Điều đáng quan tâm trong một chương trình như Người đẹp Nhân ái xoay quanh mấy nội dung sau: 1/Ý nghĩa, thông điệp của từng dự án mà thí sinh là đại sứ; 2/Cách họ tiếp cận dự án và hành động; 3/Khả năng truyền thông, ứng xử trước ban bình luận cũng như khán giả. Và tất nhiên, cả ngoại hình của thí sinh nữa, ai xứng là ứng viên tốp đầu.
Những điểm sáng
Lục Thị Thu Thảo (quê Bình Dương, sinh viên ĐH Ngoại thương) là cô gái tỏ ra thông minh nhất hôm bốc thăm dự án. Từ khóa “Khát” cô bốc được hôm đó không khó đoán nhưng chỉ ít giây, cô không chỉ phán đoán chính xác nội dung dự án của mình mà còn truyền thông, phát triển nó với kiến thức xã hội phong phú, diễn đạt súc tích.
Ở tập 2, bình luận viên Trấn Thành khen Thảo “Tiếp cận nhân vật tốt, khai thác được nhiều nhân vật - nhiều câu chuyện một lúc. Sử dụng triệt để một ngày (hoạt động)”.
Dự án của Thảo giúp xây bể chứa nước cho 58 hộ nghèo xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Cuối cùng cái bể cũng hiện ra trước sự “mừng hết lớn” của bà con nhưng như Thảo bộc lộ trước khán giả trường quay, cô cảm thấy chưa hài lòng. Bể chứa đã có, còn nước hứng được có đủ sạch, đảm bảo sức khỏe không, nằm ngoài tầm tay cô. “Chưa làm tới cùng” chính là băn khoăn của thí sinh này. (Mỗi thí sinh chỉ có hai ngày hoạt động).
Công việc của Bùi Nữ Kiều Vỹ (Quảng Nam) khá đơn giản. (Vậy mới khó thể hiện?). Với dự án “Môi trường xanh”, nhà tài trợ ngoài 11 món quà cho con em công nhân môi trường, còn tặng bà con hai xe đạp lọc nước tập thể dục bên bờ kênh Nhiêu Lộc (TPHCM) trị giá 4.000 đô la. Vừa đạp xe thể dục bên bờ kênh, vừa lọc được nước. Vỹ còn phát động đi bộ vì môi trường, và tham gia chèo thuyền nhặt rác trên dòng kênh cùng các đoàn viên thanh niên.
Cô gái Quảng Nam này dường như đang gặp may trong hành trình Hoa hậu Việt Nam. Báo chí hồ hởi lăng xê, lại còn gọi “bản sao của Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền” dù trông không liên quan lắm. Tối 3/7 thì được hội đồng bình luận tán thưởng nồng nhiệt. Như Chi Bảo nhận xét: “Đây là hình ảnh nhà hoạt động xã hội mà tôi muốn thấy: Đầy nhiệt huyết, đầy cảm xúc”.
Bùi Nữ Kiều Vỹ (Quảng Nam) nỗ lực trong Dự án nhân ái.
Đẹp, nhân hậu và...
Trong hành trình nhân ái tỏa đi các nơi, mỗi cô gái một đôi giày bệt một quần jeans, áo pull hồng hoặc trắng do Ban Tổ chức phát, khiến họ thoạt nhìn dường như không khác nhau nhiều.
Một nhân vật nói trong tập 2 “Không có dự án nào là hoàn hảo”. Ban Tổ chức và những người đồng thực hiện có lẽ cũng nghĩ vậy. Một cô gái trên dưới 20 cũng không thể bộc lộ hết bản thân trong thời gian ngắn ngủi. Tuy vậy, những tấm lòng của nhà tài trợ cùng những điểm sáng thực sự như Như Thủy, Lục Thảo… trong dự án Người đẹp Nhân ái sẽ bù lại khiếm khuyết ở mỗi dự án. Ít nhất có hai ứng viên “Người đẹp Nhân ái” đang nổi lên sau 2 tập. Hãy chờ sự tỏa sáng của các ứng viên tiếp theo.
Hoàng Thị Quỳnh Loan (Huế) lên hình trông ổn hẳn, một phần do cô trang điểm khá tốt. Ngoại hình của Nguyễn Thị Thành (Bắc Ninh) khiến nhà báo - bình luận viên Trác Thúy Miêu lạ lẫm còn MC Trấn Thành hóm hỉnh: “Em có vẻ đẹp quốc tế. Nhìn em người ta không biết là người Việt Nam hay Thái Lan hay Philippines, Myanmar, hay châu Phi, La tinh, Mỹ đen gì đó...”.
