24 tuổi học lớp một

24 tuổi, bò đến học lớp một

24 tuổi, bò đến học lớp một
TP - Tiếng trống trường Tiểu học Nậm Lành (xã Nậm Lành, Văn Chấn, Yên Bái) điểm từng hồi, cũng là lúc cô gái tật nguyền Lý Thị Liều bò đến lớp vùng cao kịp giờ học.

Mấy cô bé người Dao dẫn chúng tôi men theo con đường mòn độ rộng chỉ đủ một người đi, đến nhà Lý Thị Liều cuối chân dốc.

Trong căn nhà gỗ trống hoác, vắng lặng, Liều ngồi bên bậu cửa thêu thổ cẩm.

Thấy khách lạ, Liều nhanh nhẹn lấy hai chiếc dép xỏ vào tay, lê hai tay và hai đầu gối đi đun nước.

Ngồi bên bếp lửa tí tách, Liều kể về những năm tháng ấu thơ: “Khi mình lên bốn thì bị ốm nặng. Bố mẹ nghĩ con ma nó ám, nên mời thầy mo về cúng. Tốn bao tiền bạc, lợn gà mà vẫn không khỏi. Đôi chân cứ thế tê dại đi, đến khi mất hẳn cảm giác. Từ lúc đó, mình chỉ biết quanh quẩn trong nhà”.

Những ngày đầu bò bằng tay và hai đầu gối, cả bàn tay và đầu gối đều rướm máu. Mẹ cắt mảnh vải cũ buộc vào hai chân cho Liều. Dần dần, có thể tự nấu cơm, giặt giũ quần áo trong lúc mọi người trong gia đình đi làm nương xa.

Cho đến ngày nhìn ra con đường nhỏ phía trước, thấy đám bạn tung tăng cắp sách tới trường, Liều nằng nặc đòi đi học chữ, học tiếng Kinh. Nhưng bố mẹ không đủ tiền cho Liều đi học, vì chẳng ai làm việc nhà và chăm nom các em.

“Nhà nghèo, nên mình em bảo chưa cần tới cái chữ, cứ no cái bụng là được rồi. Thương mẹ, mình ở nhà đi mót củi quanh vườn, rồi nấu cơm. Lúc rảnh rỗi, lại thêu thổ cẩm”. Ngày nào cũng hai bận sáng, chiều, Liều ngồi hàng tiếng ngoài bậu cửa ngắm ngôi trường tiểu học phía xa xa.

24 tuổi học lớp một

24 tuổi, bò đến học lớp một ảnh 1
Trong một lần đến lớp  Ảnh: Phạm Huệ

Thấy Liều không biết chữ mà ham học, cô giáo Nga (dạy tại trường Tiểu học Nậm Lành) động viên Liều đi học. Cô Nga bảo, nếu đi học, Liều sẽ còn biết được nhiều thứ hơn, chỉ cần Liều kiên trì.

Đem lời cô giáo kể với mẹ và anh cả, mọi người đều nói: “Mày bị tật ở chân, không đi được, thì học làm sao nổi. Mày lại là con gái, không cần phải học”. Liều khóc.

Để động viên cô học sinh đặc biệt ấy, cô giáo Nga trích đồng lương giáo viên ít ỏi mua tặng Liều sách, bút, vở tập viết. Rồi cũng chính cô nhận Liều vào lớp một do cô làm chủ nhiệm.

24 tuổi, Liều bắt đầu vào lớp một. Dù lớn tuổi, nhưng ánh mắt háo hức khi lần đầu tiên được đến lớp vẫn như đứa trẻ.

Ngày nào, Liều cũng dậy từ sớm, chuẩn bị sách, vở vào túi vải, rồi đeo vào vai. Men theo con đường nhỏ, cô bò đến lớp. Đám trẻ học cùng trường hò nhau chọc ghẹo. Liều tủi thân lắm, nhưng khao khát biết được xa hơn những trang sách cứ thúc giục cô.

Ngôi nhà của gia đình Liều nằm sau trường học, nhưng con đường đến trường thì xa lắm. Ngày nắng còn đỡ khổ, ngày mưa, đường ngập bùn trơn, bò được lên dốc đã khó, xuống dốc còn khó hơn nhiều. Lần nào, đến trường, quần áo Liều cũng bê bết bùn đất.

Năm 2008, khi 29 tuổi, Liều học hết chương trình lớp năm. Anh cả bảo: “Học thế thôi còn ở nhà giúp anh chị, có nhiều việc lắm”. “Nếu cho đi học, mình sẽ bò đi học cấp 2, trường xa đến mấy cũng đi được. Nhưng nhà mình nghèo quá, chắc mình không thể đi học được nữa rồi”, Liều rưng rưng.

Cô lê bước đến bên chiếc hòm sắt gỉ sét. Khẽ mở khóa và lấy ra những bọc nylon. Bên trong là những tập vở của cả năm năm học được cất gọn gàng. Tôi giở ra xem, quyển nào cũng được ghi chép sạch sẽ, những nét chữ tròn trịa, ngay ngắn, những điểm 9, điểm 10 vẫn như còn thơm mùi mực.

Liều ngại ngùng: “Ở nhà thêu thổ cẩm mãi cũng buồn, mình thường giở vở ra xem lại. Đọc mấy bài thơ, mấy câu chuyện, rồi tập viết, cả làm tính nữa cho khỏi quên cái chữ”.

Bây giờ, không được đi học nữa, Liều muốn kiếm một việc gì đó làm để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Liều rất thích may quần áo, và đã may được năm  bộ quần áo người Dao cho những người trong gia đình mình. Cô kể về dự định sắp tới, sẽ may quần áo cho những người Dao quanh vùng và còn đi học cả cách may quần áo của những người Kinh nữa.

Nhìn ánh mắt vụt lên những tia sáng, giọng nói hồ hởi tràn đầy niềm vui khi nghĩ tới tương lai của cô gái người Dao tàn nhưng không phế, tôi tin, Liều sẽ làm được điều mình mong muốn. Như khi cô quyết định cắp sách tới trường, hẳn nhiên, lần này Liều cũng đúng.

MỚI - NÓNG
Điều 'kỳ lạ' ở thủ đô của Na Uy
Điều 'kỳ lạ' ở thủ đô của Na Uy
TPO - Tại các công trường xây dựng ở thủ đô Oslo của Na Uy có những bãi vật liệu xây dựng được tập kết gọn gàng, công nhân xây dựng và máy móc miệt mài làm việc, nhưng không có tiếng ồn như ở những công trường khác.