Họ là những người trẻ và ít nhiều đã có danh trong xã hội. Những thứ mà họ làm đều là những công việc chưa quen trong nếp nghĩ của nhiều người. Họ chẳng phải con ông cháu cha nên đều bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng.
Hạnh Vũ: váy cưới made in Vietnam
Xuất thân là dân tỉnh lẻ nên dù Hạnh có đam mê thời trang đến đâu thì ý định gắn bó với nghề này cũng vẫn là viển vông. Chiều lòng gia đình, Hạnh cũng thi đại học, đỗ trường Tài chính, tốt nghiệp ra lại ổn định ngay ở Bộ Tài chính, phụ huynh thở phào khỏi lo con bé suốt ngày u mê với xiêm xiêm áo áo.
Thế mà Hạnh vẫn rẽ ngang, một cú sốc nhỏ trong cuộc sống cộng với câu tự vấn bản thân cực kỳ nghiêm túc: Điều gì thực sự là ý nghĩa với mình? Trong đầu Hạnh lúc đó hầu như chẳng có bất cứ một đắn đo nào khi bật ra câu trả lời: Thời trang.
Hạnh ghi tên vào Học viện thời trang London, đầu tiên có ý định đi theo đồ jeans nhưng thấy không cạnh tranh được với đồ Quảng Châu nên bỏ. Mất một thời gian hoang mang, tìm tòi, không biết mình lựa chọn đúng hay sai nhưng lòng tự tin không lúc nào giảm với ý nghĩ rằng: Cuộc sống chẳng chật hẹp nếu mình đứng đúng chỗ. Cuối cùng Hạnh chọn cái mà ở thị trường thời trang Việt Nam chưa ai dám làm: Đồ cưới.
Hạnh bắt đầu sự nghiệp bằng việc đi từng showroom áo cưới một xem tỉ mẩn đường kim mũi chỉ, lớp lang trang trí, chất liệu, màu sắc... rồi ghi tất cả những cái đó vào đầu. Ngay từ lúc chưa có gì ấy Hạnh đã nghĩ phải tạo ra những sản phẩm áo cưới của riêng mình, muốn vậy thì không thể đi theo cách thông thường.
Thứ mà người ta làm lót Hạnh cho ra ngoài, những hoạ tiết mà không ai nghĩ hợp với áo cưới Hạnh đều đính thử... mày mò rồi cũng ra những cái váy hay hay. Mỗi sản phẩm làm xong Hạnh đều đem ra thử trước gương lật ra, khâu vào cho đến kỳ ưng ý như chính mình là cô dâu mới thôi.
Có bao nhiêu tiền bạc tích cóp được Hạnh đem ra mua nguyên liệu và dồn hết tâm huyết vào những cái váy đầu tiên. Sản phẩm hoàn thiện, đem chào hàng ở các ảnh viện, bán được cái nào lại đem tiền mua nguyên liệu làm những cái khác.
Cái xưởng khởi nghiệp của Hạnh là một căn nhà nhỏ tí trong ngõ phố Kim Mã với mấy cái máy khâu. Không nề hà đến từng cửa hàng áo cưới lớn bé để giới thiệu mẫu mã và bán hàng, sản phẩm của Hạnh dần thuyết phục được các ông, bà chủ vì giá cả rất mềm mà mẫu mã, kiểu dáng lại ổn. Hợp đồng lớn đầu tiên của Hạnh là 50 cái váy đặt hàng làm cho mấy anh em trong xưởng hưng phấn hàng tháng trời.
Công việc sau đó cứ suôn sẻ dần. Hạnh nghĩ đến việc bành trướng thương hiệu ra các tỉnh lân cận. Chỉ một động tác đơn giản: xin 1080 các tỉnh địa chỉ của những cửa hàng áo cưới rồi chụp ảnh, đính chất liệu, giá cả và gửi qua bưu điện đến từng nơi. Kết quả thành công ngoài mong đợi: 90% lá thư của Hạnh có hồi âm, và bây giờ hầu hết các tỉnh phía Bắc là thị trường lớn của áo cưới Hạnh Vũ.
