20% phim nội trên màn ảnh: Nhiệm vụ bất khả thi

20% phim nội trên màn ảnh: Nhiệm vụ bất khả thi
Các nhà kinh doanh chiếu bóng nhận định rằng, quy định mang tính áp đặt này chẳng những không khuyến khích các hãng phim trong nước sản xuất phim ngày càng có chất lượng cao hơn mà có khả năng kéo lùi phát triển của điện ảnh Việt Nam.
20% phim nội trên màn ảnh: Nhiệm vụ bất khả thi ảnh 1
Dòng máu anh hùng - một bộ phim Việt mang lại doanh thu lớn cho các rạp chiếu phim. Ảnh: T.l

Nghị định 96/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh sắp có hiệu lực thi hành.

Trong đó Điều 14 quy định giờ chiếu phim và tỉ lệ phim VN trên hệ thống rạp chiếu phim như sau:

“Tỉ lệ số buổi chiếu phim VN bảo đảm đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu, trong tỉ lệ đó phim truyện VN phải chiếu vào khoảng thời gian từ 18 giờ đến 22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác”.

Quy định này thật sự đã gây choáng cho các nhà kinh doanh rạp chiếu phim trong nước.

Lấy đâu ra phim VN để chiếu?

Một năm có 365 ngày các rạp chiếu phim phải mở cửa hoạt động, mỗi rạp có 3 - 8 phòng chiếu với 5 suất chiếu mỗi ngày. Mỗi năm trung bình mỗi rạp tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng có hơn 2.500 suất chiếu.

Nếu tính 20% của số suất chiếu này dành cho phim VN thì mỗi rạp phải chiếu khoảng trên 500 suất phim VN. Bà Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc cụm rạp Galaxy tại TPHCM, nói:

“Có những cụm rạp đến 8 phòng chiếu. Để chiếu đủ 20%, họ cần hơn 100 phim VN một năm. Nếu thực hiện quy định 20% phim VN phải chiếu tại rạp, mà chiếu trong “giờ vàng” thì liệu có đủ phim VN để chiếu không, chưa nói gì phim hay hoặc dở”.

Theo ông Trần Khải Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Megar Star, hiện tại số lượng phim VN sản xuất hằng năm chỉ trên 10 phim/năm (kể cả các hãng phim Nhà nước và tư nhân).

Với sức sản xuất như hiện nay và ít nhất trong 3 năm tới, điện ảnh VN vẫn không đáp ứng được. Vậy khi các rạp chiếu cần phim VN để chiếu theo nghị định này thì nguồn phim VN ở đâu và ai cung cấp?

Việc này đang đặt các đơn vị kinh doanh rạp chiếu phim trước một tình thế khó khăn. Nguy cơ thua lỗ thậm chí phá sản đang là mối lo của hầu hết các đơn vị kinh doanh rạp chiếu phim hiện nay. Nhất là quy định phải chiếu phim Việt trong khoảng thời gian 18 giờ - 20 giờ, có lượng người xem phim đông nhất tại rạp.

Nguy cơ đẩy lùi chất lượng phim Việt

Lý do phim Việt khan hiếm lâu nay là bởi các hãng phim không dám đầu tư sản xuất vì giá thành quá cao so với khả năng thu hồi vốn. Trung bình một phim sản xuất trong nước, có kỹ thuật tương đối hiện đại, phải mất từ 4 - 5 tỉ đồng. Muốn thu hồi đủ vốn phải đạt doanh thu từ 8 - 10 tỉ đồng.

Đây quả là con số vượt ngoài khả năng khai thác ở thị trường chiếu phim trong nước, chủ yếu tập trung tại TPHCM, nơi chiếm hơn 60% doanh thu. Trong khi đó, một bộ phim nhập của nước ngoài vào VN cao nhất cũng chỉ khoảng 30.000 USD, có khả năng thu hồi vốn nhanh và có lãi.

Do vậy các công ty thay vì đầu tư sản xuất phim thì đua nhau nhập phim ngoại cung ứng cho các rạp chiếu phim.

Hoạt động chiếu phim tại các rạp trong những năm gần đây được điều tiết theo quy luật cung- cầu nên đã góp phần nâng chất lượng phim VN, kéo người xem trong nước trở lại với phim VN tại các rạp.

Các hãng sản xuất phim cũng phải đầu tư chất lượng cho phim của mình mới có thể chiếu cả tháng trên màn ảnh các rạp. Thực tế có nhiều bộ phim VN do tư nhân sản xuất đã chiếm lĩnh màn ảnh, đẩy số thu tiền bán vé lên cao gấp nhiều lần những bộ phim thuộc hạng “siêu phẩm” của Hollywood.