Không phải ai cũng biết Phạm Châu Tường Vy (Kiên Giang) ngoài gương mặt hiền hậu thì hình thể thuộc loại “đẹp hiếm”. Nhưng cô chưa biết thể hiện mình lắm, cả ngoài đời lẫn trên sân khấu thi chung khảo. May là nay Vy đã hoạt bát hơn, bớt rụt rè khi “lần đầu tham gia một hoạt động xã hội” như cô thừa nhận.
Dự án sơn sửa, nâng cấp trường học ở Phong Điền, Cần Thơ của Vy không có cơ hội bộc lộ nhiều lắm năng lực bản thân, và thông điệp Vy đưa ra cũng chưa có được sự bao quát, sự nâng tầm, kiểu như Lục Thảo chẳng hạn. Cô gái Kiên Giang hẳn phải nỗ lực nhiều nữa, nhất là sự tự tin và linh lợi, khả năng tỏa sáng, mới xứng đáng đứng trong tốp đầu Hoa hậu Việt Nam 2016.
Bình phẩm dự án “Mang nước ngọt về quê hương” mà Hoàng Thị Quỳnh Loan (Huế) là đại sứ, Trấn Thành nói ý nhị: “Người phụ nữ đẹp phải là người thu hút và tự tin”. Là một trong ba cô gái Huế vào sâu ở Hoa hậu Việt Nam 2016, Loan trông có vẻ ngày càng đẹp ra. Xã Phú Thạnh, Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nơi Loan đến, có những cảnh đời thật éo le. Chỉ vì thiếu nước, phải đào một cái ao tích lũy nước mà đứa con nhỏ của gia đình nọ bị rơi xuống hố chết oan. Màn hình dừng ở giọt nước mắt xúc động của Loan trước cảnh đời cơ cực của cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ chết đuối. Nhưng Loan có lúc lại “cua hơi gấp”, chẳng hạn khi nghe chị Dũng, một phụ nữ khắc khổ tâm sự “Chồng chị chết 10 năm rồi, đi biển rồi chết ngoài biển luôn, không có xác, hình gì hết”, Loan vội vã chuyển sang câu hỏi khác “Chị thấy tình trạng thiếu nước ngọt như thế nào ạ, có khó khăn gì đối với chị?”. Và không hiểu do chương trình cắt ghép dàn dựng chưa khéo hay sao mà Loan đang từ tâm trạng xúc động trước những cảnh đời Phú Thạnh, thì ngay sau đó có vẻ hớn hở thái quá, thậm chí hơi “diễn” khi reo, có người đã tài trợ dự án của Loan rồi!
Nguyễn Thị Thành là đại sứ xây cầu cho người dân Mỏ Cày, Bến Tre. Cô gái đang theo học Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Cô chia sẻ, bố và em đều tật nguyền nên lúc đầu chỉ muốn được giao một dự án hướng về người tàn tật. Thành được bạn cùng phòng khen thân thiện, trong tập 2 cô cũng chứng tỏ như vậy. Nhưng sự chân thật, hòa đồng là chưa đủ trong một cuộc thi hoa hậu. Cả việc kể chuyện đời éo le cũng vậy, đó là con dao hai lưỡi. Về cách truyền thông trong Dự án nhân ái, MC Trấn Thành góp ý chân thành cho Thành: “Em đừng kết (thông điệp) như một MC, kiểu đều đều, uổng. Hãy nói bằng điều mình nghĩ”.
Qua 2 tập phát sóng, có lẽ khán giả không còn quá xa lạ cảnh thiếu từ nước thiếu đi ở một số tỉnh phía Nam, nhưng những khuôn hình ghi lại những gương mặt, ánh mắt, cảnh đời, vẫn khá ám ảnh. Cho nên mới có thông điệp của thí sinh Lục Thảo người Bình Dương: “Hãy chia sẻ yêu thương nhiều hơn. Bởi ngoài câu chuyện về nước, những nơi Thảo đã đi qua còn rất nhiều khó khăn như nghèo đói, bệnh tật, rất cần bàn tay chia sẻ của chúng ta”.
Các tập tiếp theo của “Người đẹp Nhân ái sẽ được phát lần lượt vào các tối Chủ nhật lúc 20h trên VTV9.