Cơ thể của bạn trải qua rất nhiều thay đổi trong suốt 9 tháng mang thai. Khi có cảm giác lạ trong bụng, đau chân…, bạn có thể bắt đầu lo lắng. Hãy hít thở sâu. Hầu hết phụ nữ mang thai đều khỏe mạnh và sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải theo dõi và biết được các triệu chứng bất thường để có thể đến khám bác sĩ khi cần thiết.
1. Đốm máu và chảy máu
"Bất cứ khi nào bị chảy máu trong thai kỳ, bạn cần biết rõ nguyên nhân”, tiến sĩ Francis Chang, bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Good Samaritan ở Los Angeles, California cho biết.
Trong 8 tuần đầu của thai kỳ, đốm máu là một dấu hiệu bình thường, do phôi được cấy vào tử cung. Đốm máu cũng có thể từ vết rách âm đạo, do gần đây bạn có quan hệ tình dục hoặc nhiễm trùng cổ tử cung - những vấn đề này không có hại cho thai.
Nếu bạn có đốm máu và đau đớn, có thể bạn mang thai ngoài tử cung. Chảy máu cũng cho thấy cổ tử cung đang co thắt hoặc mở rộng, bạn đã bị sảy thai hoặc dấu hiệu của nhau tiền đạo. Nếu gặp phải bất kỳ vấn đề nào, bạn nên gọi cho bác sĩ ngay.
2. Cơn co (cơn gò)
Nhiều mẹ bầu rất lo lắng khi lần đầu tiên cơ thể xuất hiện những cơn gò sinh lý Braxton, khác với cơn đau khi chuyển dạ là không đau và xảy ra không thường xuyên, tiến sĩ James Bernasko, bác sĩ sản phụ khoa, tại Bệnh viện Đại học Stony Brook ở New York nói. Cơn gò sinh lý Braxton có thể xảy ra trong quý thứ hai của thai kỳ, nhưng phổ biến hơn cả là ba tháng cuối. Nếu mất nước, bạn cũng sẽ có cảm giác này.
Trước 24 tuần tuổi, các cơn co thắt cũng có thể có nghĩa rằng bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nấm men. Nếu cơn co thắt gây đau đớn hoặc thường xuyên, hãy gọi cho bác sĩ.
3. Em bé cử động chậm lại hoặc ngừng cử động
Từ 17 đến 18 tuần, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy em bé cử động trong bụng, mặc dù có thể chỉ cảm thấy rung nhẹ. Những cử động của em bé (và đá) sẽ mạnh mẽ hơn và khoảng 24 tuần, bạn có thể nhận thấy rằng con yên tĩnh vào ban ngày và tích cực hơn vào ban đêm.
Nếu cử động của em bé chậm lại, bạn nên uống một cốc nước đá hoặc nước cam. "Một sự thay đổi nhiệt độ hoặc sự tăng lượng đường tăng đột ngột sẽ làm cho em bé di chuyển", Chang nói.
Nếu em bé cử động ít hơn hẳn mọi ngày, hãy gọi cho bác sĩ.
4. Đau chân
Mang thai làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu, một vấn đề gây ra các cục máu đông và có thể đe dọa tính mạng. Sự gia tăng progesterone khiến các tĩnh mạch ở chân mở rộng và tăng cung cấp máu có thể dẫn đến dòng máu máu tới chân chậm lại. Nếu bạn bị đau ở bắp chân, hãy gọi cho bác sĩ.
5. Trầm cảm
Từ 14 đến 23 % phụ nữ bị trầm cảm trong thai kỳ, theo số liệu của Đại học sản phụ khoa Mỹ. Nếu bị trầm cảm thời điểm bầu bí, bạn sẽ có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh. Hãy đến và nói chuyện với một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
6. Phù
Khoảng 70 đến 80% phụ nữ bị phù ở bàn chân, cẳng chân, mặt và tay trong khi mang thai. Nếu kèm thêm huyết áp cao hoặc đau đầu, bạn có thể bị hội chứng cao huyết áp thời kỳ mang thai.
7. Tiết dịch âm đạo
Cơ thể tăng tiết dịch trong thời kỳ mang thai là bình thường, nhưng nếu có kèm máu, hoặc bạn cảm thấy đau, hãy nói với bác sĩ. Trong quý hai, những triệu chứng này có thể có nghĩa là cổ tử cung của bạn đang giãn nở mà có thể gây ra sẩy thai.
8. Ớn lạnh và sốt
"Bất kỳ cơn sốt và đau nào cũng cần được theo dõi cẩn thận”, Bernasko nói. Tùy thuộc vào vị trí đau, bạn có thể có bị nhiễm trùng thận, hoặc viêm phổi, tất cả đều rất nghiêm trọng khi mang thai.
9. Nhức đầu
Nhức đầu là vấn đề rất phổ biến trong thai kỳ, thường do sự thay đổi nội tiết tố mạnh mẽ và gia tăng khối lượng máu của cơ thể. Thiếu ngủ, căng thẳng hoặc giảm caffeine có thể làm cho bạn càng nhức đầu hơn.
Nhức đầu thường không có gì phải lo lắng, nhưng đau đầu trong quý hai hoặc ba tháng cuối có thể là một dấu hiệu của bệnh tiền sản giật, Bernasko nói.
10. Khó thở
Sự gia tăng progesterone và bụng ngày một lớn dần có thể làm bạn cảm thấy khó thở. Điều này hoàn toàn bình thường nhưng trong trường hợp hiếm, nó có thể là một triệu chứng nghẽn mạch phổi, bệnh tim hoặc bệnh phổi. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng.