Theo ThS. Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Thương mại, một lượng nhất định thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học là bình thường và ổn định trong các năm qua. Ông Trung đưa ra các nguyên nhân, gồm thí sinh có điểm cao đã nộp hồ sơ đi học nước ngoài; kinh tế gia đình thí sinh khó khăn, thay đổi học nghề; thí sinh đi xuất khẩu lao động.
“Năm nay, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học vào Trường ĐH Thương mại đạt trên 97%. Qua thông tin phản hồi của thí sinh, đa số những em không xác nhận nhập học là chỉ cần nhận giấy báo trúng tuyển của trường để đi du học. Một phần khác do không đủ tài chính theo học”, ông Trung nói.
Thí sinh làm thủ tục nhập học năm 2024 Ảnh: Nghiêm Huê |
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, nhìn nhận, trong số những thí sinh không xác nhận nhập học, có nhiều em trúng tuyển ngành học chưa yêu thích nên muốn tìm cơ hội được học ngành yêu thích trong lần xét tuyển bổ sung. Các trường ĐH đối diện với 2 lần thí sinh ảo. Không chỉ thí sinh trúng tuyển không xác nhận nhập học mà còn có một lượng không nhỏ thí sinh xác nhận nhập học nhưng không đến nhập học chính thức.
Ông Khánh nói rằng, những năm qua, số lượng thí sinh có nhu cầu xét tuyển bổ sung không lớn, vì những ngành xét tuyển bổ sung không còn nhiều ngành “hot” mà thường là những ngành khó tuyển sinh. Bài toán học phí luôn là phần cân nhắc quan trọng đối với thí sinh. “Sau dịch COVID-19, đời sống của người dân năm nay đã ổn định hơn, lương cơ bản có tăng nhưng mức sống tăng cao hơn nên những thí sinh ngoại tỉnh đi học ĐH, chi phí đội lên lớn. Nhiều gia đình, bản thân thí sinh phải cân nhắc lựa chọn điều này”, ông Khánh nói.
Đừng chờ năm sau
TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết dữ liệu các năm trước và năm nay cho thấy tỉ lệ thí sinh cả nước nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT chỉ đạt khoảng 80 - 85% tổng số thí sinh trúng tuyển. Không chỉ học phí, sinh viên còn cần một khoản sinh hoạt phí để có thể theo học ĐH.
Trong khi đó, chính sách cho sinh viên được vay vốn 4 triệu đồng/tháng lại chỉ thực hiện được sau khi thí sinh đã trở thành sinh viên của trường ĐH và thấp so với nhu cầu thực tế. Nhiều trường THPT ở các tỉnh miền Trung có tỉ lệ thí sinh học ĐH rất thấp nhưng tỉ lệ trúng tuyển ĐH cao. Tỉ lệ trúng tuyển ĐH chính là thành tích của trường THPT nơi thí sinh theo học. Điều này đã tạo ra số lượng thí sinh trúng tuyển ảo vào các trường ĐH hằng năm.
Nhiều thí sinh sơ suất bỏ qua bước xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Đây cũng là một trong những lý do để Bộ GD&ĐT quyết định gia hạn nhập học đến trước 17 giờ ngày 31/8 cho thí sinh. Theo kế hoạch trước đó, đến 17 giờ ngày 27/8, thí sinh phải hoàn tất việc xác nhận nhập học trên hệ thống.
Ông Hải cho rằng, đợt xét tuyển bổ sung là cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng mong muốn ở đợt 1.
Tuy nhiên, cơ hội xét tuyển đợt bổ sung không nhiều, thí sinh cần cân nhắc lựa chọn phù hợp. Nguyên nhân là đợt bổ sung không nhiều trường xét tuyển, chỉ tiêu không nhiều và điểm chuẩn bổ sung cũng tối thiểu bằng đợt 1 trở lên.
Theo ông Hải, thí sinh nếu có mong muốn được học ĐH thì không nên chờ đến năm sau. Vì từ năm 2025, bắt đầu một chương trình học và thi hoàn toàn mới, thuận lợi hay khó khăn như thế nào thí sinh chưa thể biết trước. Hơn nữa, 1 năm trôi qua, kiến thức học THPT có thể mai một. Với những trường hợp khó khăn về kinh tế, nếu đã trúng tuyển, ông Hải khuyên các em nên làm thủ tục nhập học, sau đó xin bảo lưu để đi làm có tài chính sẽ quay trở lại học bình thường.
Nhiều thí sinh chưa tìm hiểu kĩ học phí của trường/ngành mong muốn được học. Sau khi trúng tuyển mới phát hiện đó là ngành chất lượng cao hay ngành giảng dạy bằng tiếng Anh là chính, học phí cao hơn chương trình chuẩn rất nhiều nên không có điều kiện học đành bỏ ngang. Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã đến lúc hình thành thói quen vay vốn để đi học vì đó là sự đầu tư cho tương lai.