn Quốc. |
Thông qua chương trình lần này, Trường Đại học Ngoại ngữ một lần nữa khẳng định vị thế nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao về trình độ ngoại ngữ, đồng thời là Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá, đáp ứng công tác giáo dục, đối ngoại, giao lưu, hợp tác quốc tế, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng, các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.