Theo bà Nguyễn Minh Ngọc, phim VN sản xuất có chất lượng, hấp dẫn công chúng thì các rạp sẽ tranh nhau chiếu mà không cần đến quy định tỉ lệ của Nhà nước. Lúc ấy không phải 20% mà 50%, thậm chí 80% phim VN nghiễm nhiên xuất hiện trên màn ảnh các rạp chiếu phim.

Trên thực tế, hai - ba năm nay, mỗi năm thị trường điện ảnh tăng trưởng 30% - 40%. Tất cả mới chỉ là bắt đầu. Nếu thực hiện quy định này thì có thể không chỉ bóp chết các rạp mà còn kìm hãm sự phát triển của điện ảnh vì các rạp phải gom phim Việt để chiếu cho đủ tỉ lệ cho dù đó là những phim không có chất lượng.

Nếu phim không hay, khán giả không đến rạp và rạp không có doanh thu thì tiền mặt bằng, tiền điện, khấu hao và bao nhiêu chi phí khác ai chịu? Lỗ thì không ai dám bỏ ra hàng chục tỉ đồng để làm rạp. Nhà nước có hỗ trợ không? Mà kể cả hỗ trợ, phim không hay thì rạp vắng khán giả.

Bảo hộ không có nghĩa là áp đặt chủ quan

Đây là một quy định nhằm thực hiện chính sách bảo hộ điện ảnh nội địa của Nhà nước, nhưng theo các nhà chuyên môn, Nhà nước nên bảo hộ bằng các chính sách khác nhằm khuyến kích hoạt động sản xuất phim trong nước tăng số lượng cũng như chất lượng phim.

Không nên áp đặt một tỉ lệ mà biết chắc chắn không mang tính khả thi. Ông Trần Khải Hoàng cho rằng: “Nhà nước nên quy định việc sản xuất phim VN hằng năm đối với các nhà nhập phim.

Để có hạn ngạch nhập phim, các nhà nhập phim phải sản xuất phim VN theo một tỉ lệ nhất định. Các nhà nhập phim thường có quan hệ mật thiết với các hãng phim ở nước ngoài nên khi họ sản xuất phim theo quy định của ta để được nhập phim họ cũng nhắm đến phát hành các phim này ra nước ngoài.

Như vậy, phim VN đã tìm đến thị trường quốc tế qua công tác phát hành của các nhà nhập phim, công việc mà bao năm nay điện ảnh VN vẫn đang đi tìm".

Theo Huy Nguyên
NLĐ

Bài học từ điện ảnh Hàn Quốc

Điện ảnh Hàn Quốc nhanh chóng lớn mạnh trở thành Hollywood của phương Đông như hiện nay công đầu thuộc về chính phủ Hàn Quốc.

Giữa thập niên 90, thế kỷ 20, dự án cải tổ điện ảnh toàn diện được chính phủ nước này đưa lên quốc sách hàng đầu, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của điện ảnh như là công cụ quảng bá hình ảnh của “con rồng châu Á” Hàn Quốc với thị trường thế giới.

Phương án cải tổ tối ưu được chọn là phải đầu tư tận gốc rễ, đầu tư vào con người. Họ chấp nhận hy sinh khoảng thời gian đào tạo từ 5- 10 năm - để làm lại từ đầu.

Kế đến là việc lựa chọn phát triển điện ảnh theo mô hình điện ảnh Mỹ. Thứ nữa là lựa chọn những người có năng khiếu và tố chất để gửi sang Mỹ đào tạo. Hơn 300 người đã được chọn với tiêu chí còn trẻ (từ 18 đến 25 tuổi) và có chút căn bản tiếng Anh.

Họ được gửi sang Mỹ đào tạo các công đoạn để tạo ra một bộ phim, trong đó chú trọng nhất là khâu kỹ thuật, lĩnh vực yếu kém nhất của điện ảnh Hàn Quốc lúc bấy giờ.

Tất cả kinh phí do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích tư nhân và các tập đoàn giải trí nước ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng cho điện ảnh, truyền hình với những ưu đãi tốt nhất. Từ đó, các cụm rạp, trường quay hiện đại ồ ạt ra đời.

Theo H.Nh
hanquocngaynay

MỚI - NÓNG
Về Quảng Ninh xem các 'bóng hồng' diện váy đá bóng
Về Quảng Ninh xem các 'bóng hồng' diện váy đá bóng
TPO - Hơn 500 đoàn viên, thanh niên của Quảng Ninh tham gia giao lưu các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Đây là hoạt động nằm trong Ngày hội văn hóa, thể thao thanh niên năm 2024, chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029.