Dũng là thư ký của một doanh nhân. Anh thường theo lãnh đạo đi công tác. Một lần qua Mỹ, anh ở lại ba tháng làm việc. Chiều chiều, theo thói quen người Việt, Dũng kiếm quán cà phê, nhâm nhi vài ly. Ở đó, anh gặp cô bạn ngoại quốc, làm việc tại một công ty thực phẩm.
Cô mời anh về nhà chơi và tình yêu đến với họ chóng váng. Dũng nghĩ bụng: “Gái Tây quả là thoáng!”, và thật không ngờ, trong bữa cơm tối sau đó, cô gái ngập ngừng nói: “Liệu anh có lấy em không?”.
Giờ đây Dũng đã trở lại Sài Gòn. Anh nhận được thư của người yêu, ngần ngại không biết phải trả lời thế nào. Dũng có thể ở lại Mỹ, qua Canada với người yêu, nhưng anh không thể rời xa nơi đây.
Dũng nói với tôi: “Mình cảm thấy sự khác biệt văn hóa quá lớn để có thể ở lại bên đó với cô ấy”. Mối tình của họ đã bị một thứ vô hình, là rào cản văn hóa, chia cắt.
Thói quen và tập quán cũng là hàng rào nữa. Thắng, sinh viên học ngành du lịch, hiện làm việc ở quận 1, TPHCM. Thắng nói: “Ngoài cô bạn người Thái mà chúng em đã quen nhau 3 năm, em chẳng nghĩ ngợi về ai”.
Thắng có công việc rất tốt ở lĩnh vực khác, nhưng để qua lại thăm người yêu, chàng nộp đơn vào ngành du lịch. Quyết định ấy khiến tất cả bạn bè của Thắng ái ngại. Lương ngành du lịch chẳng là bao và công việc lại khó khăn vất vả. Tình yêu quả mạnh hơn tất cả.
Mỗi lần chàng về Sài Gòn, da ngăm đen, quần áo đầy bụi bặm. Thắng nói bạn gái đã có công việc, mức lương rất tốt. Mọi sự đều khả quan. Thắng lại bảo: “Em chỉ ngại bố em”. Tôi hỏi: “Bố không thích con dâu Thái à?”. Thắng lắc đầu: “Không phải không thích, nhưng bố em không tin tưởng. Bố em nói, lấy vợ người nước ngoài mà hạnh phúc thì còn khó hơn tìm dầu ngoài biển con ạ”.
Những mối tình xuyên quốc tịch thời mở cửa đã trở nên phổ biến. Tùng tốt nghiệp cao học ngành thông tin ở Anh, trở về nhà cùng cô gái tóc vàng, cao và hát rất hay.
Họ bên nhau hạnh phúc. Facebook của đôi bạn tràn ngập những hình ảnh tay trong tay, cho đến một ngày Jan trở lại châu Âu. Cô không tuyên bố lý do.
Có thể Jan cần học tiếp, như lời cô nói, nhưng cũng có thể cuộc sống nơi này quá xa lạ với cô. Tùng thường vui vẻ với đám bạn bè ở quán bia hay cà phê thì Jan ở nhà và vào vai người nội trợ. Trong suốt hai năm ở Việt Nam, chỉ những ngày lễ lớn hay xem những chương trình ca nhạc quốc tế cô mới ra khỏi nhà.
Sự ra đi của Jan khiến Tùng choáng váng. Anh không muốn bất kỳ ai hỏi thăm về cô và gợi về quá khứ họ. Một người bạn cho biết, Tùng đã ở trong nhà hai tháng trời sau khi Jan lên máy bay về nước.
Thỉnh thoảng, mấy người bạn Tùng lại tế nhị mời cậu đi nhậu, để kéo kẻ thất tình ra khỏi căn phòng đóng kín. Tùng cũng nhận lời, nhưng cậu hầu như không còn quan tâm đến những câu chuyện cà kê quen thuộc nữa, mà ngồi im như một cái bóng. Trước đây, cậu uống ba chai bia thì nay phải sáu chai.
Tôi từng chứng kiến cảnh tượng khó tả. Một anh bạn tên Hoàng chia tay bạn gái người Thụy Sĩ ba năm. Anh Hoàng đã lập gia đình và có một con gái kháu khỉnh.
Cách đây mấy hôm, khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện trong quán cà phê cũ ở quận 3, bỗng nhiên bạn gái cũ Hoàng xuất hiện. Cô cao, mặc chiếc quần bò và áo phông. Chiếc ba lô đeo trên vai. Cô đứng như trời trồng và nhìn Hoàng. Cô gào lên, đôi mắt xanh biếc: “Anh không được bỏ em!”.
Sau này, Hoàng nói với chúng tôi: “Cứ tưởng về Thụy Sĩ có bạn trai rồi, không ngờ vẫn cứ yêu mình, vẫn tính đường quay lại Sài Gòn làm việc. Khổ vậy”. Anh thở than: “Mình cứ nghĩ chẳng bao giờ gặp lại nữa, không ngờ! Bây giờ biết làm sao đây”.
Hoàng nói vậy là còn nhiều tình cảm với cô lắm. Cô gái to tiếng, Hoàng nhẫn nhịn hết, mượn cho cô cái mũ bảo hiểm rồi họ lên xe đi. Hình ảnh của ba năm trước lại trở về, chàng trai Việt đèo cô gái Thụy Sĩ chân dài giữa thành phố rực rỡ cờ hoa ngày cuối năm. Mái tóc vàng của cô gái phất phơ dưới cái mũ bảo hiểm đã bạc màu. Chỉ khác một điều là dòng nước mắt của cô vẫn chưa ngừng rơi.
Anh Nam, một người chồng lý tưởng, đã có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc với vợ người Âu sáu năm. Bố mẹ cô gái làm nghề bán rau quả, cuộc sống ở châu Âu đang lúc khó khăn, nhưng bố vợ có lương hưu, mọi sự vẫn trong tầm kiểm soát. Vợ anh Nam làm cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam. Cô gọi chồng bằng “ông”, còn anh gọi cô là “bà”. Anh đi đâu khỏi nhà đều báo cáo vợ.
Tôi hỏi “Vì sao lại lấy vợ Tây?”. Anh bảo: “Con gái Việt giờ chê trai Việt quá nên chúng tôi phải lấy vợ Tây chứ biết làm sao giờ”. Đấy là anh nói đùa cho vui. Anh bảo: “Lấy người ta hay lấy người Tây không quan trọng, điều quan trọng là tình yêu. Tình yêu không có quốc tịch, không có sắc tộc”.
Tôi hỏi: “Làm sao khắc phục được những khác biệt văn hóa?”. Anh nói: “Chỉ có tình yêu, không có khác biệt. Tình yêu ở nơi nào cũng là tình yêu”.
Anh Nam nói thêm: “Mọi khó khăn đều có cách khắc phục. Cùng nhau vượt khó chính là niềm vui”. Tôi biết anh Nam là người rất kỹ tính, đồ đạc trong nhà anh thường đặt đóng riêng cho đúng ý mình. Tôi hỏi bà ấy biết nấu cơm Việt Nam không? Anh tự hào tiết lộ: “Tôi thích món gì bà ấy cũng nấu được tất!”.
Tháng 12 - 2012