Bây giờ, cửa hàng áo cưới Hạnh Vũ (7 Bùi Thị Xuân) đã trở thành quá nổi tiếng đối với cả những showroom áo cưới lớn và uy tín trong nước. Có người còn thống kê: Ở Hà Nội có 30 cái váy cưới thì đến 25 cái là của Hạnh Vũ. Các cô dâu đã hoàn toàn có thể với tới ước mơ sở hữu riêng một cái váy cưới đúng số đo, đúng modern, độc đáo mà giá cả thì rất... Việt.
Vũ Thị Thu Hạnh giờ là chủ của 41 công nhân nhưng vẫn chăm chút từng cái váy lẻ, vẫn ở nhà thuê và tự nấu cơm. Cô chưa hài lòng với những gì mình có. Một công ty áo cưới Hạnh Vũ và những cái áo xuất khẩu ra nước ngoài gắn mác made in Vietnam mới là cái đích của cô.
Lê Thị Lương: Thành công nhờ “chơi” hoa
Sinh năm 1980, Lương đến với nghề hoa vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác: trượt đại học, bắt buộc phải học một nghề để sinh nhai.
Nhà Lương có truyền thống làm hoa nhưng bằng bản năng của một người có máu kinh doanh cô hiểu rằng: Nếu không chuyên nghiệp hóa và cập nhật với nhu cầu của cuộc sống thì mãi mãi cô vẫn chỉ đứng trong tầng lớp những người bán hoa dạo.
Mỏi mòn với một sạp hoa bé tí trong 4 năm liền, Lương chỉ ngày đêm nghiên cứu, thử làm những mẫu hoa mới lạ và nung nấu một quyết tâm: Phải mở một siêu thị hoa. Để tích cóp lưng vốn cho siêu thị ấy Lương nghe thấy có lớp học về hoa của nước ngoài nào là mò đến xin tham gia. Đến tháng 12 năm 2004, siêu thị hoa Ly Ly ra đời ở 40 Yên Phụ gần như rút hết toàn bộ sức lực và vốn liếng của vợ chồng Lương.
Gia đình sợ hai đứa trẻ người non dạ chưa đủ vững vàng để quản lý một cửa hàng lớn đã nhất quyết phản đối ý định “điên rồ” ấy. Hai vợ chồng tự cam kết với nhau: Đã làm thì phải chấp nhận mọi chuyện, thua cũng không được bỏ cuộc và sau đó bán cả cái xe máy đang đi lấy tiền làm vốn. Từ sau ngày có Ly Ly khách hàng thấy Lương xành xạch trên chiếc Cub 81 tưởng cô này tay chơi ai biết là không có tiền phải mượn xe đi tạm.
Ngày khai trương Ly Ly để tạo ấn tượng mạnh Lương đã dày công làm cả một cái váy cưới bằng hoa tươi cho manơcanh trưng trong gần 1 tháng trời. Cái váy ấy nặng tới 50kg, hết những 40 ngàn bông hoa và gom đủ 7 màu của cầu vồng. Khách hàng thấy cửa hàng của Lương “độc” đổ xô tới, ai trông thấy cái váy hoa cũng phải đề nghị được chụp ảnh cùng. Ly Ly vững vàng ngay từ lúc khai trương và ngày càng hấp dẫn khách ở những chủng loại hoa quý, không đụng hàng.
Thực ra, không phải đến lúc làm váy hoa người ta mới phát hiện Lương “điên”, trước đó ít ngày ở Hội chợ Cưới năm 2004 Lương đã gây chú ý bằng đóa hoa cưới khổng lồ hình thác nước nặng 2 tấn, dài hơn 50m, chiều ngang 8m được kết bằng 50 vạn bông hoa. Đóa hoa ấy đã được đưa vào kỷ lục Guiness Việt Nam, chi phí cho nó xêm xêm chừng 40 triệu.
Siêu thị Ly Ly của Lương bây giờ không chỉ chuyên làm hoa, cô còn mở rộng sang lĩnh vực trang trí nội thất, sân, vườn. Sang năm Lương sẽ thành lập công ty và bắt đầu đi học lại. Có học có hơn dù với lưng vốn sẵn có bây giờ trong giới kinh doanh hoa ở Việt Nam Lương cũng được coi như một “bà lớn” trẻ.